Những lưu ý trước khi đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT

07/06/2020 09:32 GMT+7

.

Chỉ còn hơn một tuần nữa, thí sinh cả nước sẽ khai hồ sơ đăng ký tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020, đồng thời với đăng ký nguyện vọng xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ. Thời điểm này, nhiều băn khoăn của học sinh về lựa chọn ngành nghề phù hợp đã được gửi đến các chuyên gia của chương trình Tư vấn mùa thi do Báo Thanh Niên thực hiện.
Chương trình được truyền hình trực tiếp trên Đài phát thanh - truyền hình Bình Thuận chiều qua 6.6, đồng thời được truyền hình trực tuyến trên thanhnien.vn, Fanpage Facebook và kênh YouTube của Báo Thanh Niên.

Nên chọn bài thi tổ hợp nào ?

Bộ GD-ĐT ban hành quy chế thi tốt nghiệp THPT năm 2020, kỳ thi sẽ được tổ chức 2 ngày 9 và 10.8 thay vì 2,5 ngày như trước đây. Kỳ thi được sử dụng để xét công nhận tốt nghiệp THPT, phục vụ đánh giá chất lượng giáo dục phổ thông và xét tuyển ĐH, CĐ.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT sẽ tổ chức thi 5 bài thi gồm 3 bài thi độc lập (toán, ngữ văn, ngoại ngữ) và 2 bài thi tổ hợp. Bài thi khoa học tự nhiên (gồm các môn thành phần lý, hóa, sinh) và bài thi khoa học xã hội (sử, địa, giáo dục công dân với thí sinh học chương trình giáo dục THPT; sử, địa với thí sinh học chương trình giáo dục thường xuyên). Riêng bài thi ngữ văn thi theo hình thức tự luận, các bài còn lại thi theo hình thức trắc nghiệm.
Thạc sĩ Cao Quảng Tư, Giám đốc tuyển sinh Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn, lưu ý theo quy chế thi tốt nghiệp THPT năm nay, thí sinh bắt buộc phải dự thi 3 bài toán, văn, ngoại ngữ và 1 bài thi tổ hợp. Nếu năm trước quy chế cho phép thí sinh có thể đăng ký cả 2 bài thi tổ hợp nhưng năm nay chỉ dự thi 1 trong số 2 bài tổ hợp. Điểm xét tốt nghiệp được tính từ 70% điểm thi các môn bắt buộc từ kỳ thi tốt nghiệp THPT và 30% điểm trung bình lớp 12. Thí sinh lưu ý điểm liệt được tính từ 1 trở xuống, nếu bị điểm liệt sẽ không được xét công nhận tốt nghiệp.
Đáng lưu ý, theo thạc sĩ Cao Quảng Tư, những năm gần đây thí sinh có xu hướng chọn nhiều bài thi tổ hợp khoa học xã hội thay vì bài thi khoa học tự nhiên. Trong đó có những trường, số liệu thống kê cho thấy số lượng học sinh chọn bài khoa học xã hội tăng gấp đôi năm trước đó. Điều này xuất phát từ tâm lý chọn bài thi khoa học xã hội dễ đạt điểm cao, có phần đơn giản, nhẹ nhàng hơn trong khi các môn này được sử dụng xét tuyển ngày càng nhiều.
“Tuy nhiên, thí sinh lưu ý không nên chọn tổ hợp dễ điểm cao mà cần chọn bài thi đã có sự đầu tư trong 3 năm học trước đó để xét tuyển được ngành học yêu thích. Bởi khi các trường xây dựng tổ hợp xét tuyển ngoài thực hiện quy chế còn xây dựng nền tảng kiến thức mà thí sinh sẽ học và làm việc sau này”, thạc sĩ Cao Quảng Tư nhấn mạnh.
Liên quan đến tổ hợp môn, thầy Võ Ngọc Nhơn, Phó ban Tuyển sinh Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, cho biết trường có sử dụng đồng thời nhiều phương thức xét tuyển. Theo ông Nhơn, theo quy chế, mỗi ngành có 4 tổ hợp nhưng thí sinh cần lưu ý sự khác nhau giữa tổ hợp xét tuyển các phương thức. Trong đó, có trường sử dụng các tổ hợp giống nhau giữa phương thức xét điểm thi và phương thức xét điểm học bạ. Trong đó, xét học bạ không có điểm bài thi tổ hợp mà chỉ xét điểm từng môn riêng biệt. Trước đây đã có những thí sinh bị nhầm lẫn giữa tổ hợp xét tuyển 2 phương thức, ảnh hưởng đến quá trình xét tuyển.

Nộp hồ sơ xét tuyển ra sao ?

