Người trẻ bị bắt nạt trên mạng xã hội: Đừng theo trào lưu, xu hướng

02/11/2019 07:42 GMT+7

'Chúng ta đừng vì đùa vui mà chỉ trích ai đó, góp ý và miệt thị, giúp đỡ hay dìm chết thực chất ranh giới rất mong manh. Bạn phải học cách chịu trách nhiệm cho lời nói và kết luận của mình. Bạn nói ra 1 lời, nhưng vết thương để lại có thể mất 1 đời để họ quên'

Trên là lời khuyên của chuyên gia tâm lý Chế Dạ Thảo đối với người trẻ đang sử dụng mạng xã hội.

Niềm vui trên nỗi đau, sự xấu hổ của người khác là cái ác

Mới đây, khi chủ nhân Facebook Robert Chen đăng dòng trạng thái bức xúc, nhận xét một cô gái chưa hề quen biết đã nhắn tin hỏi về việc mua mèo cưng ở đâu. Ngay sau đó, câu nói của chàng trai khi đáp lại tin nhắn của cô gái “Thế bạn nói xem vì sao mình phải trả lời bạn” nhanh chóng trở thành trend (xu hướng) và được người dùng mạng biến tấu, thậm chí hàng loạt ảnh chế của chàng trai được chia sẻ khắp nơi, đi kèm là những lời miệt thị, chửi bới...
Trước sự việc này, chuyên gia tâm lý Chế Dạ Thảo, giảng viên Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, bày tỏ: “Chưa bao giờ giữa việc lên án cái sai và công kích cá nhân lại trở nên mong manh và khó phân định đến vậy”.
Theo chị Thảo, câu chuyện ở một góc độ nhất định chúng ta hiểu đó là cách ứng xử chưa đẹp, chưa phù hợp, thế nhưng nó lại tạo ra “xu hướng” với tốc độ lan truyền mạnh mẽ. Nếu chỉ dừng lại ở việc giúp cho chàng trai nhận ra lỗi sai, dừng lại ở nhắc nhở nhau không làm thế, là ổn. Nhưng hiện tượng không phải bản chất, một hành động sai thì góp ý hành động ấy chứ không phải chà đạp cả nhân cách và gia đình của họ. Có ai trong chúng ta dám chắc mình sẽ không bao giờ sai lầm hay lỡ lời? “Nếu đùa vui thì phải có điểm dừng, niềm vui trên nỗi đau, sự xấu hổ của người khác thì đó là cái ác. Không ít chúng ta, trong đó có mình đã từng là nạn nhân của bắt nạt tập thể, của sự đùa vui quá trớn, vậy cớ gì kẻ từng tổn thương lại đi tổn thương người khác?”, chị Thảo nhấn mạnh.

Nếu đùa vui thì phải có điểm dừng, niềm vui trên nỗi đau, sự xấu hổ của người khác thì đó là cái ác. Không ít chúng ta, trong đó có mình đã từng là nạn nhân của bắt nạt tập thể, của sự đùa vui quá trớn, vậy cớ gì kẻ từng tổn thương lại đi tổn thương người khác?

Chuyên gia tâm lý Chế Dạ Thảo

Ứng xử thế nào khi bị bắt nạt ?

Theo thạc sĩ tâm lý Nguyễn Hoàng Dũng, giảng viên Trường ĐH Thủ Dầu Một (Bình Dương), khi bạn trở thành nạn nhân bị bắt nạt trên mạng xã hội thì việc đầu tiên nên rà soát lại trang cá nhân của mình (từ danh sách bạn bè đến những gì bạn chia sẻ), và đôi khi cũng phải nhìn lại bản thân mình để nhận ra những điểm chưa đúng.
Bên cạnh đó, theo ông Dũng người trẻ bây giờ rất dễ bị người khác dẫn dụ nên cần phải có lý tính khi nhìn nhận và xử lý vấn đề. “Cần biết rằng mạng xã hội thế giới ảo nên cái gì thật thì chắt lọc, còn cái gì họ nói không thật tại sao phải quan tâm về nó mãi. Nên đương đầu cái ảo giống như đương đầu với cái bóng vậy. Càng chú tâm vào dư luận ảo đó lại càng kéo mình xuống thêm”, ông Dũng khuyên và cho rằng nên mạnh dạn để cơ quan chức năng can thiệp kịp thời, để có sự răn đe và phòng ngừa cho người khác không trở thành nạn nhân giống mình.
Còn theo tiến sĩ Phạm Thị Thúy (chuyên viên tham vấn tâm lý, giảng viên Học viện Hành chính quốc gia), khi bị bắt nạt phải nói ra với một ai đó, có thể với người thân, bạn bè, chuyên gia tâm lý... đừng nên giữ sự bắt nạt đó một mình. Có rất nhiều bạn trẻ bị trầm cảm, stress nặng chỉ vì không dám nói những lời bắt nạt đó. Bên cạnh đó, chị Thúy khuyên nên chụp hình lại những lời bắt nạt đó, đăng công khai lên mạng xã hội, khẳng định là tôi đang bị người này, người kia bắt nạt để mọi người biết và cũng để cảnh báo cho những người khác.
Cũng theo chị Thúy, khi sự việc xảy ra nên chặn tất cả những thông tin liên hệ của người đó với mình. Nếu chặn rồi họ vẫn quấy nhiễu bằng nhiều cách thì tạm dừng mạng xã hội một thời gian, tạm đứng ngoài cuộc những ném đá trên mạng.
Chia sẻ những điều tích cực trên mạng xã hội
Diễn viên, người mẫu nổi tiếng Châu Bùi (tên thật là Bùi Thái Bảo Châu, 22 tuổi, sinh ra tại Hà Nội, từng tham gia phim Em chưa 18), kể: “Tôi thích chia sẻ những điều tích cực trên mạng xã hội. Tôi yêu quý sức khỏe nên chăm chỉ tập luyện thể thao, nấu ăn và chăm chút cho gia đình những lúc rảnh rỗi vì đối với tôi những người thân yêu, bạn bè thân thiết là tất cả. Tôi luôn tâm niệm phải làm việc có ích cho cộng đồng. Khoan hỏi mình sẽ nhận lại được điều gì, hãy cứ cho đi những gì mình có trước, đặc biệt là tấm lòng”.
Thúy Hằng (ghi)
Mạng xã hội “vào cuộc”
Thời gian gần đây lãnh đạo của những mạng xã hội lớn cũng bắt đầu chú ý vấn đề bắt nạt qua mạng.
Adam Mosseri, người phụ trách mạng xã hội Instagram, cho biết ông muốn công ty của mình dẫn đầu trong cuộc chiến chống nạn bắt nạt qua mạng. Tháng 4.2018, Mosseri tuyên bố Instagram có thể bắt đầu thử nghiệm việc ẩn số lượt thích như một cách để mạng xã hội trở thành môi trường bớt áp lực hơn. Vào ngày 8.7, Instagram giới thiệu tính năng trí tuệ nhân tạo mới, thông báo cho người dùng nếu bình luận của họ bị xem là mang tính công kích trước khi bình luận được đăng. Instagram cũng nói sẽ sớm thử nghiệm tính năng Restrict, cho phép người dùng ẩn bình luận từ người nào đó mà không thông báo cho người đó biết.
Đăng Nguyên
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.