Trả lời phỏng vấn Thanh Niên chiều 1.6, ông Nguyễn Sỹ Thư (ảnh), Trưởng ban Quản lý đề án Ngoại ngữ quốc gia 2020 (thuộc Bộ GD-ĐT) khẳng định sách song ngữ toán và các môn khoa học do NXB Giáo dục xuất bản là do đơn vị này tự tổ chức dịch, Bộ GD-ĐT chưa thẩm định và không phải là sách giáo khoa!
Bộ chưa có văn bản nào chỉ đạo việc dạy song ngữ!
Ông Nguyễn Sỹ Thư |
Giảng dạy ngoại ngữ dưới hình thức song ngữ là một nhiệm vụ đã được xác định trong Quyết định 1400 ban hành năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, việc triển khai nhiệm vụ này chưa được xác lập lộ trình, vì còn phụ thuộc vào các điều kiện như sách giáo khoa (SGK), cơ sở vật chất thiết bị hỗ trợ việc dạy và học, người dạy, người học, sự đồng tình của cha mẹ học sinh và sự tự nguyện của học sinh. Nhà trường đó phải có những đề án, còn cơ quan cấp trên kiểm tra việc tổ chức thực hiện.
Với việc giảng dạy song ngữ trong trường phổ thông, hiện nay Bộ GD-ĐT hay Ban Đề án Ngoại ngữ quốc gia 2020 chưa có văn bản nào chỉ đạo đưa dạy song ngữ vào chương trình giáo dục phổ thông. Như tôi đã nói, để triển khai dạy song ngữ cần rất nhiều điều kiện, trong đó có sự đồng ý của phụ huynh học sinh.
Về mặt chỉ đạo, sau khi có đề án Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008 - 2020, Bộ GD-ĐT đã tham mưu cho Chính phủ ban hành Quyết định số 72 (ngày 17.2.2014) quy định việc dạy và học bằng tiếng nước ngoài trong nhà trường và cơ sở giáo dục khác. Trong đó, xác định đối tượng áp dụng, nguyên tắc dạy học tiếng nước ngoài, chương trình tài liệu, người dạy, người học, cơ sở vật chất, kiểm tra đánh giá, học phí... Về quy trình phê duyệt của các cấp, điều 10 của quyết định ghi rõ giám đốc sở GD-ĐT phê duyệt đề án tổ chức thực hiện chương trình dạy và học bằng tiếng nước ngoài của các cơ sở giáo dục THPT và TCCN thuộc thẩm quyền quản lý, còn trưởng phòng GD-ĐT phê duyệt đề án của các trường tiểu học, THCS thuộc thẩm quyền quản lý. Nói tóm lại, trường nào muốn dạy thì phải lập một đề án trình cấp có thẩm quyền.
Vậy cơ quan quản lý nhà nước đã ban hành văn bản nào riêng cho việc tổ chức dạy học song ngữ?
Đúng là Bộ chưa có văn bản chỉ đạo riêng cho việc tổ chức dạy học song ngữ. Mới chỉ có chủ trương của Chính phủ thể hiện trong Quyết định 1400 (hoàn thành việc xây dựng chương trình và tài liệu dạy và học ngoại ngữ tăng cường, chuyên ngữ và song ngữ ở một số môn học của giáo dục phổ thông, một số môn học, ngành học của CĐ, ĐH) như đã nói ở trên.
Bộ GD-ĐT chưa thẩm định phần tiếng anh trong sách
|
Phần tiếng Việt là SGK. Phần tiếng Anh là do NXB Giáo dục tổ chức dịch và in kèm theo để hỗ trợ những học sinh nào muốn tìm hiểu xem bài học đó được diễn đạt bằng tiếng Anh như thế nào. Ai muốn dùng sách song ngữ thì mua chứ Bộ không chỉ đạo là phải mua, phải học. Trường nào triển khai việc dạy học song ngữ thì học sinh mới phải dùng sách đó, trường nào không thì học sinh thích thì mua, không thích thì thôi.
Vậy sách đó mặc nhiên là SGK của các lớp được tổ chức dạy học song ngữ?