Lưu ý về việc đăng ký dự thi, tiến sĩ Tống Thị Minh Thu, Trưởng bộ môn công nghệ kỹ thuật hóa học Trường ĐH Bà Rịa-Vũng Tàu, cho biết theo hướng dẫn của Bộ GD-ĐT về tuyển sinh ĐH chính quy, từ ngày 15 - 30.6, thí sinh khi đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT thì đồng thời đăng ký xét tuyển đợt 1 vào ĐH, CĐ. Trong 15 ngày này, các đơn vị thu nhận phiếu đăng ký dự thi kỳ thi tốt nghiệp THPT của thí sinh, trong đó bao gồm các thông tin về nguyện vọng xét tuyển vào ĐH và CĐ ngành giáo dục mầm non đợt 1.
“Có thể nói cách thức đăng ký dự thi và xét tuyển năm nay không khác biệt so với các năm trước. Sau khi tiếp nhận hồ sơ đăng ký dự thi của thí sinh, các điểm thu nhận hồ sơ sẽ nhập thông tin đăng ký dự thi THPT và đăng ký xét tuyển ĐH của thí sinh vào cơ sở dữ liệu của Bộ. Các thí sinh sẽ được hướng dẫn sử dụng tài khoản và mật khẩu cá nhân đã được cấp để truy cập và kiểm tra thông tin cá nhân, sau là để thực hiện điều chỉnh đăng ký xét tuyển trực tuyến”, tiến sĩ Thu thông tin.
Thạc sĩ Cao Quảng Tư lưu ý một số trục trặc thí sinh thường gặp khi đăng ký dự thi. Thí sinh cần lưu ý các chi tiết như số điện thoại, địa chỉ email và địa chỉ nhà để liên hệ trong suốt quá trình thi và xét tuyển. Khi làm hồ sơ không nên đăng ký quá nhiều nguyện vọng vào ngành nghề khác nhau. Việc sắp xếp nguyện vọng cần phù hợp năng lực nhưng quan trọng là chọn được ngành thực sự yêu thích.
Cũng liên quan đến cách thức nộp hồ sơ, thạc sĩ Đường Anh Tân, Giám đốc Trung tâm thực hành Trường CĐ Đại Việt Sài Gòn, lưu ý sự khác biệt bậc ĐH và CĐ. Cụ thể, từ năm 2016 tới nay, các trường CĐ thực hiện tuyển sinh theo quy định của Bộ LĐ-TB-XH. Theo đó, thí sinh chỉ cần tốt nghiệp THPT là đủ điều kiện xét tuyển. Riêng Trường CĐ Đại Việt Sài Gòn xét tuyển theo 3 phương thức: điểm thi tốt nghiệp THPT, điểm thi đánh giá năng lực ĐH Quốc gia TP.HCM và điểm học bạ.
“Tuy nhiên, thí sinh lưu ý nộp hồ sơ trực tiếp tại các trường CĐ thay vì tại các điểm thu nhận theo quy định của Bộ GD-ĐT khi xét tuyển ĐH. Riêng với ngành giáo dục mầm non bậc CĐ, việc tuyển sinh sẽ thực hiện theo quy định của Bộ GD-ĐT và thí sinh cần đạt ngưỡng đảm bảo đầu vào theo quy định”, thạc sĩ Đường Anh Tân lưu ý thêm.
Thạc sĩ Nguyễn Hoàng Thiên Thư, đại diện Trường ĐH Việt Đức, cho biết trường xét tuyển theo 5 phương thức, trong đó năm nay bổ sung phương thức xét tuyển học bạ. Thí sinh lưu ý khi xét tuyển vào trường cần đạt trình độ tiếng Anh theo quy định để học tập tại trường. Nhưng khi trúng tuyển, bên cạnh tiếng Anh, sinh viên còn được đào tạo tiếng Đức để tăng khả năng cạnh tranh khi ra trường, nếu thí sinh có chứng chỉ B1 tiếng Đức thì được miễn việc học ngoại ngữ này.
Học ngành nào ra trường có việc ngay ?
Liên quan đến lựa chọn ngành nghề, học sinh Trường THPT Bùi Thị Xuân hỏi: “Em rất thích kinh tế nhưng ba mẹ lại không đồng ý vì ba mẹ nói kinh tế đang có rất nhiều người học, 4 năm nữa ra trường thì rất khó kiếm việc làm, dễ thất nghiệp. Vậy quan niệm này đúng hay sai?”. Thầy Võ Ngọc Nhơn cho rằng: “Lo lắng này cũng có cơ sở nhưng cần xem xét trên nhiều bình diện. Với sự phát triển của kinh tế Việt Nam như hiện nay, một người học nghiêm túc với đầy đủ kỹ năng và kiến thức sẽ không cần lo lắng đến việc làm”.
Cũng theo thầy Nhơn, việc lựa chọn sai ngành gây ra hậu quả rất lớn có thể phải bỏ học giữa chừng, dẫn đến mất thời gian, tốn kém tiền bạc. Không chỉ học sinh, phụ huynh cũng cần tỉnh táo trong việc định hướng nghề nghiệp tương lai cho con mình.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.