Nghỉ học vì dịch Covid-19: Dạy trực tuyến nhưng khi đi học lại phải học bù

15/02/2020 08:23 GMT+7

Bộ GD-ĐT khẳng định việc dạy học trực tuyến trong thời gian học sinh nghỉ vì dịch Covid-19 là cần khuyến khích nhưng không thể thay thế dạy trực tiếp. Vì vậy, các trường vẫn phải dạy bù để đảm bảo thời gian thực học.

 

Chủ yếu giao bài tập, luyện đề

Ghi nhận của PV Thanh Niên cho thấy nhiều trường, nhất là các trường ngoài công lập, trong thời gian học sinh (HS) nghỉ học vì dịch Covid-19 đã thông báo tổ chức “dạy học trực tuyến” cho HS.
Tuy nhiên, mỗi trường có một cách làm khác nhau. Một số rất ít trường tổ chức dạy học trực tuyến với thời khóa biểu chi tiết. Đến giờ học, tất cả thầy trò đều “lên lớp” như một giờ dạy bình thường… Còn lại, đa số trường chỉ gửi bài tập để HS làm, sau đó giáo viên (GV) chấm và chữa bài. Nhiều trường chỉ gửi bài tập và yêu cầu phụ huynh in ra giấy để cho các con làm bài; có nơi thì giao bài tập qua tin nhắn, HS làm rồi chụp lại gửi email… cho GV; nhiều trường thì gửi đường dẫn luyện đề ôn thi trắc nghiệm cho HS, nhất là HS cuối cấp…

Số người chết vì dịch Covid-19 đã vượt mốc 1.500, hơn 67.000 ca nhiễm virus corona mới

Một số sở GD-ĐT còn có văn bản hướng dẫn việc học trực tuyến, như yêu cầu bắt buộc đối với GV. Ví dụ, Sở GD-ĐT Thái Nguyên yêu cầu GV xây dựng nội dung hướng dẫn tự học gồm phiếu hướng dẫn tự học và bài giảng, video clip… cho HS, đồng thời cung cấp thông tin và giải đáp thắc mắc qua các kênh liên lạc trực tuyến. Sở GD-ĐT Bắc Ninh cũng yêu cầu và khuyến khích GV tự xây dựng bài giảng điện tử, các video và tài liệu học tập để HS tự học…
Thầy Trần Văn Huy, GV đồng thời là quản trị công nghệ thông tin của Trường THPT Phan Huy Chú (Hà Nội), cho rằng việc học online chỉ thực sự tốt khi có ứng dụng hệ thống tương tác online và kiểm tra, đánh giá online. Điều này có nghĩa không phải “giao việc một chiều”, cập nhật bài giảng điện tử một chiều, mà cần tương tác thầy trò.
Đại diện Trường phổ thông song ngữ liên cấp Wellspring thì cho biết đây là lần đầu tiên HS học hoàn toàn online thay vì dùng những nền tảng học tập và tương tác online này như những công cụ hỗ trợ bài học trên lớp nên tùy theo từng cấp học, từng lứa tuổi, nhà trường sẽ đánh giá mức độ, khả năng tham gia của HS, mức độ tương tác và kết quả học tập của HS để có phương án tốt nhất.

Kỳ nghỉ Tết dài nhất lịch sử của hàng trăm triệu học sinh

Khuyến khích nhưng không thay thế dạy trực tiếp

Theo Bộ GD-ĐT, chưa có quy định nào cho phép việc dạy học chính khóa ở bậc phổ thông bằng cách trực tuyến, nên chắc chắn sẽ không có hướng dẫn nào về nội dung này.
Ông Nguyễn Xuân Thành, Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học - Bộ GD-ĐT, cho biết: “Trong thời gian cho HS tạm nghỉ học, Bộ chỉ đạo các cơ sở giáo dục duy trì liên lạc giữa nhà trường với gia đình và sự liên lạc giữa GV (nhất là GV chủ nhiệm) với HS để giao nhiệm vụ học tập và hướng dẫn HS tự học qua các hình thức ứng dụng công nghệ thông tin phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương, nhà trường; khuyến khích GV giao cho HS các nhiệm vụ học tập có sự kết hợp giữa việc ôn tập, hệ thống hóa kiến thức”.

Chủ quán ăn, người giữ xe ế ẩm vì sinh viên làng đại học ăn tết 2 lần

Xung quanh việc một số nhà trường, địa phương tổ chức dạy học trực tuyến trong thời gian HS nghỉ học, liệu có được tính là dạy học chính khóa và không phải tổ chức dạy bù nữa hay không, ông Thành khẳng định Bộ khuyến khích việc tổ chức dạy học trực tuyến nhằm củng cố, ôn tập kiến thức, duy trì nền nếp học tập cho HS nhưng không coi đó là thời gian dạy học chính thức.
Ông Thành giải thích: “Cần phân biệt nhiều cách thức dạy học trực tuyến để hiểu cho đúng về hình thức này. Các nước trên thế giới cũng phân biệt rất rõ: hình thức dạy học tại nhà (home schooling) là HS không đăng ký học trực tiếp tại trường nào mà học trực tuyến hoàn toàn. Còn hệ thống dạy học online phổ biến ở các nước thì vẫn tổ chức các hoạt động dạy học ở trường bình thường nhưng các nội dung bài học vẫn được đưa lên mạng để HS tự học, tự tìm hiểu thêm; còn dạy học từ xa lại là một hình thức khác”…
Theo ông Thành, qua theo dõi thời gian vừa qua thì các trường có nhiều cách làm khác nhau. Trường nào có sẵn nền tảng dạy học trực tuyến, đã quen với cách làm này thì có thể có sự tương tác tốt giữa GV và HS trong quá trình học, còn lại chủ yếu là giao nhiệm vụ học tập, bài tập cho HS và sau đó GV chấm, chữa bài, kèm nhận xét… Cách làm này để HS duy trì nền nếp học tập, ôn tập các kiến thức cũ chứ không phải dạy học theo tiến độ chương trình.
Sau này khi hệ thống, nền tảng công nghệ thông tin phát triển tốt khi chúng ta thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới thì việc dạy học online giúp “kéo dài” thời gian, hoạt động tương tác giữa thầy và trò không chỉ gói gọn trong những số tiết học theo quy định mà được trải dài ra, thường xuyên, liên tục. Do vậy, ngay cả trong quá trình dạy học bình thường, không có chuyện phải nghỉ học đột xuất thì Bộ vẫn rất khuyến khích việc tự học, tự bồi dưỡng của cả thầy và trò bằng hình thức này.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.