Không hề! Các em học sinh năm nay bước chân vào lớp 12 lúc đó chuẩn bị bước vào kỳ thi THPT năm 2019, gần cả 1 triệu em sẽ cất tiếng đòi hỏi các chú các bác, các thầy cô có hứa chắc năm nay không xảy ra chuyện thi xong, có người lẻn vào sửa điểm bài thi như năm ngoái không? Các lỗ hổng trong quy trình chấm thi đã được Bộ Giáo dục – Đào tạo lấp kín hết chưa? Các thầy cô “lãnh đạo”, tức quan chức ngành giáo dục đã rút kinh nghiệm khóa kín phòng chứa bài thi, niêm phong kỹ, phân công đúng và nắm được nghiệp vụ để thực sự giám sát quá trình chấm thi chưa?
Các em cũng lo lắng, chọn trường đại học nào đây để tránh những thí sinh có khả năng “nhờ” sửa điểm cao vọt chiếm hết chỗ của các trường hàng đầu. Thật không có cảm giác nào sánh được sự ê chề khi các em nhìn nhau và nghi ngờ mình sẽ bước vào một cuộc thi cạnh tranh nhưng không biết bạn ngồi cạnh có dùng thuốc “tăng lực” do có ông chú làm ở phòng khảo thí hay không? Một khi niềm tin bị đánh cắp thì mục tiêu giáo dục đã hỏng đi một nửa.
Ở đây người viết tin rằng các em học sinh có lẽ không ai muốn điểm thi của mình được hay bị sửa. Nên một tâm lý có thể xuất hiện vào thời điểm chuẩn bị thi THPT sang năm ở một số em là nỗi lo không biết cha mẹ mình có lén lút tìm cách chạy điểm cho mình không, giả thử có thì làm sao để chặn lại. Các em có đủ dũng khí để đương đầu với bố mẹ hay không, có được giáo dục để nhận biết đúng sai và cái lập luận đằng sau sự đúng sai đó để tranh cãi với người lớn.
Cuộc đời học sinh ở nước ta bị tước đoạt niềm vui, chỉ còn lại nỗi vất vả phải học từ sáng sớm đến tối muộn; học ở trường, học ở nhà, học ở lớp luyện thi. Bố mẹ có con đi học, chỉ riêng chuyện chở con từ nhà đến trường rồi qua nơi học thêm, hết nơi này đến nơi khác cũng đã lấy hết thời gian trong ngày của họ. Ở thời điểm tháng 6-2019 mọi việc coi như đã xong nhưng trước đó, các em đã nhiều lúc tự hỏi, liệu vất vả như thế có đáng không khi có nhiều bạn khác, chỉ cần 6 giây thao tác trên máy tính, là điểm số được nâng vọt lên, thậm chí thành thủ khoa?
Chắc chắn trong tâm trí những người phải tiếp tục tổ chức thi THPT sẽ nảy sinh những câu hỏi: phiếu trả lời trắc nghiệm năm nay sẽ có phách không bởi có rọc phách sẽ hạn chế được tiêu cực cũng như ý muốn tiêu cực. Túi tiền để hớ hênh trên xe sẽ gợi lòng tham; phiếu trả lời trắc nghiệm nhìn rõ tên tuổi, số báo danh của thí sinh sẽ gợi ý đồ sửa câu trả lời bên dưới theo đáp án. Đó chỉ là một thắc mắc trong hàng trăm thắc mắc về quy trình thi và chấm thi nảy sinh sau kỳ thi năm 2018.
Ban giám hiệu các trường đại học nhỏ có lẽ phải tiếp tục dựa vào kết quả kỳ thi THPT để xét tuyển nhưng các đại học lớn, danh tiếng cần duy trì ắt sẽ băn khoăn làm sao, với nguồn lực có hạn của họ, sàng lọc thí sinh thêm một bước nữa ngoài điểm thi để tuyển đúng người cho trường. Tổ chức kỳ thi kiểm tra năng lực riêng hay dùng chung kết quả kiểm tra của một số trường lớn đã làm từ vài năm nay.
Băn khoăn, hoài nghi, thắc mắc, tự vấn, lo lắng… Nhìn lại những trạng thái tâm lý có thể xảy ra vào năm sau mới thấy trách nhiệm to lớn của ngành giáo dục – không bắt tay giải quyết ngay từ giờ, những yếu tố tâm lý bất ngờ có thể dẫn đến những tiêu cực mới trong thi cử.
Bình luận (0)