Ngày đó, tôi nhớ bọn bạn chung lớp phong cho tôi danh hiệu “thánh nhân sai chính tả”. Bởi, một câu tôi viết ra có gần cả chục lỗi về chính tả lẫn cách dùng từ. Những cô giáo từng giảng dạy tôi môn văn, ai cũng lắc đầu ngao ngán khi chấm bài của tôi. Vậy nên, tôi học rất tệ môn văn. Và dĩ nhiên, tôi chẳng yêu văn, cũng chưa bao giờ lấy được điểm trên trung bình ở môn học này.
Nhưng rồi, năm lớp 12, tình yêu văn chương trong tôi lại dạt dào. Tôi gặp cô Nguyệt. Trong cô luôn toát ra vẻ cuốn hút kỳ lạ, giọng cô lúc nào cũng thanh thót, ấm áp. Cách cô truyền đạt từng câu chữ trầm bổng khiến sau mỗi buổi học, trong tôi luôn đọng lại một thứ gì đó vô hình và khó tả. Những câu nói của cô khi căn dặn chúng tôi: “Học văn là học làm người”, “Mục tiêu là ngọn đèn soi sáng thành công”, “Nếu chỉ nghĩ mà không hành động thì tất cả sẽ biến mất”…, tôi đều chép lại và đóng thành tập để gối đầu, mỗi khi trăn trở gì tôi lại lấy ra nghiền ngẫm.
Chẳng biết từ khi nào tôi lại yêu văn, yêu thơ. Có lẽ, khi những cô cậu học sinh yêu môn học nào đó là bởi họ có cảm tình với người dạy. Cô luôn nói “Học văn là học lời hay, ý đẹp”. Quả thật vậy, từ lúc yêu văn, tôi chẳng còn sỗ sàng khi nói chuyện với bạn bè.
Và từ bao giờ, thói quen thường ngày của tôi là viết nhật ký. Chỉ cần rảnh là lại lôi cuốn vở ra viết. Cũng từ đó, tôi có hơn 5 cuốn nhật ký...
Và chính cô Nguyệt là sợi dây vô hình gắn kết đời tôi với con chữ. Vậy nên, tôi xem cô là hình mẫu để theo đuổi. Nhưng có lẽ, chắc cô chẳng biết tôi thần tượng và mến mộ cô.
Mỗi khi đến ngày 20.11, tôi đều gửi đến cô lời chúc: “Chúc thần tượng của em ngày 20.11 vui vẻ và luôn nhiệt huyết với nghề 'đưa đò' nhé!”, nhưng tôi lại luôn ẩn danh, vì tôi ngại bộc lộ cảm xúc.
Với nhiều người, thần tượng của họ là một người thành công, tiếng tăm lừng lẫy..., nhưng với tôi là cô giáo dạy môn văn Phạm Minh Nguyệt. Bởi chính “người đưa đò” ấy đã truyền lửa vào tôi, giúp tôi gắn bó với nghề cầm bút. Cái nghề mà tôi luôn yêu, chẳng bao giờ cảm thấy chán chường.
Ngày 20.11 cận kề, tôi muốn gửi lời chúc đến cô Nguyệt nói riêng, những thầy cô trên đất nước hình chữ S này nói chung, có một ngày nhà giáo thật ý nghĩa. Chúc cho các thầy cô luôn dồi dào sức khỏe, luôn giữ được lửa nghề.
Bạn đọc có kỷ niệm đẹp, câu chuyện xúc động nào về người thầy của mình... có thể gửi đến chuyên mục Giáo dục của Báo Thanh Niên tại địa chỉ email: [email protected]. Chúng tôi sẽ biên tập và đăng tải trên Báo Thanh Niên. Bài viết được đăng sẽ có nhuận bút. Xin trân trọng cảm ơn!
|
Bình luận (0)