Bao giờ trường học quê tôi rộn ràng mở cửa dịp hè?

03/08/2018 17:23 GMT+7

Hôm nay, tôi đến trực trường với nỗi niềm bâng khuâng khó tả. Sân trường vắng lặng quá! Sự vắng lặng đến nao lòng. Quẩn quanh, thơ thẩn mãi cũng chán.

Hết bật ti vi lên xem lại vào lướt mạng, lôi sách ra đọc để giết thời gian. Tâm trạng uể oải nhìn thời gian trôi qua một cách lãng phí này mỗi năm đều lặp lại ở không ít giáo viên nhận nhiệm vụ trực trường dịp hè.
Vào hè, nhà trường phân công nhiệm vụ thường niên là trực hè. Mỗi ngày từ 1 - 2 giáo viên nhận nhiệm vụ trực điện thoại, nhận báo chí và các công văn, theo dõi và chỉ đạo học sinh làm vệ sinh sân trường dịp hè. Thỉnh thoảng lại cùng bộ phận văn phòng làm công tác tuyển sinh… Mỗi ngày trực hè trôi qua, khi có lãnh đạo thì nhiều người còn nấn ná đến hết buổi, còn không thấy bóng dáng ai thì cứ thế ký sổ, khép cửa và ra về.
Nhìn hàng cửa lớp đóng im ỉm, thư viện lặng thinh với những đầu sách buồn thiu trên giá rồi phóng tầm mắt ra sân bóng, nơi cỏ lên cao gần gang tay và xác xơ, tôi thầm ao ước nhiều điều.

Giá như thư viện mở cửa vào dịp hè, giờ này tôi cùng học trò có thể đọc sách báo, chuyện trò… Giá như trường tổ chức các hoạt động thể thao, xây dựng câu lạc bộ môi trường hoặc thỉnh thoảng tổ chức ngày hội trò chơi dân gian… thì ý nghĩa biết bao nhiêu!
Tất cả sẽ chỉ là “giá như” bởi trường học ở xứ Huế quê tôi vào hè vẫn đóng cửa im ỉm bao lâu nay. Nhìn ra tỉnh bạn, tôi và không ít người “khát” những ngày hè sôi động, không chỉ dành cho chính mình mà quan trọng hơn là vun đắp những ngày hè ý nghĩa cho con trẻ.
Sở GD-ĐT Đà Nẵng đã “Trả lại mùa hè cho học sinh” từ năm học 2016-2017. Hàng loạt hoạt động hè thiết thực, bổ ích đã được triển khai làm phong phú đời sống tinh thần của học sinh và cả người dân thành phố. Chủ trương mở cửa trường học vào dịp hè với hàng loạt hoạt động vui chơi, giải trí, rèn luyện đã thực sự tạo ra một sân chơi lành mạnh, khơi lên sức sống mới của trường học mỗi dịp hè về...
Các cơ sở giáo dục tại TP.HCM và Hà Nội cũng mở cổng trường và thư viện cho học sinh vào vui chơi, sinh hoạt, tham gia các câu lạc bộ kỹ năng… Dẫu việc mở cửa trường học trong dịp hè của hai thành phố lớn này còn hạn chế nhưng đó vẫn là những tín hiệu vui cho học sinh, phụ huynh, giáo viên.

Bởi vậy, khi nắng vàng ươm rực rỡ khắp nơi nhuộm thắm màu phượng vĩ cũng là lúc học trò bắt đầu những ngày hè náo nhiệt. Gọi là “náo nhiệt” vậy thôi nhưng mỗi ngày hè trôi qua trong lòng học sinh quê tôi vẫn đọng lại ít nhiều dư vị buồn của áp lực học thêm và bùng cháy nỗi khát khao có những sân chơi thú vị.
Vào hè, bọn trẻ quanh tôi đã dáo dác học thêm. Phụ huynh hết đăng ký các lớp văn hóa lại đổ xô đưa con đi học lớp năng khiếu. Chẳng biết nỗi lo con cái thua bạn bè khi vào năm học mới lớn đến thế nào mà việc rục rịch cho con học thêm lại chiếm phần lớn mối bận tâm của phụ huynh đến thế.
Nhưng nghỉ hè, dẫu đăng ký học thêm nhiều môn cũng chẳng thể lấp đầy khoảng thời gian trống trải của bọn trẻ. Vậy nên, nhiều trẻ lại sa vào thế giới ảo dần dà lại nghiện game, mê mẩn phim ảnh, say sưa chát chít. Việc ăn ngủ vô độ, lười vận động và nghiện thiết bị công nghệ đã tạo ra những đứa trẻ thừa cân, béo phì, lười vận động...
Sân chơi cho trẻ vào mùa hè ở quê tôi thật sự khan hiếm. Chỉ có thể chọn một trong những giải pháp: học thêm, nhốt con trong nhà với thiết bị công nghệ hoặc gửi về quê với ông bà. Nhưng tất cả đều tiềm ẩn nhưng rủi ro không thể lường trước được.
Mong sao các trường học mở cửa dịp hè, bố mẹ có thể yên tâm gửi con đến trường đọc sách, vui chơi lành mạnh, sinh hoạt câu lạc bộ bổ ích… Mong sao tất cả trường học mở cửa dịp hè để xóa tan sự vắng lặng của không gian, đánh thức những trang sách ngủ yên trên giá, đem lại không khí hò reo sôi động ngoài sân bóng… Và để những ngày trực hè của giáo viên không còn trôi qua một cách buồn chán, vô vị…
Bao giờ trường học quê tôi rộn ràng mở cửa chào đón những ngày hè sôi động?
Mời tham gia cộng tác chuyên mục 'Người thầy' trên Báo Thanh Niên
Độc giả thân mến! Người thầy có một vị trí đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển của một nền giáo dục và từng cá nhân nói riêng. Nhiều vấn đề trong giáo dục ngày nay rất cần sự tiếng nói đóng góp của các giáo viên.
Dù ở vị trí nào, dù còn đi dạy hay đã về hưu, với những trải nghiệm của mình trong cuộc đời đi dạy, các thầy cô có thể góp thêm tiếng nói để nền giáo dục ngày càng tốt hơn; để học sinh được dạy dỗ, yêu thương và phát triển nên người.
Từ đó, Báo Thanh Niên mở chuyên mục Người thầy trên Thanh Niên Online địa chỉ thanhnien.vn. Chúng tôi mong muốn nhận được sự cộng tác, hỗ trợ của các thầy cô và bạn đọc khắp mọi miền cho chuyên mục này.
Bài viết xin quý thầy cô, bạn đọc gửi về địa chỉ [email protected]. Bài sẽ đăng trên báo in hoặc trên website của Báo Thanh Niên.
Các bài viết được đăng tải trên mục Thanh niên - Giáo dục của báo in và Online sẽ được chi trả nhuận bút theo quy định của báo.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.