Những điểm mới trong tuyển sinh đại học năm nay

09/05/2020 08:25 GMT+7

Ngày 8.5, tại hội nghị trực tuyến về tuyển sinh đại học 2020 , Bộ GD-ĐT cam kết sẽ có một kỳ thi tốt nghiệp THPT kết quả tin cậy, để các trường làm căn cứ tuyển sinh.

Tại hội nghị, PGS Nguyễn Thu Thủy, quyền Vụ trưởng Vụ GD ĐH (Bộ GD-ĐT), đã giới thiệu một số điểm đáng lưu ý trong Quy chế tuyển sinh 2020 mà Bộ vừa ban hành.

Bổ sung quy định về điều kiện tổ chức tuyển sinh riêng

Theo bà Thủy, điểm mới nhất của Quy chế tuyển sinh năm nay là bổ sung quy định cụ thể về điều kiện tổ chức tuyển sinh riêng (thi các môn văn hóa, thi đánh giá năng lực...). Cơ sở đào tạo ĐH muốn tổ chức thi riêng cần đáp ứng các điều kiện cụ thể mà Bộ quy định trong quy chế.
Để tránh việc có trường đưa ra các tổ hợp “lạ” để tuyển đủ chỉ tiêu, bất chấp yêu cầu chất lượng, Bộ quy định các bài thi/môn thi đưa vào tổ hợp để xét tuyển phải gắn với yêu cầu của ngành đào tạo; không sử dụng nhiều hơn 4 tổ hợp bài thi/môn thi để xét tuyển cho một ngành (những tổ hợp chỉ thay đổi các ngoại ngữ khác nhau được coi là 1 tổ hợp). Thủ trưởng cơ sở đào tạo chịu trách nhiệm giải trình về quy trình, cơ sở xác định tổ hợp tuyển sinh.

Chú ý về chất lượng điểm trong học bạ

Với việc xét tuyển dựa vào kết quả học bạ, ông Phùng Xuân Nhạ lưu ý những trường dành chỉ tiêu về học bạ phải rất chú ý về chất lượng điểm trong học bạ vì giữa các vùng miền rất khác nhau. “Có những vùng học bạ rất long lanh, nhưng chưa chắc chất lượng đã cao. Năm nay, sau khi có phổ điểm tốt nghiệp THPT, Bộ sẽ tiến hành đối sánh với học bạ, để thấy chất lượng thực với chất lượng đánh giá của địa phương như thế nào. Áp dụng rộng rãi học bạ điện tử, nên cơ bản có thể yên tâm. Xã hội sẽ được giám sát”, ông Nhạ chia sẻ.
Bộ cũng đưa ra quy định trong trường hợp số thí sinh trúng tuyển (với 2 ngành Bộ xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng) không đủ điều kiện để tổ chức lớp học, thì nhà trường phải liên hệ, thống nhất với thí sinh phương án giải quyết (không trái quy định của pháp luật), hoặc báo cáo Bộ để có phương án giải quyết, đảm bảo quyền lợi cho thí sinh.
Năm nay, Bộ tiếp tục quy định tiêu chí xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào đối với các ngành đào tạo giáo viên, sức khỏe.

“Tự chủ tuyển sinh nhưng không phải muốn làm gì thì làm” !

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ yêu cầu các trường thống nhất nhận thức về các quy định trong quy chế tuyển sinh năm nay, triển khai hội nghị trong nhà trường bàn về công tác tuyển sinh một cách thấu đáo.
Ông Nhạ nói: “Hằng năm chúng ta đều có điều chỉnh bổ sung công tác tuyển sinh và thực tế ngày càng tốt hơn. Năm nay giữ ổn định, cái gì tốt rồi thì tiếp tục duy trì, một số điều chỉnh bổ sung để phù hợp với điều kiện thực tế và luật chứ không gây xáo trộn nhiều, đáp ứng cơ bản nguyện vọng học sinh, phụ huynh”.
Nhấn mạnh tự chủ tuyển sinh là nhiệm vụ, là cơ hội của các trường ĐH, nhưng theo ông Nhạ, không phải trường muốn làm gì thì làm mà phải theo quy định, đảm bảo khách quan, minh bạch, công bằng, bình đẳng giữa các trường.
Thi phải có chuẩn, ngân hàng câu hỏi, điều kiện tổ chức công khai minh bạch, giám sát. Việc phỏng vấn hay kiểm tra khảo sát thêm như thi năng khiếu để đánh giá thí sinh là quyền của nhà trường, Bộ rất khuyến khích.

Giám sát chặt chẽ kỳ thi tốt nghiệp THPT

Tại hội nghị, GS Tạ Thành Văn, Hiệu trưởng Trường ĐH Y Hà Nội, đề xuất Bộ phải làm sao để kết quả kỳ thi đảm bảo độ tin cậy, đặc biệt cần chú ý các khâu coi thi và chấm thi. Năm ngoái, với sự tham gia của các trường ĐH, các khâu này đã được làm tốt. Năm nay, kỳ thi được giao cho các địa phương, vì thế mong Bộ tăng cường các biện pháp giám sát kỳ thi.
Trước yêu cầu này, ông Nhạ cam kết dù năm nay kỳ thi tốt nghiệp THPT được tổ chức trong bối cảnh mùa đại dịch, nhưng độ phân hóa đề thi vẫn có, các trường ĐH vẫn có thể yên tâm sử dụng kết quả để xét tuyển. Ngày 7,5, Bộ đã ban hành đề thi tham khảo, bước đầu được nhìn nhận đảm bảo các yêu cầu đặt ra, Bộ sẽ tiếp tục lắng nghe để hoàn thiện đề thi chính thức.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.