Phải biết cách mạng công nghiệp 4.0 có tác động gì!

16/08/2019 18:53 GMT+7

'Muốn đào tạo nghề đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 thì trước hết phải hiểu được yếu tố 4.0 trong mỗi ngành nghề cụ thể là gì, nó có tác động ra sao…'.

Đó là quan điểm của một chuyên gia người Đức, làm việc tại Trường CĐ nghề Lilama II, trong buổi hội thảo góp ý cho dự thảo Đề án thí điểm đào tạo, đào tạo lại cho người lao động đáp ứng của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, do Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp tổ chức sáng nay 16.8 tại TP.HCM.

Chuẩn đầu ra phải dựa trên tiêu chí của doanh nghiệp

Có mặt tại hội thảo, ông Nguyễn Trí Quang, Phó hiệu trưởng Trường CĐ Du lịch Đà Nẵng, cho biết: “Vấn đề hợp tác giữa các trường nghề với doanh nghiệp hiện nay đa số chỉ mới dừng lại ở việc hỗ trợ thực tập. Còn việc doanh nghiệp tham gia đào tạo sâu thì vẫn chưa có. Trong khi đào tạo muốn đáp ứng được yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 thì không thể thiếu bóng dáng của doanh nghiệp. Đa số công ty hiện nay muốn có nguồn sẵn để tuyển dụng chứ không muốn trực tiếp đào tạo lao động cùng với nhà trường”
Hội thảo thu hút đại diện các trường CĐ, trung cấp và doanh nghiệp tham gia
MỸ QUYÊN
Tiến sĩ Lê Đình Kha, Phó hiệu trưởng phụ trách Trường CĐ Kỹ thuật Cao Thắng, cho rằng khoảng cách giữa nhà trường và doanh nghiệp ngày càng xa trong cuộc cách mạng này, do tốc độ thay đổi như vũ bão của công nghệ. “Các trường bắt buộc phải đầu tư, vì nếu không thì sản phẩm đào tạo không theo kịp thực tế ở doanh nghiệp. Nhưng không phải trường nào cũng có khả năng đầu tư”, tiến sĩ Kha nhận định.
Ông Frank Schulze, chuyên gia của Chương trình đổi mới đào tạo nghề Giz, đang làm việc trực tiếp với Trường CĐ nghề Lilama 2, khẳng định: “Muốn đào tạo nghề đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 thì trước hết phải hiểu được yếu tố 4.0 trong mỗi ngành nghề cụ thể là gì, nó có tác động ra sao… 100% phải có sự hợp tác với doanh nghiệp thì mới có thể đáp ứng yêu cầu của thực tế trong bối cảnh hiện nay. Chương trình đào tạo, chuẩn đầu ra phải dựa trên những tiêu chí của doanh nghiệp mong muốn. Khi có sự hợp tác thì chúng ta mới đưa ra được những giải pháp để giải quyết những thách thức của cuộc cách mạng 4.0”.
Đại diện các trường nêu ý kiến tại hội thảo
MỸ QUYÊN
Tuy nhiên, tiến sĩ Nguyễn Đắc Hưng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục và Đào tạo - Dạy nghề (Ban Tuyên giáo Trung ương) thừa nhận, việc kết nối với doanh nghiệp hiện nay chưa trở thành nhu cầu bức thiết và có sự chỉ đạo đồng thuận từ trên xuống dưới, mà mới chỉ diễn ra lẻ tẻ ở các trường theo kiểu mạnh ai nấy làm. “Doanh nghiệp hiện nay chưa mặn mà trong việc hợp tác vì bản thân chưa thấy được trách nhiệm và quyền lợi. Các chính sách khuyến khích doanh nghiệp tham gia đào tạo cũng chưa cụ thể rõ ràng…”, tiến sĩ Hưng nhìn nhận.

Nhiều sinh viên tốt nghiệp khá giỏi nhưng không nắm kiến thức nền

Về phía doanh nghiệp, bà Võ Thị Phương Lan, Giám đốc điều hành Công ty Giao nhận vận tải Mỹ Á, Trưởng ban Đào tạo Hiệp hội Logistics Việt Nam, nêu lên thực trạng: “Mới đây, tôi phỏng vấn tuyển dụng hơn 30 em cho vị trí điều phối xe, nhân viên hải quan, thợ máy… Các em đến từ nhiều trường ĐH, CĐ với điểm TOEIC rất cao, tốt nghiệp toàn loại khá giỏi, nhưng kiến thức nền tảng dù đã được học trước đó các em không nắm, ngay cả việc giới thiệu về bản thân các em cũng còn lúng túng. Tiếng Anh thực tế của các em rất yếu, chúng tôi chỉ tuyển được 2 em có khả năng giao tiếp tiếng Anh cơ bản và đọc được tài liệu vận hành máy”.
Theo bà Phương Lan, nếu các trường không thay đổi chương trình đào tạo, phương pháp đào tạo thì sẽ cho ra đời những sản phẩm mà doanh nghiệp không thể sử dụng được.
Đánh giá về thực trạng giáo dục nghề nghiệp hiện nay, tiến sĩ Vũ Xuân Hùng, Vụ trưởng Vụ Đào tạo chính quy, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, cho biết: “Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp của nước ta chưa có sự chuẩn bị sẵn sàng cho việc đào tạo, chưa chuẩn bị nhân lực đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Sự kết nối giữa các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp trong hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ còn rất yếu”.

Theo ông Hùng, thời gian qua Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đã lồng ghép các yêu cầu của cuộc cách mạng 4.0 vào các hoạt động đào tạo nghề, như xây dựng trên 150 chuẩn đầu ra các trình độ đào tạo giáo dục nghề nghiệp, trong đó lồng ghép các kỹ năng để đáp ứng yêu cầu của cách mạng 4.0 vào các chuẩn đầu ra, triển khai thực hiện đề án "Ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, hoạt động dạy và học nghề đến năm 2020“...

Đào tạo thí điểm 20 ngành nghề

Đề án Thí điểm đề án đào tạo, đào tạo lại cho người lao động đáp ứng của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư nêu mục tiêu xây dựng chương trình đào tạo ở các trình độ giáo dục nghề nghiệp cho khoảng 20 ngành, nghề đào tạo thí điểm. Đào tạo, bồi dưỡng cho khoảng 1.200 lượt người là cán bộ, giáo viên, người hướng dẫn đào tạo tại doanh nghiệp. Tổ chức đào tạo thí điểm cho khoảng 4.800 người ở trình độ trung cấp, cao đẳng; đào tạo lại/đào tạo bồi dưỡng ngắn hạn cho khoảng 20.000 lượt người. Tổng kinh phí thực hiện đề án là 352 tỉ đồng.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.