Tôi không nói đây là SGK, bởi SGK đưa vào trong nhà trường thì phải thông qua hội đồng thẩm định của Bộ GD-ĐT. Còn sách song ngữ mà NXB Giáo dục xuất bản hiện nay chỉ có phần tiếng Việt là SGK, phần tiếng Anh thì Bộ chưa thẩm định. Theo tôi được biết, hiện nay Bộ tập trung lo làm chương trình mới và không chỉ đạo NXB Giáo dục dịch SGK tiếng Việt hiện hành sang tiếng Anh. Nếu giờ hỏi trách nhiệm biên soạn các cuốn sách song ngữ này thuộc về ai thì phải hỏi NXB Giáo dục.
Theo dự kiến của Bộ GD-ĐT thì từ năm học 2018 - 2019 thực hiện chương trình - SGK mới. Liệu bộ sách song ngữ này có được sử dụng cho sau thời điểm trên hay lúc đó lại có bộ sách khác, thưa ông?
Theo tôi biết, hiện nay NXB Giáo dục có xuất bản SGK dạng song ngữ, bước đầu là môn toán. Bản chất của bộ sách này thì đó là một bản dịch từ bản SGK tiếng Việt của chương trình hiện hành sang tiếng Anh. Đây là sách đã được Bộ thẩm định trước đây theo chương trình chưa đổi mới căn bản và toàn diện GD-ĐT. Theo lộ trình đổi mới thì đến năm học 2018 - 2019 mới triển khai chương trình SGK mới. Lúc đó sách đó sẽ khác sách bây giờ.
Trong chương trình giáo dục phổ thông mà Bộ dự kiến thực hiện từ năm học 2018 - 2019 có SGK song ngữ không?
Vấn đề này chưa được bàn tới. Quan điểm của lãnh đạo Bộ là tập trung làm cho tốt việc tổ chức biên soạn SGK từng môn học đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản toàn diện giáo dục cho tốt đã. Còn những nơi nào có điều kiện thuận lợi về thầy, trò, về điều kiện dạy học thì tự làm.
|
Đội ngũ giáo viên chưa đáp ứng được
Theo đánh giá của ban đề án thì trong hệ thống trường tiểu học, số trường đảm bảo các điều kiện để triển khai dạy học song ngữ có nhiều không?
Giai đoạn vừa qua cho thấy đội ngũ giáo viên nhìn chung là chưa thể đáp ứng được, bởi giáo viên tiếng Anh thì không dạy toán được, giáo viên dạy toán lại không giỏi tiếng Anh (chưa nói đến các điều kiện khác). Chủ trương dạy song ngữ là hướng đến sau này.
Theo lộ trình của đề án, đến giai đoạn cuối, đội ngũ giáo viên liệu có thể thực hiện dạy song ngữ?
Tôi nghĩ trong điều kiện nguồn lực giáo viên phổ thông của ta hiện nay ở mảng phổ thông thì việc dạy học song ngữ chỉ tiến hành được ở khu vực đô thị thuận lợi, có nền kinh tế xã hội phát triển.
Ban soạn đề án đã có thống kê về số lượng trường phổ thông đã hoặc sắp triển khai dạy học song ngữ?
Theo chức năng nhiệm vụ của đề án thì chúng tôi không thống kê được, hơn nữa đề án cũng chưa tham mưu để đẩy mạnh việc này, bởi các điều kiện đảm bảo chất lượng rất quan trọng mà chúng ta nhìn chung chưa đáp ứng được. Riêng với đội ngũ, chúng ta chỉ có thể mong chờ vào lứa giáo viên tiểu học mới được đào tạo trong trường sư phạm để có thể vừa có năng lực dạy chuyên môn mà lại giỏi tiếng Anh. Còn với đội ngũ hiện tại, tôi không hy vọng có thể bồi dưỡng được họ dạy được môn chuyên môn bằng tiếng nước ngoài. Còn giáo viên ngoại ngữ thì có thể bồi dưỡng để họ đạt chuẩn quy định để dạy ngoại ngữ thôi.
Theo đại diện NXB Giáo dục VN trả lời trên Báo Thanh Niên, sách song ngữ môn toán có từ lớp 2, trong khi theo đề án 2020 việc dạy ngoại ngữ sẽ bắt đầu từ lớp 3. Có vấn đề gì ở đây không?
Theo chương trình đổi mới căn bản toàn diện thì việc dạy học ngoại ngữ sẽ bắt đầu từ lớp 3. Nhưng nếu nơi nào có điều kiện thì có thể bắt đầu dạy ngoại ngữ từ sớm hơn.
Bình luận (0)