Kết quả đánh giá của hội đồng là tiên quyết
Hội đồng thẩm định gồm những ai?
Hội đồng thẩm định thành lập theo quyết định của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT theo tinh thần của Thông tư 33 (về tiêu chuẩn, quy trình biên soạn, chỉnh sửa SGK; tiêu chuẩn, tổ chức cá nhân biên soạn SGK; tổ chức và hoạt động của Hội đồng quốc gia thẩm định SGK). Thông tư này có 4 tiêu chuẩn, 13 tiêu chí về SGK.
Hội đồng sẽ thảo luận và xây dựng 40 minh chứng cần đạt để làm căn cứ thẩm định. Thành viên hội đồng thẩm định từng môn học là số lẻ, tối thiểu 7 người. Thành phần hội đồng cơ cấu gồm có GS đầu ngành về chuyên môn, có những GS đang công tác tại các trường đại học, am hiểu về nội dung, phương pháp và đặc biệt phải có ít nhất 1/3 giáo viên trực tiếp giảng dạy môn học đó. Thành viên của hội đồng cũng đại diện các vùng miền, giúp SGK được nhìn nhận từ nhiều khía cạnh.
|
Ông Tài cũng thông tin: Hội đồng đọc độc lập bản thảo trong 15 ngày. Sau đó nghe tác giả SGK trình bày nội dung và quan điểm. Tiếp theo, hội đồng làm việc độc lập với bản thảo và họp phân tích, kết luận lần 1, với sự tham gia của tác giả. Có 3 mức đánh giá bản thảo là “đạt”, “đạt nhưng phải sửa” và “không đạt”. Những bản thảo được đánh giá là đạt nhưng phải sửa, tác giả có 1 tháng để sửa và thẩm định vòng 2 (trình tự giống như vòng 1). Sách được đánh giá không đạt, tác giả và các nhà xuất bản có thể chỉnh sửa để đề nghị thẩm định lại từ đầu.
Đánh giá chung sau vòng 1, ông Tài cho rằng các tác giả rất tâm huyết, nhiều bản thảo biên soạn công phu. “Quan điểm của Bộ là việc thẩm định phải công bằng, minh bạch. Chúng tôi chưa nhận được phản hồi chính thức nào về kết luận sau vòng 1 của hội đồng thẩm định”, ông Tài cho biết.
Sau vòng 1, không có bản thảo nào “đạt” ngay, ngoài một số “không đạt”, hầu hết bản thảo “đạt nhưng cần sửa chữa”.
Hội đồng thẩm định “có vấn đề”?
Theo thông tin của hội đồng thẩm định, hội đồng “loại” sách tiếng Việt 1 và sách toán công nghệ giáo dục của GS Hồ Ngọc Đại vì lý do sách đó chỉ phù hợp với chương trình hiện hành chứ không phù hợp với chương trình giáo dục phổ thông mới được ban hành.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng lý do này cho thấy tư duy về chương trình và SGK của hội đồng thẩm định môn tiếng Việt lớp 1 là… có vấn đề. Bởi trong giáo dục phổ thông, dù chương trình nào và của nước nào đi chăng nữa thì cũng đều chung một cái lõi kiến thức và mục tiêu giáo dục. Vì thế, sẽ có những cuốn sách trở thành kinh điển, phù hợp với bất kỳ chương trình nào, khi mà trong xã hội vẫn tồn tại đối tượng học sinh mà cuốn sách đó muốn tiếp cận.
Đồng tình với nhận xét trên, PGS Lê Anh Vinh, Phó viện trưởng Viện Khoa học giáo dục VN, nói: “Chương trình mới so với chương trình hiện hành có khác biệt, nhưng cơ bản không có gì ngược lại với nhau. Đối với sách tiểu học, nếu chúng ta đủ cởi mở thì lấy sách Singapore, sách Hàn Quốc về điều chỉnh, sắp xếp lại thì cũng sẽ đạt được yêu cầu của chương trình toán”.
Một tác giả tham gia viết SGK toán cũng cho biết ông bức xúc về cách Bộ GD-ĐT thành lập hội đồng thẩm định như hiện nay, mà theo ông là “có vấn đề”, cụ thể là hội đồng môn toán. Trong số những người tham gia hội đồng thẩm định môn toán thì không có bất kỳ ai là người tham gia xây dựng chương trình. Vì thế, họ cũng chỉ là những người có tư cách giống như các tác giả, tức là họ sẽ hiểu chương trình theo cách chủ quan của mình, nên khi đánh giá sự phù hợp của sách đối với chương trình cũng sẽ đánh giá theo nhận thức chủ quan, không thật sự đúng đắn.
