Thầy Bằng dạy chúng tôi năm học lớp 12. Ông có cách dạy học rất lạ, lạnh lùng, cảm giác không mấy chú ý xung quanh (nhưng sau này tôi hiểu ra rằng, thầy rất yêu thương và quan tâm tới các học trò).
Mỗi buổi đến lớp, thầy đi tay không, quyển sổ điểm được thầy gấp 4 lại, nhét vừa túi quần sau của quần jeans. Tới lớp, thầy rút quyển sổ điểm, quăng đánh “bộp” xuống mặt bàn. Hàng chục học sinh ở dưới hồi hộp, nín thở nhìn thầy rà đầu bút bi, tìm một cái tên trong sổ, gọi lên bảng trả bài.
tin liên quan
Những người thầy trong trái tim tôi: Thầy cô tôi ngày xưaAi cũng có thầy cô giáo của mình. Và đứa trẻ nào cũng có thể kể vanh vách về thầy cô mình với niềm tự hào khôn tả. Ngày đó, chúng tôi nói những lời kính mến về thầy cô mình mỗi buổi sáng đến lớp: 'Em chào thầy ạ!'.
Nhiều học trò, chỉ phải trả bài 1 lần. Không hiểu sao, thầy rất thích gọi tên tôi. Lần đầu tiên, tôi được 8 điểm nên rất ung dung. Lần thứ 2, thầy bất thình lình gọi tôi lên bảng tiếp, tôi không làm bài được và nhận điểm 0. Thầy Bằng tuyên bố “8 với 0 là 8. Chia trung bình ra là 4. Em được 4 điểm”. Tôi nói lại: “Tại sao thầy lại cộng trung bình như thế?”. “Tôi thích làm như vậy”, thầy Bằng lạnh tanh. Tôi vốn ương ngạnh, đành cười nhạt rồi lầm bầm “Thầy muốn làm gì thì thầy làm”. Kết thúc học kỳ 1 lớp 12, tôi được 3,4 điểm trung bình môn toán.
Bạn bè tôi ngày đó rất chăm, ai cũng đua đến một suất trong trường đại học, chúng ào ào đến học thêm toán ở nhà thầy Bằng. Tôi kiên quyết không đi. Tôi tự học ở nhà. Tôi có tính sĩ diện, nếu ai đã làm mình “bục sĩ diện”, tôi quyết tâm “đáp trả”. Tôi học toán ngày đêm, rảnh là ôm sách toán, tôi nhờ một gia sư là một sinh viên trong thành phố dạy kèm, nhờ thế mà tiến bộ rõ rệt. Học kỳ 2, điểm toán của tôi cao nổi trội, trung bình cả năm, tôi còn nhớ mình được 6,7 điểm môn học mình vốn ghét cay đắng này.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT trôi qua, lũ học trò chúng tôi háo hức kéo nhau đến trường xem điểm. Hàng trăm học sinh chen lấn kín mít quanh những tờ giấy báo điểm thi. Tôi biết điểm từ sớm nên ung dung, mãn nguyện, hạnh phúc vô bờ, không chỉ tốt nghiệp với thứ hạng cao, tôi còn được 9 điểm toán. Tôi tới trường, chỉ mong tìm được thầy Bằng, để khoe, để chứng minh, “không cần học thêm nhà thầy, em vẫn giỏi”, bởi lúc đó tôi còn hiếu thắng lắm.
tin liên quan
Những người thầy trong trái tim tôiBất kỳ ai trải qua năm tháng đi học cũng có những thầy, cô để lại ấn tượng không bao giờ phai nhòa. Trong 'trường đời' của mỗi người đôi khi cũng có những người tạo động lực, truyền cảm hứng, đặt một dấn ấn sâu sắc cho ta như một người thầy.
Nhưng, bước chân tôi vừa tới cổng trường đã khựng lại. Sống mũi tôi cay sè, khi trong đám đông, tôi nhận ra thầy Bằng, nhỏ bé, tay với với, gọi các trò, “Thằng Tùng được bao nhiêu điểm? Tùng được bao nhiêu điểm?”. Thế rồi, khi vừa thấy tôi, thầy Bằng chạy vội ra, ôm chầm, mừng rỡ, giống như tôi vừa đạt được một chiến tích huy hoàng “Thầy chúc mừng em, em giỏi lắm, tốt lắm. Thầy rất tự hào về em”.
Tôi bỗng thấy mình bé nhỏ quá. Tôi muốn khóc quá, nhưng không khóc được. Bao nhiêu ngày tháng tôi ghét thầy, tôi nghĩ thầy “trù dập” tôi, ghét bỏ tôi, nhưng thật ra, thầy luôn để ý và quan tâm đến đứa học trò ngỗ nghịch này...
tin liên quan
Vợ nhạc sĩ Trần Tiến kể lại những năm tháng dạy học ở Sài GònBà Trần Bích Ngà, 68 tuổi, vợ nhạc sĩ Trần Tiến là một cô giáo dạy văn, bà từng có những năm tháng giảng dạy tại Hà Nội, TP.HCM. Những kỷ niệm thời dạy học được bà kể lại trong những câu chuyện xúc động...
Tôi thi đậu Trường đại học Kinh tế TP.HCM với điểm toán 8,5, một điều mà ba mẹ tôi cũng không ngờ. Nếu không có sự lạnh lùng của thầy Bằng, tôi biết, mình sẽ không bao giờ có được ngày ấy.
Nhiều năm tháng tôi xa trường Ten Lơ Man, mỗi ngày đi trên con đường Trần Hưng Đạo đến cơ quan, kỷ niệm xưa cũ lại ùa về. Bạn bè mỗi người mỗi ngả, thầy Bằng cũng đã sang Mỹ định cư, xa Việt Nam. Những ngày này, tôi nhớ bài hát Mong ước kỷ niệm xưa nhiều quá...
Bạn đọc có kỷ niệm đẹp, câu chuyện xúc động nào về người thầy của mình... có thể gửi đến chuyên mục Giáo dục của Báo Thanh Niên tại địa chỉ email: [email protected]. Chúng tôi sẽ biên tập và đăng tải trên Báo Thanh Niên. Bài viết được đăng sẽ có nhuận bút. Xin trân trọng cảm ơn!
|
Bình luận (0)