Cuộc họp Hội đồng ĐH Quốc gia TP.HCM tháng 7 vừa qua đã chính thức thông qua đề án đổi mới cơ chế hoạt động của 3 trường ĐH thành viên gồm: Trường ĐH Bách khoa, Trường ĐH Công nghệ thông tin và Trường ĐH Kinh tế - luật. Trước đó, từ năm 2007, Trường ĐH Quốc tế đã xây dựng thành công cơ chế tự chủ tài chính.
Như vậy, đến thời điểm này đã có 4 trong số 7 trường ĐH thành viên thực hiện tự chủ. Với đề án đổi mới cơ chế hoạt động, sự tác động lớn nhất với người học là chính sách học phí cho sinh viên trúng tuyển năm 2021.
Học phí sẽ tăng mạnh
PGS-TS Bùi Hoài Thắng, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Bách khoa, cho biết từ năm 2021, trường dự kiến sẽ thực hiện tự chủ. Hiện nay đề án đã được ĐH Quốc gia TP.HCM phê duyệt và đang chờ Hội đồng trường thông qua trước khi áp dụng chính thức. Theo đó, học phí sinh viên khóa 2021 dự kiến sẽ tăng đến khoảng 25 triệu đồng/năm cho chương trình đại trà (gấp đôi mức thu hiện nay). “Đồng thời với lộ trình tăng học phí, trường đang chuẩn bị các chính sách học bổng và hỗ trợ, chương trình cho sinh viên vay học phí để học tập”, ông Thắng chia sẻ.
Về lộ trình tăng học phí các khóa tiếp theo của Trường ĐH Bách khoa, theo đề án trình ĐH Quốc gia TP.HCM trước đó, trường dự kiến tăng lên 27,5 triệu đồng vào năm 2022; các năm 2023, 2024 và 2025 là 30 triệu đồng/năm. Tầm nhìn đến năm 2030, trường đề xuất thu đủ mức học phí theo giá dịch vụ đào tạo nhằm đảm bảo chất lượng.
PGS-TS Nguyễn Tiến Dũng, Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế - luật, cũng cho biết theo quyết định được Hội đồng ĐH Quốc gia TP.HCM phê duyệt, trường sẽ thực hiện tự chủ từ năm 2021. Bám sát các quy định pháp luật, trường sẽ xây dựng phương án tự chủ theo 3 nội dung, trong đó có nội dung về tự chủ tài chính.
Riêng về tự chủ tài chính, theo ông Dũng: “Trường sẽ điều chỉnh tăng học phí theo mức để xã hội chấp nhận được, theo định mức kinh tế xã hội và xác định mức thu cạnh tranh so với các trường đã thực hiện tự chủ hiện nay. Học phí đó sẽ không quá sốc với người học và bám sát đề án được duyệt. Quan trọng là tăng học phí phải đảm bảo chất lượng đào tạo và cơ hội việc làm cho sinh viên”.
Theo đề án trình lên Hội đồng ĐH Quốc gia TP.HCM, Trường ĐH Kinh tế - luật đề xuất mức học phí dự kiến năm 2021 là 20,5 triệu đồng; năm 2022 là 22,6 triệu đồng; năm 2023 là 24,8 triệu đồng; năm 2024 là 27,3 triệu đồng và năm 2025 là 30 triệu đồng. Tầm nhìn từ 2026 - 2030, trường dự kiến mỗi năm điều chỉnh mức thu tăng 10 - 15%. Tuy nhiên theo ông Dũng, học phí chính thức có thể sẽ có các mức khác nhau tùy theo ngành và chương trình đào tạo, nhưng không phân biệt chất lượng cao và đại trà như hiện nay.
PGS-TS Vũ Đức Lung, Chủ tịch Hội đồng trường Trường ĐH Công nghệ thông tin, cũng xác nhận thông tin áp dụng đề án mới hoạt động từ năm 2021. Hiện trường đang chi tiết hóa các nội dung của đề án sẽ triển khai. Theo đề án trước đó, trường này đề xuất học phí dự kiến mức thu 25 triệu đồng vào năm 2021; 30 triệu đồng năm 2022; 45 triệu đồng năm 2023; 49,5 triệu đồng năm 2024 và 54,4 triệu đồng năm 2025.
Tuyển sinh có gì mới ?
Dù chuyển qua tự chủ hay giữ nguyên cơ chế hoạt động như hiện nay, một số trường thành viên ĐH Quốc gia TP.HCM cho biết sẽ giữ ổn định phương thức tuyển sinh trong năm tới. Trong đó, với kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021 được Bộ GD-ĐT thông báo giữ ổn định như năm 2020, kết quả kỳ thi này vẫn được xem là một cách xét tuyển quan trọng của các trường.
Theo PGS-TS Bùi Hoài Thắng, Trường ĐH Bách khoa vẫn dự kiến dành tối đa 60% tổng chỉ tiêu cho xét kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021 (năm 2020 trường có 60% chỉ tiêu trúng tuyển bằng phương thức này). Bên cạnh đó, trường vẫn dự kiến dành tối đa 70% chỉ tiêu xét điểm kỳ thi đánh giá năng lực do ĐH Quốc gia TP.HCM tổ chức.
Cũng theo ông Thắng, năm tới trường sẽ có một số ngành mới đào tạo bằng tiếng Anh và tăng cường tiếng Nhật. Trong đó có ngành kiến trúc dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh bên cạnh chương trình tiếng Việt hiện nay.
Theo kế hoạch, năm tới ĐH Quốc gia TP.HCM còn 3 trường thành viên chưa thực hiện tự chủ gồm: Trường ĐH Khoa học tự nhiên, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn, Trường ĐH An Giang. Tiến sĩ Phạm Tấn Hạ, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn, cũng thông tin phương án tuyển sinh năm tới của trường cơ bản không thay đổi nhiều so với 2020. Trong đó, xét điểm thi tốt nghiệp THPT vẫn là phương thức quan trọng với khoảng 60% tổng chỉ tiêu. 40% chỉ tiêu còn lại dành cho các phương thức khác như: xét điểm thi năng lực ĐH Quốc gia TP.HCM, xét tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển học sinh giỏi…
“Năm tới trường sẽ có thêm phương thức tuyển mới xét thí sinh tốt nghiệp các trường THPT ở nước ngoài, danh sách các trường này được Bộ GD-ĐT công nhận. Hình thức này nhằm tạo điều kiện cho các học sinh tốt nghiệp ở nước ngoài được xét vào trường”, ông Hạ cho hay.
Bình luận (0)