Sau công bố môn thi thứ tư, Hà Nội nở rộ các 'lò' luyện thi cấp tốc

11/03/2019 18:59 GMT+7

Chỉ vài giờ sau khi Sở GD-ĐT Hà Nội công bố môn thi thứ tư vào lớp 10 THPT là môn lịch sử, trưa 11.3, hàng loạt các trung tâm học thêm đã khai giảng các lớp ôn thi cấp tốc môn này.

Luyện thi cấp tốc “hot” bởi có giáo viên trường chuyên

Vài giờ sau khi môn thi thứ tư được công bố, Trung tâm Đ.T tại phố Đỗ Quang (Hà Nội) thông báo mở lớp luyện thi cấp tốc môn lịch sử với lời quảng cáo hấp dẫn: Lớp học do thầy K.D.D, giáo viên đang giảng dạy tại trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam đứng lớp. “Số lượng có hạn, thời gian gấp rút, quý phụ huynh hãy nhanh tay đăng ký…”.
Khi phóng viên Thanh Niên gọi đến trung tâm này với tư cách một phụ huynh tìm lớp học cho con thì được nhân viên ở đây cho biết, lớp học sẽ khai giảng ngay trong tuần này với thời gian học mỗi buổi 2 tiếng, mức học phí là 200.000 đồng/học sinh/buổi. Khoá học sẽ kéo dài 10 buổi/10 tuần, giúp học sinh hệ thống hoá lại kiến thức và làm quen với đề thi minh hoạ…
Một lớp học luyện thi cấp tốc môn lịch sử khác cũng của giáo viên tên T.T.H được quảng cáo là đến từ Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam, với thông tin lớp sẽ khai giảng vào ngày 20.3. Lớp sẽ cung cấp cho học sinh “phương pháp ôn tập hiệu quả, dễ nhớ”,… mức học phí cũng là 200.000 đồng/học sinh/buổi.
Cùng với các lớp luyện thi cấp tốc, các sách ôn tập môn thi thứ tư vào lớp 10 là môn lịch sử cũng được quảng cáo rất rầm rộ với mức giá từ khoảng 30.000 - 45.000 đồng/cuốn…
Đại diện của Hệ thống giáo dục H.M cho biết, ngay từ khi Sở GD-ĐT Hà Nội công bố phương thức mới trong tuyển sinh vào lớp 10 với 4 môn thi, đặc biệt môn thi thứ tư được lựa chọn ngẫu nhiên trong số các môn môn vật lý, hóa học, sinh học, lịch sử, địa lý, giáo dục công dân, thì Hệ thống giáo dục H.M đã tổ chức hàng loạt các khoá học online cho tất cả các môn học. Các khoá học này thu hút rất đông học sinh tham gia vì tâm lý chung của học sinh và phụ huynh có con thi vào lớp 10 năm nay là sẽ phải học đều các môn.
Tuy nhiên, cũng theo vị này, sau khi Sở GD-ĐT Hà Nội công bố môn thi thứ 4 vào lớp 10 sớm hơn dự kiến (dự kiến là cuối tháng 3 - phóng viên) thì Hệ thống giáo dục H.M sẽ yêu cầu giáo viên tổ lịch sử lên kế hoạch và đưa ra những hướng dẫn cụ thể cho học sinh để việc ôn thi môn này hiệu quả.
“Chúng tôi không mở những lớp luyện thi cấp tốc nhưng sẽ có những biện pháp tăng tốc trên cơ sở những lớp học nền tàng từ đầu năm học đến nay”, vị này nói.
Nhiều giáo viên và trung tâm luyện thi đều cho rằng, từ tháng 4 sẽ là giai đoạn tập trung cho học sinh luyện đề. Dựa theo đề minh hoạ đã được Sở GD-ĐT công bố, giáo viên sẽ làm các dạng đề tương tự để học sinh ôn luyện theo đúng cấu trúc đề của Sở. 

Học như thế nào để đạt điểm cao?

Nhiều phụ huynh bày tỏ hoang mang khi cho rằng con mình rất khó học thuộc lòng, trong khi đây là đặc thù của môn lịch sử hiện nay.
Tiến sĩ Lê Thị Thu Hương, giáo viên môn lịch sử tại Hệ thống H.M, chia sẻ: Các em phải hiểu bài và nhớ những mốc thời gian chính, cốt lõi của từng sự kiện. Tránh tình trạng học lan man sẽ dễ bị “loạn”, khi mà khối lượng kiến thức môn học nhiều.
Theo đó, nên có kế hoạch học tập cụ thể với môn học này bằng cách hệ thống các chuyên đề, các phần để rạch ròi về kiến thức trong quá trình học, tránh bị nhầm lẫn, tăng cường làm bài tập trắc nghiệm qua các tài liệu tham khảo, cố gắng hiểu bài ngay tại lớp.
Bà Hương cũng nhắn nhủ học sinh cũng không nên quá lo lắng vì kiến thức thi cuối năm vẫn chỉ là kiến thức cơ bản trong chương trình sách giáo khoa lớp 9, nếu học nghiêm túc từ giờ, vẫn hoàn toàn có kết quả bài thi cao như mong muốn.
Ông Phạm Quốc Toản, Trưởng phòng Quản lý thi và Kiểm định chất lượng (Sở GD-ĐT Hà Nội), khẳng định: Về yêu cầu kiến thức, kỹ năng đối với đề môn thi thứ tư thuộc chương trình THCS, hầu hết ở cấp độ nhận biết, thông hiểu, chỉ có số ít thuộc vận dụng cấp độ thấp; tức là đúng theo chuẩn kiến thức, kỹ năng trong sách giáo khoa bộ môn do bộ quy định.
“Những yêu cầu với đề môn thi thứ tư chỉ tương đương như bài kiểm tra 45 phút hoặc thi học kỳ trên lớp của các học sinh. Đó là những nội dung học được kiểm tra diễn ra hằng ngày, rất quen thuộc, không hề dàn trải, áp lực, học sinh không cần phải luyện thi cấp tốc mới làm tốt bài”, ông Toản cam kết.

Đề minh hoạ vẫn còn yêu cầu ghi nhớ máy móc

Tiến sĩ Lê Thị Thu Hương, giáo viên môn lịch sử tại Hệ thống H.M, nhận định đề minh họa môn lịch sử mà Sở GD-ĐT Hà Nội công bố đã bám sát nội dung chương trình lớp 9, phổ rộng trong toàn bộ chương trình học. Cấu trúc đề từ nhận biết, thông hiểu, vận dụng, không có câu hỏi vận dụng cao, trong đó chủ yếu là nhận biết, thông hiểu, không có câu hỏi vận dụng cao.
Bà Hương cho rằng, với hình thức thi trắc nghiệm sẽ không gây áp lực lớn đối với học sinh cuối cấp, nếu như các em có kế hoạch học tập nghiêm túc và bài bản ngay từ học kỳ 1. 
Tuy nhiên, theo bà Hương, đề thi vẫn còn yêu cầu học sinh ghi nhớ những mốc thời gian quan trọng và những nhân vật lịch sử nổi bật của từng thời kỳ. Chưa hoàn toàn thoát khỏi "cái bóng" của cách ra đề truyền thống - lịch sử gắn với thời gian và sự kiện.
Do vậy, bà Hương đề nghị đề thi chính thức của môn thi thứ tư này cần tránh hỏi tên nhân vật lịch sử; cách hỏi với học sinh lớp 9 nên có cách hỏi khác với học sinh lớp 12…
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.