Nhiều cơ hội cho thí sinh chưa trúng tuyển đợt 1

10/10/2020 08:40 GMT+7

Thí sinh còn rất nhiều cơ hội, con đường học tập trong đợt xét tuyển bổ sung sắp tới là nội dung chương trình truyền hình trực tuyến với chủ đề 'Cần làm gì khi chưa trúng tuyển đợt 1?' do Báo Thanh Niên tổ chức.

Chương trình được trực tuyến tại địa chỉ thanhnien.vn, Facebook.com/thanhnien và kênh YouTube Báo Thanh Niên.

Cơ hội ở nhiều phương thức xét tuyển

Ngay sau khi công bố điểm chuẩn đợt 1, một số trường ĐH và CĐ đã có kế hoạch xét tuyển bổ sung dành cho thí sinh (TS) chưa có cơ hội trúng tuyển.
Thạc sĩ Trương Quang Trị, Phó trưởng khoa Du lịch và VN học Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, thông tin hiện tại trường đã xét tuyển được khoảng 70% trong tổng chỉ tiêu xét tuyển của trường là 7.000. Vì vậy, sau ngày 10.10, khi TS xác nhận nhập học đợt 1, nhà trường lên kế hoạch thực hiện xét tuyển bổ sung tất cả các ngành.
Thạc sĩ Trần Phán Lịnh, Tổ trưởng Tổ công tác tuyển sinh Trường ĐH Hùng Vương TP.HCM, cho rằng TS vẫn còn cơ hội nếu chưa trúng tuyển vào ngành mong muốn. “Vì vậy, các em đam mê ngành nào thì cần theo dõi để đăng ký xét tuyển nguyện vọng bổ sung. Trường sẽ thông báo nhận xét tuyển bổ sung từ ngày 15.10. Điểm nhận hồ sơ sẽ không thấp hơn so với điểm chuẩn đợt 1, lấy từ cao xuống thấp. Trường sẽ nhận hồ sơ với điểm xét tuyển dự kiến là 15 với phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT. Song song đó, trường vẫn nhận hồ sơ xét tuyển bằng học bạ”.
Thạc sĩ Nguyễn Hữu Phát, Giám đốc Viện quốc tế Digital Bách Khoa, cũng thông tin Viện thực hiện đào tạo nhiều ngành nghề và vẫn còn nhiều chỉ tiêu để tạo cơ hội cho TS nộp hồ sơ đến ngày 20.10.
Tương tự, thạc sĩ Mai Đức Toàn, Giám đốc Tuyển sinh và truyền thông Trường ĐH Tân Tạo, cho hay trường dành hơn 40% chỉ tiêu còn lại xét tuyển nguyện vọng bổ sung. Trong đó, ngành y đa khoa chiếm khoảng 70% chỉ tiêu, 30% chỉ tiêu cho các ngành còn lại. Thời gian nhận hồ sơ theo phương thức xét điểm tốt nghiệp THPT theo quy định của Bộ, còn đối với phương thức xét học bạ, trường đang nhận hồ sơ, dự kiến kết thúc ngày 20.10.

“Chiến thuật” nào cho xét bổ sung ?

Thạc sĩ Trương Quang Trị tư vấn ở đợt xét tuyển bổ sung này đòi hỏi các TS phải có “chiến lược”, tính toán kỹ bởi nếu không nắm rõ là mất cơ hội. “Các em nên chọn phương thức xét học bạ vì điểm các em đã nắm rõ, dễ có cơ hội trúng hơn. Thông thường, hầu như điểm trúng tuyển bằng học bạ trong đợt xét tuyển bổ sung sẽ tương đương với các đợt trước. Trừ trường hợp quá nhiều TS chọn xét bằng học bạ thì điểm mới điều chỉnh cao hơn”, thạc sĩ Trương Quang Trị cho hay.

