Cách đây gần chục năm, ông Nguyễn Thiện Nhân đưa ra mục tiêu đào tạo 20.000 tiến sĩ cho năm 2020. Nhiều người cười ông Nhân về mục tiêu viển vông. Tôi không có số liệu chính xác trong tay nhưng tôi tin rằng nếu có thống kê đầy đủ thì con số này có thể đã đạt được rồi.
Nhiều người phán một cách khá vội vàng rằng tiến sĩ đào tạo gần đây toàn là tiến sĩ giấy. Đúng là chất lượng đào tạo tiến sĩ trong nước còn rất thấp, nhiều cơ sở đào tạo chạy theo nhu cầu chuẩn hoá bằng cấp, nên coi nhẹ mọi chuẩn mực hàn lâm. Nhưng ở mặt khác gửi cán bộ đi các nước phương tây học tiến sĩ, tôi nghĩ rằng đã có khá đông tiến sĩ tốt nghiệp đào tạo ở các nước phương tây trở về trong những năm gần đây. Và tôi nghĩ đa số họ có trình độ khoa học tốt, ít nhất là không kém hơn những tiến sĩ được đào tạo ở Liên Xô, hay các nước xã hội chủ nghĩa trong những thập kỷ trước.
Tôi đã có điều kiện tiếp xúc và nghiên cứu hồ sơ một số không nhỏ trong số xấp xỉ một trăm tiến sĩ toán xuất thân từ chương trình thạc sĩ quốc tế đào tạo liên kết giữa Viện toán học (Viện hàn lâm khoa học công nghệ Việt Nam), Trường đại học Sư phạm Hà nội với một số trường đại học ở Pháp và Đức, chương trình này bắt đầu từ 2005. Tuyệt đại đa số họ đều có những công trình khoa học nghiêm túc, được công bố ở những tạp chí đàng hoàng, có uy tín. Tôi tin rằng tình hình ở các ngành khoa học khác cũng tương tự, tuy rằng để khẳng định vẫn cần có một thống kê đầy đủ và chính xác hơn.
tin liên quan
Kinh phí đào tạo tiến sĩ sẽ không rót về cho các cơ sở đào tạoTrao đổi với báo chí bên lề hành lang Quốc hội sáng 16.11, Bộ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cho biết, kinh phí 12.000 tỉ đồng đào tạo tiến sĩ sẽ không rót về cho các cơ sở đào tạo.
Vậy thì các chương trình 322, 911 ... dùng tiền ngân sách đào tạo tiến sĩ ở nước ngoài có hiệu quả không? Tôi tin là có.
Giảng viên ở các trường đại học có cần có bằng tiến sĩ hay không? Tôi tin là có, vì đó là chuẩn mực quốc tế. Nếu chẻ chữ University ra thì ta thấy nó xuất phát từ chữ Universal, nghĩa là phổ quát. Làm University mà không theo chuẩn mực quốc tế, làm theo kiểu đặc thù của riêng Việt Nam, là cách tự mâu thuẫn từ ngay trong phát biểu.
Nhưng nếu với câu hỏi là có nên tiếp tục sử dụng ngân sách để đào tạo tiến sĩ ở nước ngoài hay không, thì tôi tin là không. Ít nhất không phải ở quy mô như chúng ta đang nghe nói.
Điều bất hợp lý lớn nhất là nhà nước có thể bỏ ra 2.000 USD/tháng để trả cho một người đi học tiến sĩ ở nước ngoài, nhưng khi họ đã tốt nghiệp và trở lại làm việc ở đại học Việt Nam thì mức lương khởi điểm của họ sẽ thấp hơn 150 USD/tháng. Nếu thu nhập khởi điểm của giảng viên đại học đạt ở mức tương đương, hoặc chỉ cần bằng 70% thu nhập ở các ngành khác trong xã hội với yêu cầu trình độ tương đương, thì có lẽ không cần Nhà nước phải hỗ trợ tài chính, các bạn trẻ sẽ tự tìm cách đi học và làm tiến sĩ ở nước ngoài.
Vấn đề là đại học lấy đâu ra tiền để trả lương xứng đáng cho giảng viên? Hiển nhiên là các trường có định hướng ở phân khúc cao phải tính đủ học phí, có nghĩa là tăng học phí so với hiện nay. Các trường ở phân khúc thấp vẫn có thể duy trì mức độ học phí thấp và trả lương thấp cho giảng viên của mình.
Vậy thì vai trò của Nhà nước nằm ở đâu? Vai trò của Nhà nước là hỗ trợ cho các em sinh viên có điều kiện kinh tế khó khăn, nhưng đủ trình độ học ở các trường ở phân khúc cao nên vẫn có thể đi học ở đó. Nhà nước có thể, hỗ trợ bằng chính sách học bổng hợp lý, thay vì việc cấp kinh phí trực tiếp cho các trường đại học như hiện nay tính bổ theo đầu sinh viên, bất kể sinh viên nhà nghèo hay nhà giàu, học giỏi hay học xoàng.
Quay lại câu chuyện dùng ngân sách để gửi 9.000 sinh viên đi làm tiến sĩ ở nước ngoài. Tôi cho rằng ngân sách này nên được sử dụng hiệu quả hơn vào hai việc như sau:
Làm startup grant (hỗ trợ khởi nghiệp) để các trường đại học có thể tuyển những người đã có bằng tiến sĩ và có thành tích nghiên cứu khoa học xuất sắc.
Đào tạo tiến sĩ trong nước với chất lượng tốt, theo chuẩn mực quốc tế. Việc này có thể làm được nếu có kinh phí thông qua các hình thức gọi thầu đào tạo (application call) minh bạch, dựa trên các tiêu chí khoa học, để thành lập các chương trình đào tạo tiến sĩ trong nước có chất lượng.
Đa số các nước tôi biết đều đầu tư sử dụng ngân sách để đào tạo nghiên cứu sinh ở nước mình, chứ không phải gửi đi học ở các nước khác.
Bình luận (0)