Theo đó, văn bản hướng dẫn thực hiện tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm được gửi đến phòng giáo dục 24 quận, huyện, hơn 100 trường THPT vá các tổ chức, cá nhân có tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm.
Cụ thể, trong văn bản do Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM Lê Hồng Sơn ký ban hành có nêu nội dung thực hiện Quyết định số 2499/QĐ-BGDĐT ngày 26.8 về việc công bố hết hiệu lực các Điều 6, 8, 9, 10, 11, 12, 13 và 14 của Thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT ngày 16.5.2012 của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT ban hành về dạy thêm, học thêm. Lý do, theo quy định tại khoản 3 Điều 74 Luật Đầu tư, những nội dung Thông tư 17 hết hiệu lực bao gồm: Tổ chức dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường (Điều 6); Yêu cầu đối với người dạy thêm (Điều 8); Yêu cầu đối với người tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm (Điều 9); Cơ sở vật chất phục vụ dạy thêm, học thêm (Điều 10); Thẩm quyền cấp giấy phép tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm (Điều 11)…
Từ những quy định trên, Sở GD-ĐT TP.HCM hướng dẫn các phòng giáo dục, trường THPT và các tổ chức, các nhân đang tổ chức hoạt động dạy thêm học thêm như sau: Trường hợp các tổ chức, cá nhân đã được cấp giấy phép tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm vẫn tiếp tục hoạt động.
Việc dạy thêm, học thêm các tổ chức, cá nhân thực hiện đúng theo nguyên tắc: Hoạt động dạy thêm, học thêm phải góp phần củng cố, nâng cao kiến thức, kỹ năng, giáo dục nhân cách của học sinh; phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý và không gây nên tình trạng vượt quá sức tiếp thu của người học. Không cắt giảm nội dung trong chương trình giáo dục phổ thông chính khóa để đưa vào giờ dạy thêm; không dạy thêm trước những nội dung trong chương trình giáo dục phổ thông chính khóa. Đối tượng học thêm là học sinh có nhu cầu học thêm, tự nguyện học thêm và được gia đình đồng ý; không được dùng bất cứ hình thức nào để ép buộc gia đình học sinh và học sinh học thêm…
Đồng thời, Sở GD-ĐT TP.HCM thông báo ngưng tiếp nhận hồ sơ xin phép tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm và đề nghị các tổ chức, cá nhân có tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm nghiêm túc.
Bình luận (0)