TS Nguyễn Huy Đoan, một tác giả tham gia viết sách, cho rằng những người chủ chốt trong nhóm tác giả xây dựng chương trình cũng nên là những người chủ chốt trong hội đồng thẩm định vì họ nắm rõ chương trình. Ngoài ra, trong hội đồng thẩm định cần có thêm các nhà khoa học chuyên sâu về chuyên môn và phương pháp dạy học, những giáo viên đứng lớp của cấp học. Hội đồng thẩm định phải chọn được những người công tâm, tránh thiên kiến. “Còn làm thế nào để chọn được những người công tâm, không thiên kiến, thì đó là việc của Bộ GD-ĐT. Dù việc này không dễ dàng, nhưng tôi cho là Bộ phải nắm được không chỉ trình độ khoa học mà còn cả đặc điểm con người của những người mà Bộ mời tham gia hội đồng thẩm định”, TS Đoan đề xuất.
Còn PGS Chu Cẩm Thơ, Viện Khoa học giáo dục VN, cho rằng chủ trương một chương trình nhiều SGK sẽ cho phép chúng ta có được những bộ sách phù hợp với mỗi loại đối tượng học sinh khác nhau. Vì thế, khi thẩm định một bản thảo SGK, việc đánh giá phần thực nghiệm rất quan trọng. Như sách Tiếng Việt 1 - Công nghệ chẳng hạn, có thể rất hiệu quả cho một đối tượng học sinh các tỉnh xa, còn đưa về dạy cho học sinh thành phố thì không phù hợp. “Cần phải xoáy sâu vào minh chứng, nếu không tạo ra tiền lệ. Muốn có tự do học thuật thì khi anh bác bỏ một cái gì đó có căn cứ không, căn cứ có thuyết phục không!”, PGS Chu Cẩm Thơ đặt vấn đề.
Trước câu hỏi giá trị đã được kiểm nghiệm trên thực tiễn của một bộ SGK có được coi là một yếu tố cần xem xét trong quá trình thẩm định hay không, ông Thái Văn Tài cho hay: “Theo quy định thì hồ sơ thẩm định SGK đã bắt buộc phải có hồ sơ thực nghiệm bộ sách ấy trên thực tế, kèm theo thuyết trình của tác giả về quan điểm khi biên soạn SGK”.
Ý kiếnKhông có sự phân biệt nào cả !
Chúng tôi làm đúng nhiệm vụ của mình, thẩm định theo quy định mà Thông tư 33 đã ban hành, những cuốn sách nào không đạt về nội dung, về phương pháp thì chúng tôi đánh giá là “không đạt”. Ở đây không có sự phân biệt nào cả! Đạt hay không đạt thể hiện ở một loạt các tiêu chí, chúng tôi dựa vào hệ thống tiêu chí ấy để đánh giá. Hội đồng của chúng tôi có 5 giáo viên dạy tiếng Việt tiểu học, có trưởng phòng giáo dục tiểu học của một tỉnh rất lớn, có hiệu trưởng trường tiểu học.
GS Trần Đình Sử (Chủ tịch Hội đồng thẩm định sách Tiếng Việt lớp 1)
Phải viết đúng và đủ nội dung chương trình
Hội đồng toán gồm 13 người, trong đó có 5 giáo viên dạy lớp 1 ở địa phương. Môn toán tôi đang thẩm định 6 bản thảo SGK toán lớp 1. Cả 13 người phải làm theo cách là mở từng trang của mỗi bản thảo góp ý lần lượt cho 1.200 trang. Cách làm việc rất tỉ mỉ, theo đúng các quy tắc. Trong 4 điều, 13 tiêu chí thì có những điều cực kỳ quan trọng mà một số bản thảo không đạt là vì vi phạm các tiêu chí đó. Phải viết đúng và đủ nội dung chương trình. Một điều nữa là đối tượng học sinh lớp 1, vào trường chưa biết chữ nên phải cực kỳ cân nhắc, đó là một đặc điểm mà tác giả viết SGK và người thẩm định phải tính đến, làm thế nào để học sinh học được mà học hứng thú. Tôi làm thẩm định nhiều thì thấy kỳ này là kỳ làm việc vất vả nhất vì yêu cầu rất chi tiết và chặt chẽ.
PGS Trần Kiều (Chủ tịch Hội đồng thẩm định SGK toán lớp 1)
Tuệ Nguyễn (ghi)
|
Bình luận (0)