Những con đường khác vào lớp 10

15/06/2019 08:08 GMT+7

Nếu không trúng tuyển vào lớp 10 công lập thì học sinh chọn con đường học tập, con đường nghề nghiệp tương lai như thế nào cho phù hợp?

Hôm qua 14.6, Báo Thanh Niên tổ chức chương trình tư vấn trực tuyến truyền hình về chủ đề Những con đường khác vào lớp 10 tại thanhnien.vn, Facebook/thanhnien.com và YouTube Thanh Niên.

Nhiều hướng lựa chọn

Đừng bao giờ nghĩ rằng chọn học nghề là không đủ năng lực vào THPT mà cần xem đây là việc chúng ta có thêm quyền chọn lựa. Thậm chí, lựa chọn này tốt hơn vì đó là cơ hội để thử thách năng lực ở một môi trường phù hợp
LÊ DUY TÂN Trưởng phòng Giáo dục trung học Sở GD-ĐT TP.HCM
Ông Lê Duy Tân, Trưởng phòng Giáo dục trung học Sở GD-ĐT TP.HCM, khi trao đổi với phóng viên Thanh Niên, cho rằng học sinh (HS) có rất nhiều hướng lựa chọn sau khi kết thúc lớp 9 THCS. HS có thể tiếp tục con đường học vấn ở các trường THPT tư thục, trung tâm giáo dục thường xuyên. Ngoài ra, HS còn có một con đường rộng mở mà ít ai nghĩ đến là hướng nghiệp học nghề sau khi hoàn thành bậc THCS.
“Đừng bao giờ nghĩ rằng chọn học nghề là không đủ năng lực vào THPT mà cần xem đây là việc chúng ta có thêm quyền chọn lựa. Thậm chí, lựa chọn này tốt hơn vì đó là cơ hội để thử thách năng lực ở một môi trường phù hợp. Đây là một lộ trình phù hợp với năng lực và xu hướng của xã hội”, ông Lê Duy Tân nhấn mạnh.
Trong những lần chia sẻ với phụ huynh, HS về việc đăng ký nguyện vọng vào lớp 10, ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, từng nói trong thực tế, có những HS học văn hóa không thấy hứng thú, nhưng khi chuyển sang học nghề thì lại học rất tốt và thành công trong công việc sau này. Phụ huynh đừng nghĩ rằng vào lớp 10 công lập là con đường duy nhất của HS sau khi học hết lớp 9, mà đã có nhiều HS chủ động chọn học nghề, trường THPT tư thục, dân lập sao cho phù hợp với điều kiện và năng lực, sở thích...
Những con đường khác vào lớp 10
Học sinh và phụ huynh theo dõi kết quả thi lớp 10 năm học 2019 - 2020 Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Môi trường tư thục hoặc quốc tế

Từ 35 - 45% HS tốt nghiệp THCS theo hệ thống giáo dục nghề nghiệp
Đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018 - 2025” đã được Chính phủ phê duyệt đặt ra mục tiêu có ít nhất 30 - 40% HS THPT tiếp tục học tập ở các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ sơ cấp, trung cấp. Có ít nhất 45% HS ở vùng thuận lợi và ít nhất 35% ở vùng khó khăn tốt nghiệp THCS tiếp tục học tập tại cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ CĐ.
Nếu không có cơ hội vào học lớp 10 công lập mà vẫn muốn tiếp tục theo đuổi học văn hóa ở bậc THPT, theo thạc sĩ Cao Quảng Tư, Giám đốc tuyển sinh Trường Quốc tế Á Châu, có nhiều hướng để lựa chọn sao cho phù hợp năng lực, sở trường của bản thân và điều kiện kinh tế của gia đình.
Theo ông Cao Quảng Tư, hệ thống trường THPT ngoài công lập khá phát triển, đặc biệt là các trường hoạt động theo mô hình quốc tế. Phần lớn các trường giảng dạy song song chương trình của Bộ GD-ĐT và tiếng Anh quốc tế. Ông Tư nhấn mạnh mỗi thí sinh, phụ huynh có lựa chọn con đường học tập khác nhau. Nhưng để quyết định sự thành công ngoài yếu tố quan trọng là môi trường thì còn cần có năng lực và sự cố gắng của chính HS.
Thống kê của tiến sĩ Lê Trường Tùng, Chủ tịch HĐQT Trường ĐH FPT, Tổng giám đốc Công ty Giáo dục FPT, cho thấy: tổng chỉ tiêu lớp 10 cho 94 trường THPT ngoài công lập của Hà Nội năm học 2019 - 2020 là gần 21.825, giảm 4% so với năm 2018. Chỉ tiêu lớp 10 của trường ngoài công lập ở Hà Nội chiếm 25% tổng chỉ tiêu. Đây là một con số rất lớn (4 HS có 1 người học ngoài công lập) trong bối cảnh tỷ lệ HS THPT ngoài công lập cả nước chưa đến 10%.
Ghi nhận của PV Thanh Niên cho thấy, thực tế cũng đã chứng minh không phải HS nào tốt nghiệp THCS ở Hà Nội cũng dự thi vào lớp 10 THPT công lập. Toàn TP có tới 101.453 HS tốt nghiệp THCS nhưng chỉ có 85.036 HS dự thi vào lớp 10 THPT công lập, 16.417 HS khác đã lựa chọn những ngã rẽ khác để tiếp tục học lớp 10 và định hướng nghề nghiệp cho bản thân.

