Tăng thời gian lưu trú của lao động nước ngoài
Giữa tháng 6, Hội đồng Kinh tế và chính sách tài chính của Nhật Bản đã thông qua một loạt chính sách liên quan đến việc tiếp nhận lao động nhập cư. Trong đó, đối tượng điều chỉnh của chính sách này hướng đến các lao động kỹ năng thấp, lao động phổ thông ở một số lĩnh vực thiếu hụt lao động.
Chính sách mới sẽ cho phép các thực tập sinh sau khi kết thúc chương trình thực tập kỹ năng 3 năm vẫn có thể tiếp tục ở lại Nhật lấy visa (thị thực) lao động thêm tối đa 5 năm nữa. Chính phủ Nhật Bản cũng cho biết đang xem xét cho phép những người có visa lao động có thể ở lại Nhật vô thời hạn nếu vượt qua các kỳ thi điều kiện trong 5 năm sống tại Nhật. Những người xin cấp visa mới này sẽ phải vượt qua kỳ thi kiểm tra kỹ năng liên quan và đáp ứng trình độ thành thạo tiếng Nhật nhất định để được phê duyệt hồ sơ.
Ngoài nới lỏng thời gian lưu trú, chính sách mới còn giảm bớt yêu cầu về ngoại ngữ cho lao động làm trong các ngành xây dựng, nông nghiệp, đánh bắt cá và nhiều ngành “khát” lao động khác. Người lao động không cần thiết phải đạt tới trình độ N4 mà chỉ cần ở mức có thể nghe được những câu hiệu lệnh đơn giản. Dự kiến, tháng 4.2019, các hiệp hội ngành nghề của 5 ngành gồm: xây dựng, nông nghiệp, điều dưỡng, khách sạn và đóng tàu sẽ đưa ra một bài kiểm tra chi tiết của ngành để đánh giá các lao động muốn xin visa việc làm trong ngành đó.
Với việc đưa ra những thay đổi trong chính sách nhập cư, mục tiêu của chính phủ Nhật Bản hướng tới là đến năm 2025 sẽ thu hút được 500.000 lao động nước ngoài có trình độ tương đối thấp được làm việc tại 5 lĩnh vực nêu trên.
Rộng cửa cho lao động VN
Theo Bộ LĐ-TB-XH, nếu năm 2015 có 27.010 lao động VN sang Nhật Bản làm việc, thì năm 2017 có 54.504 lao động. Ông Nguyễn Gia Liêm, Phó cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB-XH), cho biết trong khi các thị trường khác vẫn có nhu cầu tiếp nhận ổn định, thì nhu cầu tuyển dụng lao động VN tại thị trường Nhật Bản ngày càng tăng, đa dạng về ngành nghề. Với việc điều chỉnh chính sách mới cho phép lao động được ở lại làm việc 5 năm, ông Liêm nhận định đây sẽ là cơ hội cho các lao động VN sang làm việc tại thị trường này. “Nếu các năm trước Nhật Bản dành cơ hội cho những lao động phổ thông thì năm 2018 trở đi sẽ có nhiều vị trí làm việc cho những lao động trí thức, tuyển dụng theo chương trình kỹ sư, kỹ thuật viên với nhiều ưu đãi đặc biệt. Đây là những điểm chính làm cho thị trường lao động Nhật Bản sẽ rất sôi động trong thời gian tới”, ông Liêm chia sẻ.
Theo ông Vũ Công Bình, Chủ tịch HĐQT Công ty CP phát triển nguồn nhân lực LOD, so với các thị trường khác, thu nhập của người lao động ở Nhật tốt hơn, điều kiện làm việc cũng tốt hơn. Doanh nghiệp (DN) Nhật rất mong muốn tiếp nhận lao động VN bởi ý thức, cần cù chịu khó, thông minh, nhanh nhẹn, có tinh thần hợp tác.
Tuy vậy, ông Phạm Đỗ Nhật Tân, Phó chủ tịch Hiệp hội Xuất khẩu lao động VN, cho rằng đây cũng là thách thức buộc người lao động và DN phải khắc phục được những hạn chế trong thời gian vừa qua. Ông Tân bày tỏ: “Thị trường Nhật Bản rộng cửa cho tất cả lao động nước ngoài, nhưng còn tùy thuộc vào khả năng của người lao động. Để cạnh tranh được với các lao động nước khác, lao động VN cũng phải trang bị kiến thức ngoại ngữ, kỹ năng chuyên môn nhất định và quan trọng nhất là kỷ cương, kỷ luật lao động”.
Ông Tân cho biết, Bộ LĐ-TB-XH đã có chỉ đạo để đưa thị trường Nhật trở thành thị trường trọng điểm trong thời gian tới. Vì vậy, cơ quan quản lý cũng phải tập trung giám sát, kiểm tra để DN tuân thủ đúng quy định pháp luật trong đào tạo và chi phí. Các DN cũng đã tập trung, chú trọng đầu tư nhiều hơn trong việc nâng cao chất lượng của đội ngũ cán bộ, nhân viên trực tiếp làm công tác xuất khẩu lao động.
Ông Doãn Mậu Diệp, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH, cho biết nhu cầu đi làm việc tại Nhật thời gian tới có thể tăng lên ở một số ngành nghề. Đầu tháng 6, Bộ LĐ-TB-XH đã cho phép 6 DN phía bắc thí điểm tuyển lao động trong lĩnh vực điều dưỡng, hộ lý sang làm việc tại Nhật Bản. Bộ đang đàm phán giảm nhẹ các điều kiện về ngoại ngữ, tăng phúc lợi bằng hoặc cao hơn với người lao động bản xứ. Trong tháng 8, khi đàm phán xong, sẽ mở rộng cho các DN phía nam. “Dân số Nhật Bản đang già hóa, ngoài ngành nghề điều dưỡng, hộ lý, tới đây một số nhóm ngành nghề Nhật rất cần lao động và VN có khả năng đáp ứng tốt như nông nghiệp, dịch vụ khách sạn, bảo dưỡng nhà cao tầng… Đặc biệt, Bộ sẽ cho phép các tập đoàn nhân sự của Nhật hợp tác với DN xuất khẩu lao động tuyển dụng các kỹ sư công nghệ thông tin sang làm việc”, ông Diệp nói.
Các ngành nghề nhiều nhu cầu
Theo số liệu của chính phủ Nhật Bản, chỉ tính riêng ngành xây dựng, dự kiến đến năm 2025, Nhật Bản sẽ thiếu hụt khoảng 780.000 - 930.000 lao động; ngành nông nghiệp thiếu hụt 46.000 - 103.000 lao động vào năm 2023. Ngành điều dưỡng kỳ vọng thu hút thêm 1 vạn điều dưỡng nước ngoài mỗi năm.
|
Bình luận (0)