Hôm nay, 18.11, tại Hà Nội, Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức lễ công bố quyết định của Thủ tướng Chính phủ thành lập Trường đại học Y dược, một trường thành viên của Đại học Quốc gia Hà Nội.
Trường được thành lập trên cơ sở Khoa Y dược, là một khoa trực thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội thành lập từ cách đây 10 năm và tuyển sinh khóa đầu tiên từ 8 năm trước. Trường đang đào tạo 6 ngành đại học: y đa khoa, dược học, răng hàm mặt, kỹ thuật y học, xét nghiệm y học và điều dưỡng, quy mô đào tạo là 1.500 sinh viên.
Tại buổi lễ, ông Nguyễn Kim Sơn, Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội, đề nghị nhà trường làm tốt một số nhiệm vụ để hoàn thành sứ mệnh, trọng trách của trường là đào tạo nguồn nhân lực y tế chất lượng cao, bồi dưỡng nhân tài dựa vào nghiên cứu khoa học và phát minh, sáng chế trong môi trường đại học đa ngành, đa lĩnh vực; đóng góp tích cực trong đổi mới giáo dục đại học ngành khoa học sức khỏe Việt Nam; chủ động hội nhập và tiên phong tiếp cận trình độ tiên tiến của quốc tế.
Một trong những nhiệm vụ đó là kiên trì theo đuổi mục tiêu đào tạo chất lượng cao, đảm bảo chất lượng đầu ra tốt nhất cho tất cả các chương trình đào tạo, bậc đào tạo. Cần khẩn trương củng cố các điều kiện đảm bảo chất lượng, giải quyết tốt cả hai khâu đào tạo cơ bản, nền tảng lý thuyết và khoa học tốt với lâm sàng và thực hành tốt.
Trường cũng cần phát triển theo định hướng đại học nghiên cứu tiên tiến, hướng tới các sản phẩm nghiên cứu y dược có thể chuyển giao thương mại hóa sản phẩm, trên cơ sở phát huy lợi thế đặc thù của đơn vị và của toàn Đại học Quốc gia Hà Nội.
Dấu mốc đáng nhớ cho ngành y tế
Phát biểu tại buổi lễ, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, việc thành lập Trường đại học Y dược - Đại học Quốc gia Hà Nội là một quyết định quan trọng, một dấu mốc đáng nhớ cho ngành y tế.
|
Ông Đam nhận định, dù chúng ta đã rất nỗ lực, hiệu quả chăm sóc sức khỏe của nhân dân nói chung, trình độ của đội ngũ cán bộ nhân viên y tế của Việt Nam nói riêng, tốt hơn nhiều so với các nước có cùng trình độ phát triển kinh tế, nhưng thực trạng vẫn còn nhiều bất cập. Ví dụ, thế giới có 15,4 bác sĩ/vạn dân, Việt Nam chỉ có 8,7 bác sĩ/vạn dân; thế giới có 6,02 dược sĩ/vạn dân, tỷ lệ này ở Việt Nam là 2,91… Như vậy, nếu chỉ tính về số lượng thuần túy, chúng ta vẫn còn thiếu rất nhiều, và hiện mới tập trung vào chữa bệnh chứ chưa chăm sóc tốt người bệnh. Vì thế, chúng ta thực sự cần thêm nhiều cơ sở đào tạo về y dược.
Ông Đam cũng lưu ý, trong giáo dục đại học nói chung, số lượng là cần, chất lượng còn cần hơn. Điều đó càng đúng hơn, càng phải thực hiện nghiêm khắc hơn đối với ngành đào tạo chăm sóc sức khỏe. Mặc dù chúng ta còn thiếu rất nhiều về số lượng nhưng những năm qua việc thành lập thêm một trường đại học y, dược là vô cùng khắt khe và rất hiếm hoi. Hôm nay có thêm một cơ sở đào tạo đại học y dược, thì chắc chắn đó sẽ phải là một cơ sở đào tạo có uy tín, sẽ trở thành một trong những trung tâm đào tạo nhân lực quan trọng của ngành y tế Việt Nam.
Ông Đam nói: “Tôi tha thiết mong rằng, 10 năm sau, đại học này phải đào tạo được nội trú, bác sĩ của đại học này tốt nghiệp ra phải được các bệnh viện của thầy Thành, thầy Giang (GS Lê Ngọc Thành là Giám đốc Bệnh viện E, GS Trần Bình Giang là Giám đốc Bệnh viện Việt Đức, hai giáo sư còn là kiêm hiệu trưởng/phó hiệu trưởng Trường đại học Y dược - ĐH Quốc gia Hà Nội - PV) tranh nhau mời về làm việc".
Ông Đam cũng cho rằng, việc lãnh đạo nhà trường là các chuyên gia rất giỏi, rất nổi tiếng của ngành y tế là một thuận lợi trong việc gắn kết được cơ chế đào tạo của một đại học với các bệnh viện hàng đầu của ngành y tế.
“Nhưng không chỉ có cơ chế để thu hút các thầy thuốc thật giỏi tham gia giảng dạy tại trường, mà phải lôi kéo các bệnh viện hàng đầu trở thành hệ thống thực hành và là những đối tác lâu dài. Đây là một thách thức, mà cũng là một hướng đi”, ông Đam chỉ đạo.
Bình luận (0)