Dư luận xã hội đã trở nên khắt khe hơn bao giờ hết với đầu tư công của nhà nước, kể cả đầu tư cho giáo dục, lĩnh vực vốn được xem là quốc sách hàng đầu, hay cho tài năng.
Trong bối cảnh đó, các chương trình, dự án trọng điểm với sự tham gia trực tiếp của nhà nước cần phải làm gì để nâng cao hiệu quả và kết quả? Lấy Đề án 911 làm dẫn chứng cho điều này. Đề án có mục tiêu đào tạo mới 23.000 tiến sĩ đến năm 2020. Đến 2017, đề án chi tiêu hết gần 4.000 tỉ đồng, chỉ tuyển được khoảng 5.000 NCS. Điều này phù hợp với thực tế vì trong suốt thời gian từ năm 2012 (khi đề án khởi động) cho đến nay, số lượng giảng viên trong cả nước ở trình độ thạc sĩ (nguồn tuyển sinh chính của đề án) cũng không cao hơn con số chỉ tiêu 23.000 quá nhiều. Theo dữ liệu của Bộ GD-ĐT, số lượng giảng viên ĐH có trình độ thạc sĩ năm 2012 là khoảng 29.000, năm 2016 khoảng 43.000. Những con số này cho thấy tỷ lệ tương đối lớn và rất khó khả thi nếu xét trong bối cảnh yêu cầu của Đề án 911 như học nước ngoài thì phải chọn trường nằm trong Top 500 thế giới, học trong nước thì khi tốt nghiệp cam kết phải có bài báo ISI/Scopus. Tuy nhiên mức học bổng lại không cao nếu so với học bổng nước ngoài khác trong khi lại yêu cầu bắt buộc trở về nước sau khi tốt nghiệp. Cá nhân tôi khi đi học NCS nước ngoài vào năm 2012 cũng đã quyết định chọn học bổng khác chứ không chọn 911 vì những lý do trên. Như vậy, vấn đề đầu tiên của Đề án 911 là khâu kế hoạch đã được lập ra một cách phi thực tế.
tin liên quan
Đào tạo tiến sĩ thế nào để tránh lãng phí?Vấn đề thứ hai là ở khâu thông tin. Rõ ràng chỉ đến khi Bộ GD-ĐT trình kế hoạch đề án mới thay thế 911 vào tháng 11.2017, dư luận mới nắm được một số thông tin rất sơ lược về đề án này. Cho đến giờ, những bức xúc của xã hội dường như rất chung chung chỉ hướng về một đầu mối duy nhất là Bộ GD-ĐT chứ không hề biết cụ thể là đơn vị nào của Bộ chịu trách nhiệm chính hoặc các đơn vị liên quan nào hay các cơ sở giáo dục ĐH nào liên đới?
Kinh nghiệm thực hiện dự án trên thế giới cho thấy, với những dự án lớn, để đảm bảo chất lượng, cần một hệ thống chỉ số kết quả kỹ - rộng hơn, với các chủ thể trách nhiệm chính chi tiết hơn, và đặc biệt công khai hơn.
Vấn đề thứ ba là cách thức cấp kinh phí. Thường các chương trình dự án mà kinh phí được cấp trực tiếp cho người thụ hưởng thì sẽ có hiệu quả hơn là cấp cho đơn vị tổ chức dịch vụ. Giới nghiên cứu giáo dục gọi đây là cách cấp ngân sách cho bên “cầu” thay vì bên “cung” và nhờ đó, hiệu quả đầu tư của nhà nước sẽ được nâng cao hơn.
Bình luận (0)