Phòng ngừa bệnh bạch hầu cho học sinh

09/07/2020 09:49 GMT+7

Bạch hầu là bệnh truyền nhiễm, nếu phát hiện học sinh nào bị đau họng, chảy nước mũi có máu thì giáo viên nên tách các em ra, sau đó báo gia đình đón, đưa đi khám.

Bạch hầu được xếp vào bệnh truyền nhiễm nhóm B trong thang đánh giá mức độ nguy hiểm của nhóm bệnh truyền nhiễm, tức là những bệnh nguy hiểm có khả năng lây nhiễm cao trong cộng đồng.

Đau họng, trong họng xuất hiện màng màu trắng

Bác sĩ Nguyễn Trần Nam, Trưởng khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi đồng thành phố (TP.HCM), cho biết: “Khi nhiễm bệnh, họng của người bệnh sẽ xuất hiện giả mạc màu trắng, giả mạc này sau đó lan dần và bít mất đường thở khiến bệnh nhân tử vong. Ngoài ra, vi trùng bạch hầu khi còn sống sẽ tiết ra một loại độc tố gây tổn thương tế bào cơ tim, khiến tim bị tổn thương dẫn đến tử vong”.

Những ai ở Tây Nguyên được tiêm phòng bạch hầu?

Theo bác sĩ Nguyễn Trần Nam, hơn 30 năm trước, Việt Nam đã áp dụng chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia cho trẻ, nên tỷ lệ người được tiêm chủng vắc xin bạch hầu cao, vì vậy khả năng tự bảo vệ đối với bệnh này trong cộng đồng rất tốt. Hiện tại bệnh bạch hầu không có nhiều, chỉ xuất hiện ở một vài nơi như Gia Lai, Kon Tum, Bình Phước…
“Triệu chứng bệnh bạch hầu cũng gần giống các bệnh về đường hô hấp khác nên người dân không phát hiện được. Nó không lây lan rộng như Covid-19 để người dân có thể phát hiện, người bị bệnh này thường có các biểu hiện như: đau họng, khàn tiếng, ra nước mũi có máu, trong họng xuất hiện màng màu trắng… Nhưng việc xác định có mắc bạch hầu hay không phải khám, xét nghiệm mới biết được. Chứ không phải có những triệu chứng này thì người bệnh tự nhận mình mắc bạch hầu”, bác sĩ Nam nói thêm.

Dịch bạch hầu diễn biến phức tạp, TP.HCM mời gọi trẻ em tiêm chủng

Tiêm vắc xin và phòng bệnh thế nào cho hiệu quả

Về cơ chế lây bệnh, bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - Nội thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1, cho biết bạch hầu thuộc nhóm bệnh hô hấp, khi người bệnh ho, hắt hơi sẽ phát tán vi khuẩn ra môi trường. Người khác hít phải vi khuẩn nếu không có miễn dịch sẽ lây bệnh.
Để phòng bệnh, trước tiên cha mẹ phải cho trẻ chích ngừa đầy đủ các mũi vắc xin theo đúng thời gian, đội tuổi. Phụ huynh cũng nên kiểm tra con mình đã tiêm mũi nhắc lại đủ chưa để tiêm bổ sung.

Gia Lai liên tiếp phát hiện ca dương tính với bệnh bạch hầu

Trẻ em có 4 mũi chích ngừa cơ bản lúc 2 tháng, 3 tháng, 4 tháng và 18 tháng. Sau đó, với trẻ trước 10 tuổi thì 5 năm chích nhắc lại một lần, còn sau 10 tuổi trở đi chích nhắc 10 năm một lần. Vắc xin bạch hầu thường được tiêm kết hợp với các vắc xin phòng bệnh khác như uốn ván, ho gà, bại liệt…
“Những trẻ trước đó chưa chích lần nào, kể cả người lớn cũng có thể chích vắc xin bạch hầu để phòng bệnh. Bệnh này nếu phát hiện sớm thì rất dễ chữa, còn nếu để bệnh biến chứng vào tim thì dễ dẫn đến tử vong. Do vậy, với những trẻ có biểu hiện về bệnh hô hấp, hay bất kỳ bệnh nào khác thì người lớn nên đưa các em đi thăm khám, không nên tự ý mua thuốc chữa bệnh”, bác sĩ Khanh nói.

Bệnh bạch hầu là gì và nguy hiểm như thế nào?

Với môi trường học đường, theo bác sĩ Trương Hữu Khanh hiện học sinh sắp bước vào giai đoạn nghỉ hè nên có thể hạn chế được khả năng lây lan. Ngoài ra, ở trường mầm non ít khi bị bệnh này vì các em đã được chích ngừa đầy đủ. Ngược lại bệnh thường gặp ở những trẻ lớn hơn, những em đã qua lứa tuổi chích nhắc lại.
Bệnh thường xuất hiện vào mùa mưa, khu vực ẩm thấp, đông người ở chung. Trong môi trường trường học, nếu xuất hiện em nào bị đau họng, chảy nước mũi có máu thì giáo viên nên tách các em ra, sau đó báo gia đình đón về và đưa đi khám bệnh.
Ngoài ra, để phòng bệnh bạch hầu, người lớn nên thường xuyên nhắc nhở, tuyên truyền trẻ bảo vệ sức khỏe của mình bằng cách chích ngừa đầy đủ các mũi vắc xin phòng bệnh, giữ gìn vệ sinh, rửa tay chân sạch sẽ, ăn uống khoa học…

Gia tăng người mắc bệnh bạch hầu ở Kon Tum, học sinh ở xã Ya Xiar nghỉ học

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.