Giáo dục thường xuyên cũng là một lựa chọn

Các chuyen gia tư vấn cho phụ huynh chọn những hướng đi phù hợp cho con em mình sau khi học sinh kết thúc lớp 9 Đào Ngọc Thạch
Ngoài ra, HS có thể lựa chọn học tại các trung tâm giáo dục thường xuyên (GDTX) với học phí tương đương các trường THPT công lập. Nói về chương trình học, bà Trần Thị Huyền, Giám đốc Trung tâm GDTX Q.12, TP.HCM, cho biết HS học theo sách giáo khoa bậc THPT hiện hành với 7 môn: toán, văn, vật lý, hóa học, sinh học, lịch sử, địa lý. Ngoài ra, do quy định thí sinh học phổ thông và GDTX cùng thi chung đề THPT quốc gia nên các trung tâm GDTX phải tập trung nâng cao chất lượng nhằm thu hút HS.
Thêm vào đó, điểm nổi bật của mô hình GDTX là không yêu cầu về hộ khẩu thường trú nên HS có thể tự do đăng ký vào học tại một trong 24 trung tâm ở các quận huyện.
Còn ông Phạm Văn Đại, Phó giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội, cho biết năm học 2019 - 2020, toàn TP có 101.453 HS dự xét tốt nghiệp THCS; số HS đăng ký dự thi khoảng hơn 85.000. Dự kiến ban đầu, Hà Nội sẽ tuyển khoảng 62% HS vào lớp 10 THPT công lập. Gần 40% HS còn lại sẽ vào các trường ngoài công lập, học nghề, học tại các trung tâm GDTX... Năm nay, Sở GD-ĐT Hà Nội đã trình UBND TP đề án phân luồng HS sau THCS. HS học tại các trường nghề, học tại trung tâm GDTX sau 3 năm ra trường sẽ có thể vừa có bằng tốt nghiệp THPT, vừa có bằng nghề.

Học nghề theo hướng hiện đại

Thạc sĩ Hồ Văn Sĩ, Trưởng phòng Tuyển sinh - đào tạo Trường CĐ Lý Tự Trọng (TP.HCM), cho rằng việc học ĐH chỉ để có tấm bằng treo trong nhà là lựa chọn không bền vững mà điều quan trọng là người học làm nghề, đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp như thế nào từ chính văn bằng đó. Trong thực tế, đã có phụ huynh đăng ký cho con học CĐ nghề dù đã trúng tuyển vào lớp 10 công lập. Theo phân tích của ông Sĩ, có HS lực học trung bình, nếu cố theo đuổi học văn hóa thì sau 3 năm tốt nghiệp THPT cũng chỉ có thể vào trung cấp hoặc CĐ. Vậy tại sao không chọn học bậc CĐ ngay từ khi hoàn thành lớp 9 để có những lợi thế về thời gian?
Còn ông Nguyễn Đăng Lý, Hiệu trưởng Trường CĐ Quốc tế TP.HCM, cho rằng theo thống kê của nhà trường, có khoảng 40% HS đậu nguyện vọng 1 trường THPT công lập theo học chứ không phải chờ trượt hết thì mới nhập học”.
Theo ông Lý, trường áp dụng 7 môn học của bậc THPT, HS vừa đủ điều kiện thi THPT quốc gia vừa có đủ thời gian để học nghề nghiệp. Ngoài ra bắt đầu từ năm 2019, với hệ CĐ chất lượng cao, HS còn được bổ sung năng lực tiếng Anh giỏi, các chuẩn đầu ra của hệ thống CĐ…

“Học giáo dục thường xuyên có sao”

Một số phụ huynh cho biết lường trước được sức học của con, nên đã tính tới các phương án, nếu không đậu THPT công lập sẽ học trung tâm GDTX.
Chị H.L.T, mẹ của thí sinh trú P.5, Q.8 (TP.HCM) cho biết điểm thi của con chưa chắc chắn sẽ đậu Trường THPT Võ Văn Kiệt (Q.8) nên ngay trước kỳ thi, chị đã động viên con làm bài hết sức mình, nếu không đậu công lập sẽ học GDTX. “Trước đây tôi học bổ túc văn hóa buổi tối, rồi sau đó tôi trở thành giáo viên mầm non được, có làm sao đâu”, chị T. nói.
Chị P.T.H, trú đường Nhiêu Tâm, Q.5, mẹ của HS T.K.N, vừa thi xong vào lớp 10 tại TP.HCM, cho biết nếu các nguyện vọng đều không được, gia đình vẫn thấy bình thường nếu con học trung tâm GDTX Q.8. “Không đậu trường này thì học trường khác, gia đình tôi không có điều kiện để con học trường tư thục, quốc tế nhưng xác định luôn, con mình học không tốt lắm, nếu không đậu phải tính đến phương án xin trường nào để vừa học văn hóa, vừa học nghề”, phụ huynh N.V.B trú đường Dạ Nam, P.2, Q.8, cho hay.
Thúy Hằng
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.