Ngành nào còn chỉ tiêu xét tuyển bổ sung?

15/08/2018 08:43 GMT+7

Dù chỉ tiêu xét tuyển bổ sung còn nhiều ở các trường ĐH và CĐ nhưng thí sinh cần phải có 'chiến thuật' mới nắm bắt được cơ hội trúng tuyển.

Nội dung trên được nêu ra trong chương trình tư vấn truyền hình trực tuyến do Báo Thanh Niên thực hiện với chủ đề “Ngành nào còn chỉ tiêu xét tuyển bổ sung?” tại: thanhnien.vn, Facebook.com/thanhnien và YouTube Báo Thanh Niên.
Nhiều cơ hội ngành kỹ thuật công nghệ
Thạc sĩ Nguyễn Trần Ngọc Phương, Phó trưởng phòng Tư vấn tuyển sinh và truyền thông Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, cho biết trong hôm nay (15.8) trường sẽ quyết định về việc có xét tuyển bổ sung hay không. Nếu có sẽ tập trung vào một số ngành kỹ thuật, môi trường, công nghệ sinh học, kiến trúc, thiết kế nội thất, thiết kế thời trang, xây dựng, ngôn ngữ Hàn Quốc… Dự kiến nhận hồ sơ từ 15 - 20.8 với cả 2 phương thức xét kết quả thi và xét học bạ. Trong đó có hai ngành học mới Việt Nam học và ngôn ngữ Hàn Quốc, mỗi ngành xét 100 chỉ tiêu (75% xét kết quả thi và 25% xét học bạ).
Tại Trường ĐH Duy Tân, tiến sĩ Võ Thanh Hải, Phó hiệu trưởng nhà trường, thông tin năm nay số lượng thí sinh (TS) vừa trúng tuyển học bạ vừa trúng tuyển kết quả thi khá nhiều nên dẫn đến tình trạng TS trúng tuyển “ảo”. Vì vậy, trường sẽ xét bổ sung 10 - 15% chỉ tiêu, tương đương khoảng 500 chỉ tiêu cho khoảng 20 ngành. Các ngành về xây dựng, kiến trúc, môi trường, xã hội nhân văn phải tuyển bổ sung với ít nhất 50 chỉ tiêu. Một số ngành trường chờ đến ngày 16.8 sẽ có thông báo chính thức sau khi có kết quả TS nhập học gồm: dược, y đa khoa, răng hàm mặt.
Cũng theo tiến sĩ Hải: “Các ngành kỹ thuật công nghệ năm nay có điểm thấp hơn nên chỉ tiêu xét tuyển bổ sung vào các ngành này ở các trường còn khá nhiều”.
Thạc sĩ Dương Duy Khải, Phó giám đốc Tuyển sinh khu vực Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, cho hay trường đã có thông báo xét tuyển bổ sung chính thức. Cụ thể trường tuyển 1.000 chỉ tiêu (300 xét kết quả thi quốc gia và 700 chỉ tiêu học bạ) cho 32 ngành (trừ y đa khoa đã đủ chỉ tiêu). Đến nay, có những ngành còn nhiều cơ hội với phương thức xét tuyển kết quả thi như: bác sĩ y học dự phòng, vật lý y khoa, Đông phương học, công nghệ sinh học, công nghệ kỹ thuật hóa học… Nhưng với phương thức xét tuyển học bạ, thời gian xét tuyển bổ sung của trường không kéo dài và chỉ tiêu cũng hạn chế nên TS nhanh chóng quyết định.
Tương tự, tiến sĩ Lâm Thành Hiển, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Lạc Hồng, nói: “Đa số các ngành đều xét bổ sung nhưng chỉ tiêu không nhiều. Chỉ một số ngành chỉ tiêu bổ sung còn cao như: xây dựng, sinh học, hóa học, kế toán. Sau ngày 16.8 trường công bố chỉ tiêu cụ thể, dự kiến từ 15 - 20 chỉ tiêu mỗi ngành”.
