PGS-TS Sơn khẳng định: “Đây không phải là tiêu chuẩn mới của ngành giáo dục mà chỉ là quy định trong đề án tuyển sinh của Trường ĐH Sư phạm TP.HCM. Trong đó, chiều cao là vấn đề chi tiết nằm trong những yêu cầu về sức khỏe của đề án tổng thể với rất nhiều yêu cầu về phẩm chất, năng lực khác”.
Lý giải về việc này, ông Sơn cho biết quy định của trường được căn cứ trên nhiều cơ sở khác nhau. Trong đó, thứ nhất khi xem xét trên bình diện chung, cả xã hội với những đề án có liên quan như: đề án tổng thể phát triển giáo dục thể chất và thể thao trường học giai đoạn 2016 - 2020 do Thủ tướng Chính phủ ban hành năm 2016 cho thấy việc đánh giá sức khỏe trong trường học là rất quan trọng. Việc tham gia thể thao hay quy định có ít nhất 95% trường tiểu học đảm bảo có kỹ năng giáo dục thể chất, tổ chức hoạt động thể thao ngoại khóa cho thấy yêu cầu sức khỏe là cần thiết
Bên cạnh đó, theo quyết định số 1613 của Bộ Y tế (năm 1997), sức khỏe loại 3 - loại trung bình ứng với chiều cao nhất định của học sinh - sinh viên; trong khi đó, theo chiến lược quốc gia về dinh dưỡng, đến năm 2011- 2020, chiều cao người Việt tăng 1 đến 1,5 cm so với 2010... Vì vậy, vấn đề chiều cao cần được xem xét như một tiêu chuẩn sức khỏe.
Hơn nữa, ở thông tư liên tịch giữa Bộ Y tế và Bộ GD-ĐT, về bảng treo ở lớp học cách nền phòng học từ 0,65 đến 0,8 m với trường tiểu học và ở THCS là 0,8 đến 1 m. Từ đó để nhận thấy chiều cao của thầy cô giáo có ảnh hưởng nhất định từ phương diện yêu cầu nghề.
Trong khi đó, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM là nơi đào tạo giáo viên THPT ở nhiều ngành mũi nhọn cung cấp cho TP.HCM và các tỉnh thành phía Nam. Việc đảm bảo sức khỏe của người giáo viên khi đảm trách công tác dạy học cho học sinh THPT là rất cần thiết trong đó có vấn đề về chiều cao.
Cũng theo ông Sơn, quy định này còn căn cứ trên số liệu về chiều cao trung bình của người Việt Nam. Những số liệu cập nhật cho thấy chiều cao trung bình của thanh niên Việt Nam điều tra từ năm 2009 - 2010 là cận 20 tuổi ở nam đến 164,44 cm và ở nữ lên đến 153,43. “Vì thế chiều cao ở mức 150 cm với nữ là chấp nhận được”, ông Sơn nói.
“Tuy nhiên xin khẳng định, với những trường hợp đặc biệt, đề án của trường vẫn dành sự trân quý với các thí sinh này, có sự xem xét cụ thể và có những biện pháp đảm bảo tính nhân văn, tôn trọng”, ông Sơn chia sẻ.
Ông Sơn cho biết thêm, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM là nơi đào tạo cho cả ngành sư phạm và ngoài sư phạm. Nhưng tiêu chuẩn sức khỏe tổng thể không áp dụng với sinh viên hệ cử nhân ngoài sư phạm. Trường hiện cũng là một cơ sở có nhiều sinh viên khuyết tật đang học (trên dưới 50 người) với nhiều hạn chế thể lực khác nhau về thị lực, khiếm thính... Các ngành có nhiều sinh viên khuyết tật gồm: toán, văn, tâm lý học, giáo dục đặc biệt... vẫn đang học tập, phấn đấu trở thành các giáo viên trong tương lai.
Bình luận (0)