Những nội dung này đã được công bố trong chương trình tư vấn trực tuyến truyền hình Lựa chọn ngành học tương lai với chủ đề “Những phương hướng đổi mới tuyển sinh của các trường ĐH, CĐ trong năm 2020”, được phát trên các kênh: thanhnien.vn, Facebook.com/thanhnien và YouTube Báo Thanh Niên.
Chương trình được tài trợ bởi Công ty cổ phần ô tô Trường Hải (THACO)
Bổ sung phương thức tuyển mới
Theo thạc sĩ Phan Thị Thu Phương, Phó trưởng phòng Quản lý đào tạo Trường ĐH Mở TP.HCM, năm nay tổng chỉ tiêu của trường tăng lên 4.100, thay vì 3.900 như năm ngoái do tuyển sinh ngành mới. Đáng chú ý, trường có điều chỉnh tỷ lệ xét tuyển các phương thức, ví dụ tỷ lệ xét tuyển thẳng năm nay tăng 30 - 50% thay vì 20 - 30% như trước đó.
Cũng theo thạc sĩ Phương, trường sử dụng nhiều phương thức tuyển sinh, trong đó riêng phương thức xét tuyển học bạ sẽ xét điểm 3 năm học lớp 10, 11 và 12.
Riêng Trường ĐH Việt Đức, năm 2020 tiếp tục duy trì 2 đợt tuyển sinh: đợt 1 là kỳ thi riêng do trường tổ chức và đợt 2 vào tháng 7 xét tuyển dựa vào kỳ thi THPT quốc gia. Ngoài ra, trường xét tuyển học sinh giỏi quốc gia, quốc tế, thí sinh học các chương trình tú tài trong và ngoài nước... Trường vẫn duy trì đầu vào tiếng Anh là IELTS 5.0 hoặc tương đương.
Trường ĐH Duy Tân (Đà Nẵng) dự kiến tuyển 6.000 chỉ tiêu cho 35 ngành đào tạo trong năm nay. Theo đó, các phương thức xét tuyển gồm: kết quả thi THPT quốc gia, học bạ và xét tuyển thẳng. Trong đó, riêng phương thức xét tuyển thẳng năm nay trường mở rộng đối tượng xét tuyển thẳng với học sinh đoạt giải cuộc thi khoa học kỹ thuật, thí sinh có năng khiếu về văn, thể, mỹ.
Thạc sĩ Phạm Doãn Nguyên, Giám đốc Trung tâm tuyển sinh và truyền thông Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TP.HCM, thông tin trường sẽ sử dụng 4 phương thức tuyển sinh gồm: xét kết quả thi THPT quốc gia, xét học bạ điểm 3 môn thuộc tổ hợp xét tuyển năm lớp 12 từ 18 trở lên, kết quả đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM. Đặc biệt, năm nay trường bổ sung thêm phương thức tuyển mới dựa vào điểm học bạ 5 học kỳ (trừ học kỳ 2 lớp 12) đạt từ 30 điểm trở lên.
Còn thạc sĩ Cao Quảng Tư, Giám đốc tuyển sinh Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn, lưu ý điểm mới nhất trong tuyển sinh của trường năm nay là việc sử dụng mã tuyển sinh mới SIU. Trường cũng bổ sung thêm phương thức xét tuyển mới dựa vào điểm thi năng lực ĐH Quốc gia TP.HCM.
|
Tương tự, Trường ĐH Văn Hiến cũng sử dụng các phương thức xét tuyển: xét điểm học bạ, điểm thi THPT quốc gia, điểm từ kỳ thi đánh giá năng lực do ĐH Quốc gia TP.HCM tổ chức. Theo ông Trần Mạnh Thái, Trưởng phòng Tuyển sinh trường này, trường bổ sung thêm phương thức xét tuyển thẳng với học sinh có thành tích cao văn hóa, văn nghệ và có thành tích nổi bật trong quá trình học tập được các trường giới thiệu.