Nhiều trường ĐH công lập xét tuyển hàng trăm chỉ tiêu

Phân hiệu ĐH Quốc gia TP.HCM tại tỉnh Bến Tre thông báo xét tuyển bổ sung ĐH hệ chính quy 25 chỉ tiêu cho ngành kỹ thuật xây dựng theo 3 phương thức. Cụ thể, phương thức xét điểm thi đánh giá năng lực do ĐH Quốc gia TP.HCM tổ chức điểm nhận hồ sơ từ 560 điểm. Hai phương thức còn lại (điểm thi tốt nghiệp THPT; điểm thi đánh giá năng lực kết hợp với điểm trung bình học bạ lớp 12) cùng đạt từ 16 điểm trở lên.
Trường ĐH Nha Trang cũng thông báo xét tuyển bổ sung 12 ngành bậc ĐH từ điểm thi tốt nghiệp THPT. Trong đó, 8 ngành thuộc chương trình chuẩn điểm nhận hồ sơ từ mức 15, các ngành chương trình tiên tiến và chất lượng cao điểm nhận hồ sơ từ 18 - 22 kèm theo điểm sàn tiếng Anh.
Đáng chú ý, Trường ĐH Tài nguyên và Môi trường TP.HCM xét 756 chỉ tiêu cho 14 ngành đào tạo ĐH của trường với mức điểm nhận hồ sơ từ 14 - 15. Trong đó, một số ngành xét chỉ tiêu nhiều như: công nghệ kỹ thuật môi trường 100 chỉ tiêu, địa chất học 80, kinh tế tài nguyên thiên nhiên 80, kỹ thuật cấp thoát nước 70 chỉ tiêu…
H.Ánh 
Trong khi đó, thạc sĩ Trần Phán Lịnh cho rằng để tăng cơ hội trúng tuyển, TS cần xem chỉ tiêu còn lại của ngành đó, tham khảo điểm chuẩn trước đó, so sánh mức điểm của bản thân, chọn tổ hợp có khả năng trúng tuyển cao nhất. “Đồng thời, TS cũng cần lưu ý học phí, học bổng, địa điểm học tập. TS có thể tham gia thêm phương thức xét tuyển khác như xét học bạ hay đăng ký một số trường khác để tăng cơ hội trúng tuyển”, thầy Lịnh khuyên.
Ở khía cạnh khác, thạc sĩ Mai Đức Toàn lưu ý TS nên tránh "lê thê" trong việc xét tuyển. Đa số các trường sẽ khai giảng tháng 10, chậm lắm là đầu tháng 11. “Các bạn cũng cần tìm hiểu ngay trường mình muốn học theo thứ tự ưu tiên, sau đó xem xét chỉ tiêu, điểm xét tuyển của các trường”, thầy Toàn nêu cho TS các hướng thực hiện.

Chọn ngành thế nào khi dịch covid-19 đang diễn ra ?

Cũng trong chương trình tư vấn, các chuyên gia đều đồng tình với quan điểm ĐH không phải con đường học tập, lập thân, lập nghiệp duy nhất. Thạc sĩ Trương Quang Trị nói rằng nhiều em không học ĐH mà học trung cấp, cao đẳng, học nghề vẫn có thể thành công. Mô hình học tập nào không quan trọng, giá trị nằm ở việc tạo ra giá trị cho bản thân, cho cộng đồng như thế nào. Hãy xem thế mạnh của mình là gì, đam mê, sở thích là gì để lựa chọn ngành nghề cho phù hợp.
Bên cạnh đó, khi dịch Covid-19 có những diễn biến mới, đã có TS lo lắng về cơ hội việc làm ngành du lịch. Thạc sĩ Trương Quang Trị trấn an: “TS đừng hoang mang. Nếu thích ngành này và có tố chất phù hợp thì nên học, sau này dịch ổn rồi, cơ hội việc làm vẫn nhiều. Ngành nghề đào tạo của các trường thực hiện có mục tiêu đón đầu chứ không chỉ phục vụ nhân lực ngày một ngày hai”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.