Trong khi đó, Trường CĐ Đại Việt còn 550 chỉ tiêu xét tuyển cho chương trình cam kết việc làm ở đợt tiếp theo với các ngành về sức khỏe, xã hội, du lịch, kinh tế, công nghệ… Trường xét tuyển TS bằng cả 2 phương thức: kết quả thi hoặc học bạ. “Hiện tại trường có 6 khối ngành, riêng ngành công nghệ ô tô, 2 năm nay TS đăng ký tương đối đông. Hiện ngành này chỉ còn khoảng 20% chỉ tiêu. Các khối kinh tế, du lịch TS đăng ký nhiều nhưng hiện vẫn còn nhiều chỉ tiêu”, thạc sĩ Phạm Ngọc Thạch, Phó giám đốc Trung tâm quan hệ doanh nghiệp, lưu ý.
Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn còn chỉ tiêu xét tuyển tất cả các ngành đều theo 2 phương thức, trong đó chỉ tiêu cho xét kết quả thi nhiều hơn xét học bạ.
“Chiến thuật” tăng cơ hội trúng tuyển
Theo tiến sĩ Võ Thanh Hải, muốn tăng cơ hội trúng tuyển đợt bổ sung cần có chiến thuật trúng tuyển. Theo quy định, sau khi nhập dữ liệu lên hệ thống của Bộ GD-ĐT vào ngày 16.8, các trường sẽ công bố thông tin xét bổ sung. Nhưng ở đợt bổ sung này, cách thức xét tuyển, nhận hồ sơ… phụ thuộc từng trường, vì vậy TS quan tâm trường nào thì theo dõi thông tin trường đó.
Theo tiến sĩ Hải, với những ngành có 2 phương thức xét tuyển, nếu điểm thi THPT quốc gia của TS thấp nhưng điểm học bạ cao, cơ hội trúng tuyển học bạ sẽ lớn hơn.
Với những ngành chỉ có một phương thức xét tuyển, thông thường TS cũng bị các khối xét tuyển truyền thống ảnh hưởng, nhưng hiện nay Bộ GD-ĐT cho phép mỗi ngành có tối đa 4 tổ hợp môn nên TS cần chọn tổ hợp môn có điểm cao thì cơ hội trúng tuyển sẽ nhiều hơn.
Tiến sĩ Lâm Thành Hiển lưu ý thêm: “Chỉ tiêu xét học bạ của Trường ĐH Lạc Hồng đã tuyển gần đủ nên chỉ tiêu còn không nhiều. Vì vậy, TS tham gia xét bổ sung cần lưu ý chỉ tiêu từng ngành cụ thể theo từng phương thức”.
Ở góc nhìn khác, thạc sĩ Cao Quảng Tư ý kiến: “Quan trọng nhất là tìm được ngành học phù hợp, dù cho trúng tuyển bằng nguyện vọng 1 hay nguyện vọng bổ sung, kết quả thi hay học bạ. Dù phương thức nào cũng không khác nhau về chương trình đào tạo, bằng cấp và học phí”.
“Siết” xét tuyển học bạ trong năm tới ?
Thạc sĩ Dương Duy Khải khẳng định xét tuyển học bạ vẫn sẽ là phương thức xét tuyển các trường tiếp tục sử dụng trong năm tới. Tuy nhiên có thể các trường sẽ “siết” điều kiện xét tuyển đầu vào với TS để đảm bảo trúng tuyển vào đúng năng lực học tập của mình. Có thể không chỉ xét kết quả học tập lớp 12 mà còn lớp 10 hoặc 11.
Theo thạc sĩ Khải, do điểm thi lớp 12 ở một số nơi khá “ảo” nên nếu chỉ xét kết quả lớp 12 sẽ làm cho TS hoang tưởng về năng lực của mình, có người trúng tuyển nhưng không thể học tập được.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.