Sáng nay 22.4, Bộ GD-ĐT tổ chức hội thảo 'Xây dựng cơ chế chính sách phát triển khoa học và công nghệ trong các cơ sở giáo dục ĐH’ tại Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM. Hội thảo thu hút hơn 100 đại biểu đến từ nhiều trường ĐH phía Nam.
Phát biểu tại đây, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Văn Phúc nhìn nhận, nguồn thu chính của đa phần các trường ĐH hiện nay dựa vào học phí, kể cả trường có công bố khoa học mạnh nhất.
tin liên quan
Thành lập doanh nghiệp xã hội trong trường đại họcÔng Phúc nói: “Rất trăn trở về thực tế này khi so sánh với các trường ĐH nước ngoài với nguồn thu từ nghiên cứu khoa học lớn. Tôi từng trao đổi với hiệu trưởng Trường ĐH Thanh Hoa (Trung Quốc) và được biết nguồn thu mỗi năm của trường này từ hoạt động khoa học công nghệ lên tới 900 triệu USD. Ngay ĐH Quốc gia Hàn Quốc cũng khoảng 300-400 triệu USD mỗi năm... “.
Theo Thứ trưởng Phúc, các trường cần có bước chuyển mạnh mẽ hướng đến nghiên cứu thực sự chứ không chỉ dựa vào học phí như hiện nay. Danh tiếng khoa học công nghệ không chỉ được thế giới thừa nhận về số lượng mà còn được trích dẫn, tham khảo nhiều.
Thống kê từ Bộ GD-ĐT cho thấy, công bố quốc tế thông qua bài báo ISI của các cơ sở giáo dục ĐH trực thuộc quản lý của bộ này tăng 26% mỗi năm. Công bố quốc tế của Việt Nam hiện đứng thứ 4 trong khu vực Đông Nam Á, so với 5 năm trước tăng gấp đôi về số lượng. Một số trường đã chú trọng và đầu tư mạnh cho hoạt động này, đạt những thành quả nhất định.
Tuy nhiên theo ông Phúc, so với mặt bằng chung các nước thì trong 2 nhiệm vụ trọng tâm của trường ĐH thì chỉ chú trọng đạo tạo, nghiên cứu khoa học còn yếu.
Mục tiêu đề ra đến năm 2025 nước ta có 4 trường ĐH lọt top 1.000 thế giới. Một trong các giải pháp, theo ông Phúc là tạo cơ sở hành lang pháp lý để thúc đẩy hoạt động này ở các trường. Ông Phúc nói: “Việc sửa đổi bổ sung một số điều của luật Giáo dục ĐH nhằm hướng tới mục tiêu này. Nhưng khi sửa luật này vướng mắc còn ở chỗ các luật và quy định liên quan khác chưa được sửa đồng bộ.
Trong khi đó, theo PGS-TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, hiện nay chúng ta đang lãng phí rất lớn đầu tư công cho nghiên cứu khoa học. Nhiều phòng thí nghiệm đầu tư cả triệu USD nhưng mỗi năm chỉ khởi động vài lần. Chi phí bảo trì, bảo dưỡng quá lớn rồi để gỉ, sét.
Do đó, theo ông Dũng, đầu tư phải tính toán đến hiệu suất khai thác, phối hợp sử dụng giữa các cơ sở đào tạo. Đừng đầu tư theo kiểu “trường này có thì trường kia cũng phải có”.
Bình luận (0)