Nghe con gái nói thế, nước mắt chị Lê Thị Bé Bảy ứa ra. Ý chí khao khát học của con vừa là niềm vui, vừa là nỗi âu lo của một người mẹ không biết xoay xở đâu để có tiền nuôi con.
Mẹ con rau cháo nuôi nhau
Lại Ngọc Anh Thư, học sinh lớp 12, Trường THPT Bình Chánh, TP.HCM, đón chúng tôi ở căn nhà trọ nhỏ xíu ở D12/7, tổ 12, ấp 4, xã Tân Quý Tây, H.Bình Chánh, TP.HCM. Sau cơn mưa tháng 6 mà gian nhà vẫn nóng hầm hập. “Em và mẹ trải chiếu nằm trên sàn, em trai ở gác xép. Có những hôm trời nóng quá không ngủ được thì em thức dậy ngồi học bài”, Thư cười.
Mọi sự đóng góp, ủng hộ giúp em Thư, quý vị độc giả vui lòng gửi về: Chủ tài khoản: Báo Thanh Niên . Số tài khoản: 1471000.000.0115 - Ngân hàng thương mại cổ phần Đầu tư và phát triển Việt Nam - chi nhánh Ba Tháng Hai, TP.HCM. Nội dung ghi: Giúp đỡ em Lại Ngọc Anh Thư; hoặc Báo Thanh Niên sẽ nhận trực tiếp tại tòa soạn, các văn phòng đại diện trong cả nước. Chúng tôi sẽ chuyển đến gia đình em Thư trong thời gian sớm nhất.
|
Bên chiếc xe máy cũ kỹ chằng buộc đủ thứ đồ cho nghề làm móng, chị Lê Thị Bé Bảy, mẹ của Thư, kể: “Tôi làm móng, uốn tóc dạo, ai kêu là chạy ngay tới nhà người ta. Ngày nào kiếm được trăm rưỡi, hai trăm ngàn là mừng lắm. Những ngày Covid-19, giãn cách xã hội này là tôi thua luôn, vì ít người gọi lắm. Bây giờ tiền học phí cho Thư, tôi vẫn còn nợ cô giáo, chưa trả hết dù Thư đã kết thúc năm học rồi”.
Thư ngoan, học giỏi nên thầy cô trong trường ai cũng thương. Người ứng giúp tiền học phí, người tặng cặp sách, người tặng xe đạp, nhà trường trao học bổng cuối năm. Đó cũng là niềm an ủi để người mẹ vơi bớt nỗi khổ tâm. Chị tâm sự: “Có hôm khách kêu uốn tóc, tôi chở theo đằng sau mấy cái thùng, xe đổ lăn kềnh giữa đường, đau điếng, lại lồm cồm bò dậy, nghĩ tới con đang đợi mình đi làm về mới có tiền mua đồ ăn. Nhiều lần túng quẫn, tôi mệt quá, la lối các con, nhưng chúng hiếu thảo, tối nào cũng ôm mẹ thủ thỉ. Biết mẹ không có tiền, Thư toàn đi mua rau muống về xào, hay miếng đậu hũ chiên, miếng sườn chay chiên để mẹ con ăn qua ngày. Mì gói là 3 mẹ con ăn hoài luôn”.
Biết con học giỏi mà không làm sao lo hết cho con được, chị Bé Bảy phải đi vay mượn khắp nơi. Có đợt mượn người ta nhiều quá, không xoay đâu được nữa, chị nói Thư nghỉ học đi làm. Con gái òa khóc xin được tiếp tục đi học. Chị Bé Bảy như sực tỉnh: “Tôi nhớ đến đời mình, vì học hành dở dang mà vất vả thế này. Tôi sẽ ráng để lo cho con”.
Thư xúc động: “Mẹ em khổ quá, em thương mẹ mà giờ đây chưa thể báo hiếu. Em quyết tâm thi đậu ĐH, sau này sẽ đi làm thêm, có công việc tốt để đỡ đần cho mẹ, chăm sóc cho em trai”.
|
Ước mơ làm cô giáo
Suốt 3 năm học THPT, Thư chỉ có một bộ áo dài trắng và chiếc áo sơ mi đã cũ. Cô Phạm Thị Ngọc Tú, giáo viên Trường THPT Bình Chánh (H.Bình Chánh, TP.HCM), đặc biệt ấn tượng với cô trò nhỏ vì ngày nào tới lớp, Thư cũng mặc một chiếc áo đã ngả màu. Nhưng em rất sáng dạ, đặc biệt học rất giỏi môn toán của cô. Tìm hiểu hoàn cảnh, biết nhà Thư nghèo, cô mua tặng em 3 chiếc áo mới.
“Hồi đầu năm lớp 12, tôi có nói chuyện với mẹ của Thư và càng thương mấy mẹ con em. Biết con học giỏi, mẹ em vừa vui vừa buồn, vui vì con chịu khó học tập, buồn vì sợ không lo được cho con đến nơi đến chốn”, cô Tú kể.
Cô Tú cho hay Thư học giỏi đều các môn, viết chữ rất đẹp, còn nằm trong đội văn nghệ của trường. Ba năm liền là học sinh giỏi của lớp, năm 12 này Thư xếp hạng 3 toàn lớp. Mới đây, em đoạt giải 3 môn lịch sử, kỳ thi học sinh giỏi toàn TP.HCM. Dù hoàn cảnh khó khăn nhưng Thư luôn có ý chí, không vì hoàn cảnh của mình mà lùi bước.
|
Cô Tú bộc bạch về ước mơ của cô học trò ăn rau muống quanh năm cũng được miễn sao được đi học. Cô Tú nói: “Thư tâm sự với tôi, em đã đăng ký nguyện vọng vào Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, ngành sư phạm lịch sử. Tôi hy vọng em Thư sẽ thi đậu ĐH, trở thành đồng nghiệp của tôi, để có thể kể cho những người trẻ sau em những thông điệp đẹp cho đời”.
Bình luận (0)