Buồn, vui ở phòng y tế học đường

02/10/2020 15:25 GMT+7

Không chỉ tất bật với các khâu theo dõi sức khỏe học sinh trong năm với những chương trình như phòng chống dịch Covid-19 , ngộ độc thực phẩm…, mỗi ngày làm việc của nhân viên y tế học đường rất bận rộn với nhiều trẻ nhỏ.

 

Đói bụng, sứt da tay... đều tới gặp cô y tế

Chúng tôi có mặt ở Trường tiểu học Bông Sao, P.5, Q.8, TP.HCM và chỉ trong nửa tiếng, cô Võ Bích Nga, nhân viên y tế, liên tục được gọi tên nhờ hỗ trợ. “Cô ơi con bị sứt tay” một cô trò nhỏ đưa ngón tay lên đưa cô Nga xem. Lát sau, một cô bé lớp 2 phụng phịu “không hiểu sao bụng con kêu rột rột”, cô Nga kiểm tra rồi mang cho bé ly sữa nóng, chiếc bánh ngọt. Ăn hết, em khỏe re, chạy lên lớp học. Chưa đầy 5 phút sau, một cậu bé khóc mếu ôm một bên má sưng tấy đỏ mách “bạn kia vung tay vào mặt con”. Lúc nữa, một bé lớp 2 khác thì được cô giáo chủ nhiệm tất tả dắt xuống phòng y tế vì ngã, phía đuôi mắt trầy da.

Học sinh, phụ huynh mong gì y tế học đường ?

Đoàn Nguyễn Duy Khang, học sinh lớp 11 Trường THPT Tạ Quang Bửu, Q.8, TP.HCM, chia sẻ nhân viên y tế học đường rất cần thiết, có thể hỗ trợ, sơ cứu ban đầu giúp học sinh. Trong khi đó, Thúy Uyên, học sinh lớp 11 tại một trường THPT Q.8, cho biết bên cạnh phòng y tế, trường em cũng có nhân viên tư vấn tâm lý học đường. Tuy nhiên, em và các bạn còn dè dặt tới.
“Em cũng mong nhân viên y tế hay tâm lý học đường tôn trọng những bí mật riêng tư của học trò. Các em rất tin tưởng thầy cô và kể cho họ nghe những vấn đề đó, nếu câu chuyện có bên khác nghe được, các em sẽ cảm thấy tổn thương và thấy như mình bị phản bội”, Thúy Uyên chia sẻ.
Anh Nguyễn Hoàng Quỳnh, 47 tuổi, phụ huynh có con học lớp 10 Trường THPT Lương Văn Can, Q.8, chia sẻ anh rất đề cao vai trò của nhân viên y tế học đường. “Các thầy cô giúp phụ huynh yên tâm hơn, nếu con có vấn đề gì sức khỏe, cần người có chuyên môn xử lý bước đầu. Tôi biết nhiều nhân viên y tế trong trường học làm việc hợp đồng với mức lương khá thấp, họ có thể có lương tốt hơn nếu đi làm tại các phòng khám bên ngoài, nên làm sao đó để họ có thể sống tốt với nghề để hỗ trợ cho học sinh tốt nhất”.
“Các em nhỏ, nhất là các bạn lớp 1 hay thắc mắc cô lắm, sứt chút ở ngón tay hay đói bụng cũng tìm cô y tế. Tôi hay mua xôi, bánh cho các em ăn. Nhưng mà hôm nào nhiều em đói quá, mình không mua xuể, phải nhờ căn tin nhà trường giúp”, cô Nga kể vui.
Từ đầu năm học, cô Nga đã lên hết kế hoạch trọng điểm các tháng, lên lịch khám sức khỏe tổng quát, xét nghiệm nước uống, kiểm tra bếp ăn phòng chống ngộ độc thực phẩm... Mỗi tuần, vào các tiết sinh hoạt dưới cờ, cô có khoảng 10 phút phổ biến kiến thức y tế học đường cho các em như cách chống dịch bệnh sốt xuất huyết, dịch bạch hầu, Covid-19, tay chân miệng…
Trước tình trạng nhiều trẻ thừa cân, cận thị học đường, nhân viên y tế như cô Nga trao đổi với phụ huynh để tăng cường tham gia thể thao, giảm thời gian tiếp xúc với thiết bị điện tử. Hay như hiện nay nhiều học trò dậy thì rất sớm, có thể có kinh nguyệt từ năm lớp 4 hoặc lớp 5. Vậy là phòng y tế cũng là nơi để trò nhỏ to hỏi cô, hoặc để xin… băng vệ sinh những ngày "đèn đỏ" chợt tới.

Nhân viên y tế vá quần áo cho học trò

Mới đây, cô Bùi Thị Liên, nhân viên y tế Trường THPT Bình Chánh, H.Bình Chánh, được nhà trường cử đi học thêm chứng chỉ về tâm lý học đường. Nhưng từ trước đến nay, cô thường được trò gọi là “má Liên”, bởi không chỉ lo chăm sóc sức khỏe, mọi vấn đề tâm tư tình cảm, buồn phiền chuyện học cũng được trò tâm tình với “má”.

Cô Liên, nhân viên chăm sóc sức khỏe cho các em ở trường

Thùy Liên

Mỗi ngày làm việc 8 tiếng, công việc quen thuộc nhất của cô Liên là sơ cứu, chăm sóc ban đầu cho những em bị đau đầu, chóng mặt, hắt hơi sổ mũi hay bị té ngã, chảy máu vì đường trơn trượt hay va chạm trên sân bóng… Trong những trường hợp trò bị nặng, cô phải liên hệ xe cấp cứu để đưa các em tới bệnh viện nhanh nhất. Trong phòng y tế được sắp xếp gọn gàng, ngoài những dụng cụ y tế, thuốc men cần thiết, cô Liên còn chuẩn bị mấy bịch cháo ăn liền, bánh mì ngọt, sữa và ít kim chỉ, cúc áo quần để lỡ trò nào có hiếu động quá thì cũng kịp thời xử lý. “Hôm trước có một trò nam, chạy nhảy kiểu gì tới rách đũng quần, cứ cảm ơn mãi là may có má Liên ra tay khâu vá giúp”, cô Liên kể.
Thân thiện, cởi mở, coi trò là bạn của mình, cô Liên sẵn sàng lắng nghe mọi vui buồn của các học sinh, từ chuyện học hành căng thẳng, giận dỗi mẹ, “cảm nắng” ai đó tới cách phòng tránh thai, quan hệ tình dục an toàn... Cô Liên chia sẻ nhiều em học sinh rất tội nghiệp vì cha mẹ đi làm tới khuya muộn mới về, khi con vừa nói chuyện có khi gắt gỏng, la mắng và nói con hư hỏng. Nhưng thực sự, các em cần được lắng nghe nhiều hơn, chia sẻ nhiều hơn. Cô cũng chia sẻ với các trò, nên thông cảm cho mẹ cha, nhiều khi chỉ cần một cái ôm của con thôi có thể xua tan đi bao nhiêu mệt mỏi, gian truân của cha, của mẹ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.