Sách tiếng Việt lớp 1 của GS Hồ Ngọc Đại không đạt ở vòng đầu thẩm định

12/09/2019 11:31 GMT+7

Trong cuộc họp gần đây của hội đồng thẩm định sách giáo khoa do Bộ GD-ĐT tổ chức, bộ sách tiếng Việt lớp 1 gồm 3 tập của GS Hồ Ngọc Đại đều bị đánh giá là không đạt.

Từ ngày 23.8 đến hết ngày 29.8, Hội đồng thẩm định sách giáo khoa môn tiếng Việt lớp 1 đã có cuộc họp thẩm định sách tiếng Việt lớp 1, gồm 3 tập, của nhóm tác giả do GS Hồ Ngọc Đại là chủ biên.
Theo biên bản hội đồng lập ngày 29.8, cả 3 cuốn sách tiếng Việt lớp 1 kể trên (còn được gọi là Tiếng Việt 1 Công nghệ giáo dục) đều bị đánh giá là “không đạt”.

Sách Công nghệ giáo dục và câu chuyện “tròn, vuông, tam giác” - Video tư liệu

Trong biên bản cũng đã nêu một số ưu điểm của sách Tiếng Việt 1 Công nghệ giáo dục như bộ sách được tập thể tác giả biên soạn công phu, tâm huyết, có quan điểm, cách tiếp cận riêng; sách chú ý đến việc dạy học đọc thành tiếng và chính tả để học sinh có thể đọc đúng và viết đúng chính tả; nội dung, hình thức phù hợp với tiêu chuẩn quốc gia về xuất bản phẩm; nội dung sách đáp ứng một số quy định trong chương trình giáo dục phổ thông môn ngữ văn...
Tuy nhiên, theo hội đồng thẩm định, sách vẫn bị 15/15 thành viên hội đồng xếp loại "không đạt" với gần 300 nội dung, chi tiết cần sửa, cần bỏ, phần lớn là những nội dung mà hội đồng cho rằng sách "vượt chương trình", "quá khó với học sinh lớp 1", hoặc một số vấn đề kỹ thuật, trình bày khác.
Phần lớn các thành ngữ, tục ngữ Việt Nam được GS Hồ Ngọc Đại trực tiếp chọn ghi ở chân trang sách có chứa những từ, ngữ học sinh đã học, để học sinh ghi nhớ tiếng Việt qua thành ngữ, tục ngữ, đều bị hội đồng đề nghị bỏ do "không phù hợp với học sinh lớp 1"…

GS Hồ Ngọc Đại: "Các vị viết theo suy nghĩ của các vị, còn trẻ em nó khác"

Sáng 12.9, trao đổi với giới truyền thông, GS Hồ Ngọc Đại chia sẻ: “Đến 50 năm thì tôi cũng yên lòng, sản phẩm của tôi đưa ra khác với hiện hành về nguyên lý sư phạm về bộ sách giáo khoa. Tôi căn cứ vào sự phát triển của trẻ em làm chuẩn. Các vị viết theo suy nghĩ của các vị, còn trẻ em nó khác”.
Theo GS Hồ Ngọc Đại, một chương trình có hiệu quả hay không là chương trình có mang lại lợi ích cho trẻ em mỗi ngày; mỗi giờ học đều mang lại lợi ích, cái mới, niềm vui cho trẻ em. “Học tiếng Việt với tôi là ai cũng học được, học gì được nấy, học đâu chắc đấy. Chúng ta hay phản ứng sự thực dụng nhưng học phải cần cho cuộc sống, không thể học những thứ viển vông”, GS Hồ Ngọc Đại nói.
GS Hồ Ngọc Đại còn cho biết, khi về hưu, ông ngồi viết lại 2 bộ sách giáo khoa là toán và tiếng Việt. “Tôi viết sách giáo khoa theo kiểu của tôi. Tôi toàn tâm toàn ý chỉ lo cho tiểu học, vì nếu giải quyết được hạnh phúc của học sinh của tiểu học thì sẽ giải quyết được hạnh phúc của gia đình, của xã hội…”, GS Hồ Ngọc Đại chia sẻ.
Được biết, sách Tiếng Việt 1 Công nghệ giáo dục đã được triển khai ở nhiều nhà trường từ 40 năm nay. Sách này xuất phát từ đề tài khoa học cấp nhà nước được nghiệm thu do GS Hồ Ngọc Đại chủ trì, sau đó được dạy thử nghiệm thành công ở nhiều địa phương, với trên 900.000 học sinh được học. Sách cũng được thẩm định nhiều lần bởi hội đồng thẩm định cấp quốc gia.
"Nhiệm vụ của các hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa không phải là tuyển lựa và xếp hạng cao thấp các sách giáo khoa được gửi đến thẩm định, mà đánh giá các sách giáo khoa này theo các tiêu chí quy định để có kết luận cuối cùng là: “đạt”, “đạt cần sửa chữa” hay “không đạt”.
Như vậy, sự khác biệt giữa các sách giáo khoa được thẩm định thể hiện ở chỗ có đạt được tiêu chuẩn nghiêm ngặt đối với sách giáo khoa hay không”.
Ông Thái Văn Tài, Quyền vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học, Bộ GD-ĐT
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.