Sai phạm trong kỳ thi THPT quốc gia: Thủ tướng yêu cầu xử lý triệt để

02/08/2018 07:54 GMT+7

Liên quan đến sai phạm chấn động trong quá trình chấm thi THPT quốc gia tại Sơn La, lãnh đạo Bộ GD-ĐT và Bộ Công an đều cho biết đang khẩn trương và quyết liệt điều tra. Bộ GD-ĐT tin rằng sẽ khôi phục dữ liệu bài thi đang bị 'mất tích' tại địa phương này.

Đó là những thông tin quan trọng được đưa ra tại cuộc họp báo thường kỳ Chính phủ tháng 7 diễn ra cuối chiều qua 1.8.
[VIDEO] Toàn cảnh vụ sai phạm thi cử ở Hà Giang
Rà soát các phương án tổ chức thi THPT quốc gia
Tại cuộc họp báo, Chủ nhiệm, Bộ trưởng Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng xung quanh những sai phạm trong kỳ thi THPT quốc gia vừa qua ở một số địa phương như Hà Giang, Sơn La. Theo đó, Thủ tướng nêu các vấn đề:
Thứ nhất, cần có thái độ cương quyết trong xử lý sai phạm, yêu cầu Bộ Công an, các bộ, ngành, địa phương liên quan điều tra xem xét, xử lý đúng người đúng tội và cương quyết xử lý triệt để, lấy lại niềm tin của người dân.

Thứ hai, Thủ tướng giao Bộ trưởng Bộ GD-ĐT rà soát lại tất cả các phương án, cách thức tổ chức thi THPT quốc gia, giao cho các trường ĐH, CĐ quyền tự chủ như thế nào, báo cáo Thủ tướng và Thủ tướng sẽ quyết định sau. Kỳ họp này Thủ tướng Chính phủ không bàn và không quyết định vấn đề thi theo hình thức nào và thi như thế nào nhưng quan điểm là phải thực hiện theo đúng luật hiện hành. Có học là có thi nhưng thi phải làm sao để thực chất, làm sao đảm bảo được yêu cầu đổi mới giáo dục toàn diện.
Ông Mai Tiến Dũng cho biết Thủ tướng đánh giá đây là vấn đề rất lớn, chúng ta đã tổ chức thi THPT quốc gia từ năm 2015 và đã có giao quyền tự chủ cho các trường ĐH, CĐ, THCN. Tuy nhiên, dư luận đều biết đề thi của kỳ thi THPT quốc gia qua các năm thì năm 2017 được đánh giá là dễ, đến năm 2018 thì đề được cho là khó. Cái dễ và khó đều không thuận.
Sẽ khôi phục được dữ liệu bài thi gốc ở Sơn La
Xung quanh sai phạm trong chấm thi ở tỉnh Sơn La, báo chí đặt vấn đề trong trường hợp không thể khôi phục lại dữ liệu bài thi gốc và đưa điểm thi về điểm thực thì Bộ GD-ĐT sẽ xử lý như thế nào trong việc xét công nhận tốt nghiệp và xét tuyển sinh ĐH, CĐ của những thí sinh này? Ông Nguyễn Hữu Độ, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, cho biết: "Các cơ quan liên quan đã vào cuộc rất quyết liệt ở Sơn La, việc tìm lại dữ liệu bài thi gốc đang được sử dụng những công nghệ rất hiện đại, và tôi tin sẽ khôi phục được dữ liệu bài thi gốc".

Việc xử lý với điểm thi của thí sinh ở Sơn La như thế nào sẽ căn cứ vào kết quả điều tra của cơ quan chức năng. Bộ GD-ĐT đã chuẩn bị các phương án nhưng phải chờ sau khi có kết luận điều tra của cơ quan chức năng thì Bộ mới đưa ra kết luận về xử lý với kết quả thi của thí sinh trên cơ sở đảm bảo công bằng nhất cho các học sinh.
Cũng liên quan đến vụ việc ở Sơn La, trả lời báo chí về việc thông tin dữ liệu bài thi bị Phó giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Sơn La Trần Xuân Yến mang đi đốt, ông Độ khẳng định: "Đĩa bị đốt thì nghĩa là dữ liệu để in được ra đĩa vẫn còn lưu trong máy quét và việc khôi phục lại dữ liệu sẽ được tiến hành trên máy quét chứ không phải làm trên đĩa nữa. Do vậy, chúng tôi hy vọng sẽ tìm lại được dữ liệu gốc bài thi của thí sinh. Tuy nhiên, mọi việc vẫn phải chờ kết luận của cơ quan điều tra".
Ông Bùi Văn Nam, Thứ trưởng Bộ Công an, trả lời câu hỏi của báo chí về động cơ, trách nhiệm của những người có hành vi sai phạm ở Sơn La. Ông Nam nói: “Ngay từ đầu khi phát hiện dấu hiệu sai phạm, Bộ GD-ĐT đã phối hợp Bộ Công an vào cuộc rất kịp thời. Sau khi phát hiện có dấu hiệu hình sự, công an đã khởi tố vụ án và ngày 31.7 đã khởi tố 5 bị can. Đến thời điểm này, cơ quan điều tra của Bộ Công an đang quyết liệt cùng các cơ quan chức năng làm rõ hành vi cũng như động cơ vi phạm các bị can. Quá trình làm rõ những hành vi vi phạm pháp luật đó thì cần có thời gian. Có thể khẳng định chúng tôi sẽ cùng với Bộ GD-ĐT làm khẩn trương, đúng pháp luật. Những ai vi phạm đến đâu sẽ xử lý đến đó. Dư luận có thể yên tâm, tin tưởng vào Bộ GD-ĐT và Bộ Công an”.
Liên quan đến yêu cầu tự rà soát toàn bộ quy trình coi thi, chấm thi của các địa phương, ông Độ thông tin: Đến thời điểm này, các địa phương đã có báo cáo về Bộ. Quan điểm của Bộ là xử lý nghiêm tất cả các trường hợp vi phạm, không có bất cứ vùng cấm nào.
Sẽ hoàn thiện phần mềm chấm thi để không thể tiêu cực
Tại cuộc họp báo, ông Nguyễn Hữu Độ, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, cho biết thêm: Ngay từ bây giờ, để chuẩn bị cho kỳ thi năm sau, Bộ sẽ rà soát toàn bộ quy trình thi THPT quốc gia, từ coi thi đến chấm thi; nâng cao năng lực, trách nhiệm, đạo đức của cán bộ tham gia và các khâu của kỳ thi. “Quy trình có đúng nhưng con người cố tình làm sai thì cũng rất khó khăn. Do vậy, sẽ phải chọn lọc những người tham gia vào các khâu của kỳ thi có đủ năng lực, đạo đức. Ngoài ra, sẽ hoàn thiện phần mềm chấm thi để những người muốn thực hiện hành vi sai phạm cũng không thực hiện được”, ông Độ nói.
Về chấm thi, theo ông Độ, Bộ đang tính toán và dự kiến từ năm sau, việc chấm trắc nghiệm bài thi THPT quốc gia có thể sẽ được tiến hành chấm theo cụm, chấm tập trung để các tỉnh, thành không chấm bài thi của chính học sinh của mình.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.