'Sửa điểm hàng trăm em thì không đơn giản là một vài cán bộ địa phương'

08/05/2019 16:16 GMT+7

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội Phan Thanh Bình, cần “đánh giá đúng hiện tượng sai phạm” trong vụ việc gian lận thi cử vừa qua .

Xử lý nghiêm hành vi vi phạm, tiếp tay của quan chức

Trình bày báo cáo thẩm tra về kinh tế - xã hội các tháng cuối năm 2018, đầu năm 2019 tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội thứ 33 sáng 8.5, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh đánh giá, hoạt động giáo dục, đào tạo đã đạt được một số kết quả nhất định nhưng còn tồn một số vấn đề chưa được giải quyết triệt để.
Chẳng hạn như chất lượng đào tạo nguồn nhân lực thấp, cơ cấu nhân lực chưa hợp lý, chưa đáp ứng yêu cầu của xã hội; chưa có cơ chế khuyến khích, thiếu sự phối hợp giữa cơ sở đào tạo và tổ chức khoa học công nghệ, viện nghiên cứu; quy mô giáo dục ngoài công lập còn nhỏ…
Bên cạnh đó, ông Thanh cho rằng, hoạt động thi, kiểm tra, đánh giá chất lượng giáo dục còn hạn chế, đặc biệt là công tác tổ chức thi trung học phổ thông quốc gia để xảy ra vi phạm nghiêm trọng trong khâu chấm thi tại Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình.
“Đề nghị phân tích rõ nguyên nhân, hậu quả, biện pháp khắc phục; xác định rõ trách nhiệm và bài học trong công tác quản lý”, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế nhấn mạnh.
Tiếp đó, đề cập giải pháp trong thời gian tới, ông Thanh kiến nghị, cơ quan chức năng phải “xác định rõ các trường hợp sai phạm trong công tác tổ chức thi trung học phổ thông quốc gia năm 2018, xử lý nghiêm theo quy định pháp luật, nhất là sự tiếp tay, vi phạm của công chức, cán bộ trong ngành giáo dục hoặc giữ chức vụ quản lý ở địa phương”.

Chỉ là hiện tượng hay có vấn đề gì phía sau ?

Phát biểu sau đó, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội Phan Thanh Bình đề nghị cần “đánh giá đúng hiện tượng sai phạm” trong vụ việc gian lận thi cử vừa qua.
“Đây là hiện tượng hay còn có vấn đề gì sau lưng?”, ông Bình đặt vấn đề và nhấn mạnh: “Tôi nói thật, khi đặt ra vấn đề sai phạm trong thi cử thì tôi không nghĩ đây là vấn đề đơn giản của một số cán bộ quản lý ở một vài địa phương khi lên đến hàng trăm em được sửa điểm”. Ông Bình cho rằng, cần phải nghiêm túc nhìn nhận và phải ngăn chặn ngay vì đây là nhận thức coi thường hệ thống thi cử của cán bộ quản lý giáo dục và cả cán bộ quản lý ở các địa phương.
Trước đó, vụ việc gian lận thi cử tại kỳ thi trung học phổ thông quốc gia 2018 tại một số địa phương đang khiến dư luận đặc biệt bức xúc nhất là khi những thí sinh được xác định đã được nâng điểm có phụ huynh là lãnh đạo các địa phương này.
Cho tới thời điểm hiện tại, đã phát hiện 222 thí sinh được nâng điểm tại 3 tỉnh Hòa Bình, Sơn La và Hà Giang, trong đó nhiều trường hợp đã trúng tuyển, đỗ thủ khoa các trường đại học.
Tới thời điểm này, cơ quan chức năng đã khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can đối với 19 đối tượng về các tội danh khác nhau liên quan tới vụ gian lận thi cử tại 3 tỉnh, thành nói trên, trong đó Sơn La có 8 người, Hòa Bình 6 người và Hà Giang 5 người, hầu hết là các cán bộ công tác trong ngành giáo dục và công an, được giao nhiệm vụ tổ chức thi và chấm thi.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.