Phó thủ tướng Vũ Đức Đam: Một số hiệu trưởng vẫn muốn quyền của mình to nhất

27/11/2020 16:41 GMT+7

Theo Phó thủ tướng Vũ Đức Đam , một trong những vướng mắc trong hành trình thúc đẩy tự chủ giáo dục đại học hiện nay là bản thân một số hiệu trưởng không muốn giảm bớt quyền , vẫn muốn trong trường thì mình là "to nhất".

Hôm nay, 27.11, tại Hà Nội, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng (VHGDTNTN và NĐ) của Quốc hội phối hợp với một số trường đại học tổ chức hội thảo “Tự chủ trong giáo dục đại học - Từ chính sách đến thực tiễn”. Hội thảo diễn ra cả ngày, gồm 3 phiên: các vấn đề chung, thể chế tự chủ trong giáo dục đại học, tự chủ tài chính trong giáo dục đại học.
Sau phiên thứ 2, ông Vũ Đức Đam, Phó thủ tướng Chính phủ, đã chia sẻ một số quan điểm chỉ đạo của Chính phủ về việc thúc đẩy tự chủ đại học. Theo đó, chúng ta mới thực hiện đổi mới tự chủ đại học được một bước, trước mắt là cả một hành trình dài. Hành trình này được đi trên con đường một chiều, nghĩa là không thể quay lại, bởi tự chủ là bản chất mặc nhiên của giáo dục đại học.

Nhà nước quản lý bằng pháp luật

Ông Đam nêu 5 vấn đề các bên liên quan cần giải quyết khi thực hiện tự chủ đại học. Trước hết, tự chủ đại học là phải tự chủ về chuyên môn (phương Tây gọi là tự chủ học thuật), muốn vậy ở đó phải có một mô hình quản trị tiên tiến. Thứ hai, tự chủ là phải gắn với giải trình, không phải là giải trình với cơ quan nhà nước mà là giải trình với toàn xã hội, gồm: sinh viên, cán bộ giảng giảng viên nhân viên của trường, với phụ huynh, với xã hội.
Thứ 3, tự chủ không có nghĩa là nhà nước không đầu tư nữa. Với ý này, ông Đam giải thích: “Có nghĩa rằng đây không phải là điều kiện đánh đổi, kiểu như Nhà nước không đầu tư nữa thì mới có tự chủ. Không phải thế. Thực tế là Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Trường đại học Bách khoa Hà Nội, Trường đại học Kinh tế quốc dân… tuy được thực hiện tự chủ nhưng Nhà nước vẫn rót thêm tiền thông qua khoản vay mấy chục triệu USD của Ngân hàng Thế giới để đầu tư tiếp. Thực sự là Chính phủ đang chỉ đạo các cơ quan liên quan làm quyết liệt việc tạo cơ chế giao nhiệm vụ - đặt hàng đào tạo bằng ngân sách Nhà nước”.
Thứ 4, Chính phủ xác định rất rõ (theo đúng xu thế thế giới), là tự chủ không có nghĩa là buông lỏng quản lý. Nhà nước quản lý đại học bằng pháp luật, về các khía cạnh liên quan. Ví dụ, tuy là trường đại học, nhưng nếu xây một cái nhà thì phải tuân thủ quy định của ngành xây dựng, phải tuân thủ quy định của công an về phòng cháy chữa cháy…
Với vấn đề thứ 5, ông Đam nhấn mạnh: “Đây là điểm rất quan trọng: tự chủ nhưng không được làm giảm cơ hội tiếp cận của người nghèo, của người trong diện chính sách. Có số liệu chứng minh là chỉ số này không giảm, nhưng chúng ta cần phải làm mạnh hơn nữa, vì hiện còn chậm về cơ chế đặt hàng. Ví dụ, Nhà nước khuyến khích và cấp tiền cho con em đồng bào dân tộc thiểu số đi học đại học, trước thì rót khoản tiền này về cho trường, nay có thể cấp qua học bổng. Hoặc Nhà nước muốn phát triển một ngành nghề cụ thể nào đó thì đặt hàng cho các trường đào tạo”.

Một trong hai vấn đề vướng nhất liên quan tới viên chức và tiền lương

Theo ông Đam, những vướng mắc về quản lý Nhà nước liên quan tới ngành GD-ĐT trong tự chủ đại học không còn nhiều, và cũng không có vấn đề gì lớn. Một số cái tưởng như còn vướng là do các trường chưa đọc kỹ văn bản, hoặc do vẫn nghĩ giống như cũ. Hiện còn 2 vấn đề thực sự vướng về quản lý Nhà nước. Một là liên quan tới các quy định về viên chức và tiền lương của Bộ Nội vụ; hai là về ngân sách, đầu tư, đặt hàng, liên quan tới các ngành tài chính và đầu tư, đây mới là cái vướng cơ bản.
Ngoài 5 vấn đề trên (là các vấn đề chung của thế giới khi thực hiện tự chủ đại học), chúng ta phải thực hiện chuyện sắp xếp và dịch chuyển quyền lực. Đây là vấn đề rất đáng lưu tâm với Việt Nam và các nước có điều kiện giống ta.
Trong sự sắp xếp và dịch chuyển quyền lực này có sự chuyển đổi rất mạnh về vai chủ sở hữu. Trước đây, cơ quan cấp trên là cơ quan chủ sở hữu và là chủ quản, họ can thiệp trực tiếp vào hoạt động của trường đại học quá nhiều. Bây giờ, quyền lực đó phải được chuyển dần, từ cơ quan chủ quản (tức cơ quan chủ sở hữu) là chính sang hội đồng trường, là cơ quan đại diện cho chủ sở hữu.
Ngoài ra, chúng ta phải thực hiện dịch chuyển một phần từ cơ quan quản lý Nhà nước (tức Bộ GD-ĐT) sang hội đồng trường; dịch chuyển một phần quyền từ hiệu trưởng và ban giám hiệu sang hội đồng trường.
Để triển khai, các trường phải có hội đồng trường theo đúng quy định của pháp luật. Việc dịch chuyển quyền lực này hiện có nhiều nơi chưa làm được do chưa thông trong chính các trường, chủ yếu do nhận thức của đội ngũ lãnh đạo. “Bản thân một số hiệu trưởng không muốn mất quyền của mình, không muốn chuyển giao bớt quyền của mình sang bên hội đồng trường, vẫn muốn tôi làm hiệu trưởng thì tôi là to nhất trong trường. Giờ phải định hướng rõ cho các trường, hiệu trưởng thì không kiêm bí thư đảng ủy”, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.