Trong khi thông điệp không thả bóng bay ngày khai giảng năm học mới đang lan tỏa ở khắp các trường học trên cả nước, thì việc kêu gọi hạn chế sử dụng bọc vở ni lông để bao sách vở cũng đang được các bạn học sinh, phụ huynh hưởng ứng nhiệt tình.
Đủ kiểu sáng tạo bọc sách vở bằng giấy
Trước ngày nhập học khoảng 1 tuần, khi thông điệp “nói không với ni lông và nhựa” được truyền đi mạnh mẽ, bé Nguyễn Hà Châu Giang (học sinh lớp 2/2, Trường tiểu học Hùng Vương, Đà Nẵng) quyết định chọn cách rất riêng để “làm đẹp” cho những cuốn sách, vở của mình. Châu Giang cho biết em đã tận dụng các bản vẽ thiết kế đã qua sử dụng của bố trên khổ giấy A3 để lật mặt còn lại bao vở và sách. Chưa hết, cô bé còn mặc sức “thiết kế” cho những chiếc “áo trắng” mới tinh ấy những bức tranh dễ thương. Khi phân biệt vở theo nhóm màu, vở đỏ thì bé vẽ cái khuôn trang trí màu đỏ, vở vàng thì bé vé con gấu thật to màu vàng rực...
|
Chị Kim Thê, mẹ của bé Châu Giang, cho biết từ ý tưởng đến cách thể hiện đều theo ý của bé. “Tôi chỉ khuyến khích để bé được làm điều bé thích. Những bọc vở sáng tạo và dễ thương sẽ giúp cho ngày nhập học của bé thêm ý nghĩa”, chị Kim Thê nói.
Một bạn học sinh khác của Trường tiểu học Lê Lai (Đà Nẵng) là Nguyễn Lê Bảo Châu (học lớp 2/4) đã thực sự gây chú ý bởi bộ sách, vở rất “chất” của mình cho năm học mới. Cô bé đã cùng bố mẹ mình bao toàn bộ sách vở bằng giấy trắng A3. Khi bao xong, bé lại vẽ những nét ngộ nghĩnh tương tự bìa sách và mặc sức tô các màu sắc mà mình thích. Bộ sách vở của Bảo Châu thực sự khiến mọi người nhìn thấy thích thú vì sự sáng tạo của bé dành cho sách vở trong năm học mới.
|
Hay nhiều bạn nhỏ khác chia sẻ ý tưởng được “lên hình” trên giấy bao và nhãn dán. Thế là các bạn được phụ huynh “hỗ trợ” bằng cách in hình các bạn ấy thật xinh đẹp trên khổ giấy trắng để mặc sức tô màu, sau đó lại dùng chính những trang giấy đó bao bọc sách vở. Nguyễn Thảo Linh (học sinh lớp 5, Đà Nẵng) tự tin cho biết “sẽ không bao giờ nhầm vở mình với các bạn”.
Hay sử dụng giấy cũ dùng để bao vở, sách thay thế cho bao ni lông, nhiều phụ huynh cùng con trở về với ký ức những mùa tựu trường của nhiều thập niên trước. Những tờ báo, tạp chí cũ, những tờ giấy lịch mỏng được xếp, cắt vừa khổ với sách, vở và bao bọc lại thanh bìa. Có phụ huynh còn chọn cho con mình những bài báo hay trên tạp chí của thanh thiếu niên, nhi đồng dùng để “thiết kế” những chiếc bìa ấn tượng.
“Mỗi cuốn sách, quyển vở mang theo một câu chuyện hay, một thông điệp sống đẹp, hợp với sở thích, lứa tuổi của các bạn học sinh. Sự khác biệt luôn tạo hứng thú và hấp dẫn”, anh Trần Tuấn (Đà Nẵng) chia sẻ cảm xúc khi cùng con tạo nên những chiếc bìa vở của “ký ức”…
Đừng ngại thay đổi nếu điều đó tích cực
“Sẽ có không ít phụ huynh, thậm chí giáo viên cho rằng, mỗi học sinh chỉ dùng tầm 30 cái bọc ni lông cho 1 năm học, nếu giảm thì cũng không nhiều. Tuy nhiên, cái chúng tôi hướng đến chính là ý thức của học sinh. Mỗi ngày cầm trên tay sách vở bao bằng giấy báo, tạp chí, giấy hai mặt và tái sử dụng… các em sẽ ý thức hơn trong việc hạn chế rác thải. Nên đừng ngại thay đổi, dù nhỏ, nếu điều đó thực sự đúng, thực sự tích cực”, Cô Trần Thị Tường Vi, Hiệu trưởng Trường tiểu học Lê Lai (Đà Nẵng) chia sẻ. Trường tiểu học Lê Lai cũng là ngôi trường tích cực vận động 100% học sinh “nói không với bọc vở ni lông” trong năm học mới.
Một cô giáo ở Đà Nẵng, phân tích, nếu mỗi học sinh hạn chế 30 bọc vở ni lông, thì 10.000 em học sinh Đà Nẵng đã có thể hạn chế được 300.000 bọc ni lông. Cứ tỷ lệ này nhân lên với số học sinh toàn thành phố và cả nước sẽ rất đang kể. Chưa dừng lại ở đó, cái được lớn cả vẫn là bài học về ý thức môi trường dành cho các bạn nhỏ, từ những việc nhỏ nhất. Không chỉ từ một hoạt động nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, những cuốn vở, sách dành cho năm học mới còn là cơ hội để các bạn học sinh thỏa sức sáng tạo, nuôi dưỡng tâm hồn bay bổng.
Cũng có nhiều phụ huynh thậm chí cả giáo viên cân nhắc có nên sử dụng giấy và vẽ như vậy không vì giấy sẽ mau hỏng, không bền bằng ni lông… Tuy nhiên, ngay lập tức cũng có rất nhiều phụ huynh khác cho rằng “rách, cũ sẽ tha hồ vẽ, sáng tạo cái khác”, “năng lực làm mới của các bạn học sinh là vô tận”, “bao bằng giấy không chỉ hạn chế ni lông mà cũng là cơ hội để học sinh học cách bảo quản sách vở của mình, tự trang bị kỹ năng bao bọc sách vở”…
“Các con đã biết dùng trí tuệ và sự sáng tạo của mình cho sách vở, các con sẽ nâng niu, giữ gìn hơn bởi chúng chứa đựng tình yêu của các con cho môn học, cho cả bản thân mình. Vì vậy đừng ngại thay đổi nếu điều đó đúng...”, cô Trần Thị Kim Hạnh, Phó hiệu trưởng Trường tiểu học Hùng Vương (Đà Nẵng) bày tỏ tâm huyết của mình trước những hành động đáng yêu của các bạn học sinh trong năm học mới.
Bình luận (0)