Năm nay, Trường ĐH Hùng Vương TP.HCM xét tuyển dựa vào kết quả thi THPT quốc gia, kỳ thi đánh giá năng lực ĐH Quốc gia TP.HCM, điểm trung bình chung năm học lớp 12, điểm trung bình chung tích lũy của toàn khóa học trung cấp. Thạc sĩ Trần Thanh Huy, Phó trưởng phòng Đào tạo và công tác sinh viên trường này, lưu ý riêng phương thức xét học bạ thí sinh có thể sử dụng điểm trung bình chung học kỳ 1 hoặc cả năm lớp 12 để nộp hồ sơ.
Thạc sĩ Lương Kim Anh, Phó hiệu trưởng Trường CĐ Đại Việt Sài Gòn, cũng nói: “Năm nay trường tuyển sinh dựa vào kết quả thi THPT quốc gia và học bạ. Trong đó, riêng phương thức học bạ xét dựa điểm trung bình 3 môn tổ hợp xét tuyển đạt từ 16,5 trở lên”.
Thêm nhiều ngành mới
Mở ngành và chuyên ngành mới cũng là điểm nổi bật trong phương án tuyển sinh các trường trong năm nay.
Năm 2020, Trường ĐH Mở TP.HCM dự kiến mở thêm ngành du lịch, logistics và quản lý chuỗi cung ứng.
Trường ĐH Việt Đức tuyển sinh 2 ngành học mới gồm kiến trúc và kỹ thuật xây dựng. Ngoài ra, trường đổi tên ngành kỹ thuật điện và máy tính (trước đây tên là kỹ thuật điện và công nghệ thông tin), gồm 3 chuyên ngành: công nghệ tự động hóa, công nghệ năng lượng điện, công nghệ thông tin và viễn thông.
Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng năm nay dự kiến mở thêm một số ngành đáp ứng nhu cầu xã hội như: trí tuệ nhân tạo, truyền thông số, quản lý công nghiệp, hộ sinh, y khoa... Ngoài ra, trường bổ sung thêm 9 ngành đào tạo hoàn toàn bằng tiếng Anh.
Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn cũng có một số ngành mới: thương mại điện tử, logistics và quản lý chuỗi cung ứng, an ninh mạng và mạng máy tính, luật kinh tế quốc tế... Trường có 2 chương trình đào tạo, bằng tiếng Việt và tiếng Anh. Những bạn có khả năng tiếng Anh giỏi có thể đăng ký học theo chương trình bằng tiếng Anh.
Trong số 47 ngành đào tạo của Trường ĐH Công nghệ TP.HCM năm nay có 2 ngành dự kiến mở là điều dưỡng và xét nghiệm y học. Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TP.HCM tuyển thêm 2 ngành mới là kinh doanh thương mại và ngôn ngữ Trung Quốc.
Trường ĐH Nguyễn Tất Thành dự kiến các ngành mới gồm: quan hệ quốc tế, kinh doanh quốc tế, mạng dữ liệu...
Trường ĐH Duy Tân cũng có nhiều chuyên ngành mới gắn liền với công nghệ thông tin như: trí tuệ nhân tạo (thuộc ngành công nghệ phần mềm), kinh doanh số (quản trị kinh doanh), quản trị sự kiện. Ngoài ra, trường còn có các ngành khác như: ngôn ngữ Hàn Quốc, công nghệ kỹ thuật ô tô, điều khiển tự động, quản trị khách sạn... “Không chỉ Trường ĐH Duy Tân, việc mở ngành mới gắn liền với công nghệ thông tin hoặc thay đổi ngành truyền thống có sự tích hợp yếu tố này vào đang là xu hướng của nhiều trường ĐH hiện nay để thay đổi với thời đại”, tiến sĩ Võ Thanh Hải, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Duy Tân chia sẻ.
Trường ĐH Văn Hiến bổ sung thêm ngành mới như: truyền thông đa phương tiện, điều dưỡng, thương mại điện tử, quản lý thể dục thể thao, quản lý bệnh viện, luật, công nghệ thực phẩm.
Bình luận (0)