Nhiều sai sót trong sách hướng dẫn

13/10/2010 22:28 GMT+7

Một cuốn sách ra đời nhằm đáp ứng nhu cầu của giáo viên (GV) và học sinh (HS) trong việc nắm vững chuẩn kiến thức và kỹ năng thực hành lại có quá nhiều sai sót và nhầm lẫn.

Đó là cuốn Kiểm tra đánh giá thường xuyên và định kỳ môn Sinh học lớp 7 do Nhà xuất bản Giáo dục phát hành (ảnh), các tác giả Lê Nguyên Ngật (chủ biên) và Chu Vân Anh, Mai Thị Tình biên soạn.

Dưới đây chỉ là một số sai sót:

- Câu hỏi số 1 trang 31: “Thủy tức di chuyển bằng cách nào?”; đáp án ở trang 130: “Roi bơi, kiểu lộn đầu và kiểu sâu đo”. Đáp án đúng phải là “kiểu lộn đầu và kiểu sâu đo” vì thủy tức làm gì có roi bơi.

- Câu hỏi số 7, trang 31: “Trong các đại diện sau, đại diện nào có lối sống di chuyển?”; đáp án ở trang 130: “San hô và hải quỳ”. Đáp án như thế là sai vì san hô và hải quỳ sống cố định. Đáp án đúng phải là “sứa, vì nó di chuyển nhờ co bóp dù”.

- Câu 2, trang 82 yêu cầu xác định đặc điểm hô hấp của động vật. Thế nhưng tiêu đề của bảng lại ghi đặc điểm hệ tuần hoàn và đáp án trang 155 vẫn trả lời về hô hấp: “Giun đất (ngành Giun đốt) hô hấp bằng mang”. Đáp án như thế là sai, vì giun đất hô hấp qua da và ai cũng thấy khi mưa to, giun đất phải bò lên mặt đất do hang bị ngập nước nên giun không thể hô hấp được. Ngoài ra, đáp án “Cá chép thở bằng phổi” là sai, vì cá chép thở bằng mang.

- Câu 3, trang 100 yêu cầu: “Chọn và nối các ý ở cột A với các ý ở cột B theo thứ tự hợp lý để được câu đúng”. Đáp án ở trang 164, khi nối ý 1) với ý c) là: “Trùng sốt rét nuốt hồng cầu”. Đáp án này sai hoàn toàn, vì trùng sốt rét nhỏ hơn hồng cầu và chỉ gây sốt khi chui vào và phá vỡ hàng loạt hồng cầu, đồng thời tiết vào máu nhiều chất độc.

- Về ếch đồng (Lớp lưỡng cư) có 3 sai sót cơ bản: Câu hỏi 8, trang 115: “Hệ tuần hoàn của ếch đồng có đặc điểm:”; đáp án ở trang 178 là: “Gồm 2 vòng tuần hoàn... tim 4 ngăn, máu đi nuôi cơ thể là máu đỏ tươi”. Đáp án như thế sai, vì hệ tuần hoàn của ếch đồng “gồm 2 vòng tuần hoàn, tim 3 ngăn nên máu đi nuôi cơ thể là máu pha”. Ở câu 1, trang 63, 64 và câu 2, trang 106 yêu cầu “nêu đặc điểm cấu tạo ngoài của ếch đồng thích nghi với đời sống ở nước”, thì đáp án ở trang 141 và trang 173 đều cho rằng “da trần phủ chất nhầy và ẩm, dễ thấm khí để thích nghi với đời sống ở nước”. Đáp án như thế là sai, vì “da trần phủ chất nhầy và ẩm, dễ thấm khí khi ếch thực hiện trao đổi khí qua da trong không khí. Đây là đặc điểm thích nghi với đời sống trên cạn”.

Đình Tuấn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.