Phòng virus corona: Có thể dùng khẩu trang khác thay khẩu trang y tế ?

08/02/2020 07:04 GMT+7

Đeo khẩu trang y tế được khuyến cáo là một trong các biện pháp để phòng ngừa sự lây lan dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona (nCoV) gây ra.

       
Trong bối cảnh khan hiếm khẩu trang y tế, câu hỏi đặt ra là nguyên liệu nào có thể được dùng để thay thế?
PV Thanh Niên đã có trao đổi với PGS-TS Bùi Mai Hương (ảnh), Trưởng bộ môn Kỹ thuật dệt may Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, xung quanh vấn đề này.

Nhiều loại khẩu trang kháng khuẩn

Khẩu trang làm từ chất liệu vải nào thì có tác dụng hạn chế lây lan virus corona?
Khẩu trang thường được làm từ hai vật liệu chính gồm vải (dệt kim, dệt thoi) và vải không dệt. Trong đó, khẩu trang y tế dùng một lần thường dùng vải không dệt với nguyên liệu chính là polypropylen. Độ che phủ bề mặt của vải không dệt cao hơn, nhưng khẩu trang được làm từ vải dệt thoi, dệt kim vẫn có thể hạn chế lây lan vi rút, do hạn chế dịch hô hấp của người sử dụng văng ra bên ngoài, cũng như hạn chế người sử dụng đưa tay trực tiếp lên miệng.
So với khẩu trang y tế, khẩu trang từ chất liệu vải dệt thoi, dệt kim có đảm bảo an toàn không, thưa bà?
Vải dệt thoi, dệt kim có độ thoáng khí, mềm mại, vừa vặn, thuận tiện khi sử dụng hằng ngày và có thể giặt dùng lại. Ngoài ra, khẩu trang vải dệt thoi, dệt kim khi được tẩm hợp chất kháng khuẩn thì có thêm tác dụng phòng bệnh.
Trên thị trường hiện nay có loại khẩu trang làm từ chất liệu này chưa ạ?
Hiện tại Tập đoàn dệt may Việt Nam có sản phẩm khẩu trang bằng vải dệt kim gồm 2 lớp, trong đó có một lớp kháng khuẩn. Khẩu trang này có thể tái sử dụng khoảng 30 lần giặt và có thể sử dụng trong phòng dịch. Giá bán lẻ là 7.000 đồng/chiếc, mức giá tương đương chi phí sản xuất.
Có thể dùng khẩu trang khác thay khẩu trang y tế ?1

Đeo khẩu trang mùa dịch bệnh cần đúng cách

Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Dùng khẩu trang làm từ giấy phải cẩn trọng

Loại khẩu trang vải đó có dễ làm không, người dân có tự tạo được không hay phải chờ các đơn vị chuyên sản xuất cung cấp ạ?
Người dân có thể may được khẩu trang vải nhưng cần lựa chọn vải phù hợp. Hơn nữa, để đảm bảo độ vừa vặn thì không phải người dân nào cũng có bộ rập may khẩu trang phù hợp. Hiện tại các công ty đang nỗ lực sản xuất nên chắc trong thời gian tới tình trạng khan hiếm sẽ giảm nhiều.
Các khẩu trang vải chống nắng thông thường và khẩu trang tự chế từ giấy ăn có tác dụng hạn chế sự lây lan virus corona không?
Khẩu trang thường ngày ngăn ngừa hoặc giảm thiểu tia UV, bụi, hạn chế dịch hô hấp ra ngoài. Nếu dùng khẩu trang y tế dùng một lần thì nên bỏ sau khi sử dụng. Nếu khẩu trang vải tái sử dụng thì nên giặt thường xuyên với xà phòng diệt khuẩn.
Các loại khẩu trang chuyên dụng đều có ghi rõ nguyên liệu, khả năng kháng bụi loại nào, có kháng UV hay kháng khuẩn được không, người tiêu dùng có thể lựa chọn.
Khẩu trang từ giấy chuyên dụng thường là vải không dệt từ màng xơ khô hoặc ướt được liên kết bằng công nghệ spunlace (dùng tia nước áp lực cao hoặc khí áp lực cao) để liên kết tạo vải. Xơ thường dùng là viscose, polyester hay polypropylen, cho độ thoáng khí, độ dai bền cần thiết.
Nếu dùng giấy ăn thông thường tự chế như một số hướng dẫn thì độ thoáng khí cũng như độ dai bền của vật liệu không đảm bảo, chưa kể cần đảm bảo là giấy sạch. Các loại khẩu trang chất lượng thường có tiệt trùng và bao gói từng chiếc hoặc 5 - 7 chiếc khi bán ra.
Khẩu trang nào có tác dụng phòng ngừa lây lan ?
Theo TS-BS Huỳnh Minh Tuấn, Trưởng khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn Bệnh viện ĐH Y Dược TP.HCM, để phòng ngừa dịch virus corona, cần có sự kết hợp đầy đủ và đồng thời nhiều yếu tố. Trong đó, nếu chỉ đeo khẩu trang thôi chưa đủ, càng chưa nói đến việc đeo khẩu trang không đúng cách. Các biện pháp cần thực hiện đồng thời và đúng cách gồm: đeo khẩu trang, vệ sinh tay, vệ sinh hô hấp và vệ sinh môi trường xung quanh các bề mặt tiếp xúc.
Nói về khẩu trang y tế, theo TS-BS Huỳnh Minh Tuấn, phổ thông nhất hiện nay là loại khẩu trang 3 lớp. Trong đó, mỗi lớp của khẩu trang có những công dụng khác nhau theo quy chuẩn. Thứ nhất là lớp trong cùng, lớp này có tác dụng hút ẩm từ hơi thở của người đeo (thường có màu trắng). Ngược lại, lớp ngoài cùng của khẩu trang có tác dụng kháng thấm, không hút ẩm để chống sự xâm nhập của virus, vi khuẩn vào bên trong cơ thể. Thứ ba là lớp lọc nằm giữa 2 lớp trên, lớp này có thể được làm từ nhiều chất liệu khác nhau, mỗi loại chất liệu có hiệu lực lọc khác nhau.
“Nếu khẩu trang khác không có các lớp này thì không đúng quy chuẩn. Dù vậy, vẫn có thể nói khẩu trang dù bằng vật liệu gì cũng có khả năng che chắn nhất định trong trường hợp cần thiết khi không có khẩu trang y tế”, bác sĩ Tuấn chia sẻ.
TS-BS Tuấn cho rằng, trong một cộng đồng bình thường, nếu không có khẩu trang y tế thì vẫn có thể sử dụng khẩu trang vải chống nắng bình thường. Nhưng trong một số phạm vi có khả năng tiếp xúc mầm bệnh cao, ví dụ tòa nhà được xác định có người bệnh thì phải mang khẩu trang y tế.
Mang khẩu trang đúng cách là che được mũi, che miệng, chỉ chỉnh sửa bằng tay một lần ngay sau khi đeo và tránh chạm tay vào bề mặt ngoài của khẩu trang. Khẩu trang ướt phải thay liền vì khi ẩm sẽ có khả năng bám bụi, bắt virus cao hơn.
“Không thể nói phải thay khẩu trang sau 10 phút/lần hay bao nhiêu phút như nhiều người vẫn đặt câu hỏi mà tùy vào điều kiện cụ thể. Chẳng hạn, nếu đi vào và tiếp xúc trong những môi trường nghi ngờ có mầm bệnh thì sau đó phải thay liền, sau khi thay rửa tay liền”, bác sĩ Tuấn nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.