Tập dượt cho kỳ thi THPT quốc gia

12/11/2016 08:01 GMT+7

Những thay đổi về hình thức, môn thi trong kỳ thi THPT quốc gia 2017 khiến các địa phương phải tận dụng mọi cách để giúp học sinh làm quen trong thời gian sớm nhất.

Kiểm tra học kỳ 1 như thi quốc gia
Sở GD-ĐT Hà Nội mới có văn bản hướng dẫn kiểm tra học kỳ 1 lớp 12 áp dụng với tất cả các trường THPT và trung tâm GDTX trên địa bàn thành phố. Về mặt hình thức, kỳ kiểm tra này giống hoàn toàn cách thức tổ chức thi THPT quốc gia năm 2017 của Bộ GD-ĐT, như: tổ chức kiểm tra 5 bài, trong đó có 3 bài độc lập (toán, ngữ văn, tiếng Anh), 2 bài tổ hợp là khoa học tự nhiên và khoa học xã hội. 4/5 bài kiểm tra theo hình thức trắc nghiệm; mỗi học sinh (HS) trong cùng phòng có một mã đề kiểm tra riêng, làm bài trên phiếu trả lời trắc nghiệm… Mỗi HS trường THPT dự kiểm tra 4 bài, trong đó có 3 bài kiểm tra bắt buộc và 1 bài kiểm tra tự chọn; mỗi học viên GDTX phải kiểm tra 3 bài, trong đó có 2 bài bắt buộc.


Trong tháng 11 này, Sở GD-ĐT sẽ tổ chức khảo sát chất lượng HS lớp 12 theo dạng thức bài thi THPT quốc gia 2017. Mục đích việc khảo sát nhằm đánh giá chất lượng dạy học; giúp HS làm quen với bài thi có dạng thức tương tự bài thi THPT quốc gia

Ông Nguyễn Văn Phê, Giám đốc Sở GD-ĐT Hưng Yên


Sở GD-ĐT Hà Nội cũng yêu cầu việc tổ chức coi, chấm kiểm tra phải đảm bảo theo đúng quy chế thi THPT quốc gia của Bộ. Sở GD-ĐT ra đề kiểm tra theo nội dung chương trình quy định, bám sát cấu trúc, mức độ đề thi của kỳ thi THPT quốc gia, phạm vi kiến thức theo kế hoạch dạy học đến hết ngày 10.12.2016. Bài kiểm tra môn văn được rọc phách, các bài kiểm tra trắc nghiệm được chấm tập trung theo đơn vị cụm trường THPT.
Ông Chử Xuân Dũng, Phó giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội, còn cho biết Sở sẽ thành lập các đoàn kiểm tra thực hiện việc sao in đề kiểm tra, coi, chấm kiểm tra tại các cụm trường, tổ chức chấm kiểm tra xác suất các bài đã chấm của tất cả các cụm trường. Đây là cách tập dượt để các nhà trường và HS làm quen với cách thức thi THPT năm 2017. Kinh phí cho đợt kiểm tra này sẽ lấy từ ngân sách, các trường tuyệt đối không được thu tiền của HS.
Ông Nguyễn Văn Phê, Giám đốc Sở GD-ĐT Hưng Yên, cho biết: “Trong tháng 11 này, Sở GD-ĐT sẽ tổ chức khảo sát chất lượng HS lớp 12 theo dạng thức bài thi THPT quốc gia 2017. Mục đích việc khảo sát nhằm đánh giá chất lượng dạy học; giúp HS làm quen với bài thi có dạng thức tương tự bài thi THPT quốc gia”. Bên cạnh đó, Sở cũng dự kiến sẽ tổ chức một kỳ thi thử THPT quốc gia vào tháng 4.2017, chuẩn bị kỹ năng làm bài thi. Xây dựng thư viện đề thi, câu hỏi thi tự luận và trắc nghiệm khách quan để các trường tham khảo, hỗ trợ đổi mới dạy học và kiểm tra đánh giá HS.

HS miền núi bị đề nghị mua tài liệu ôn thi

Một số phụ huynh tỉnh miền núi Lai Châu phản ánh, Sở GD-ĐT tỉnh này có văn bản gửi đến các trường yêu cầu HS đăng ký mua tài liệu ôn thi. Cụ thể, mỗi HS phải mua 2 cuốn in đề thi minh họa kỳ thi THPT quốc gia năm 2017 (tập 1 và tập 2) với tổng số tiền 76.000 đồng/bộ.


Sở GD-ĐT Vĩnh Phúc có cách làm hơi khác, giao cho các trường THPT chủ động tổ chức kiểm tra học kỳ 1 cho HS lớp 12 nhưng lại chỉ đạo rất cụ thể với khối lớp 10, 11. Cụ thể, Sở GD-ĐT sẽ ra đề và in đề tới từng HS với 9 môn: văn, toán, tiếng Anh, lý, hóa, sinh, sử, địa và giáo dục công dân. Môn văn kiểm tra theo hình thức tự luận, các môn còn lại kiểm tra theo hình thức trắc nghiệm, mỗi môn gồm nhiều đề khác nhau... Việc xếp phòng, coi và chấm bài kiểm tra được áp dụng theo quy chế thi THPT quốc gia hiện hành. Ông Nguyễn Lê Huy, Trưởng phòng Khảo thí Sở GD-ĐT tỉnh này, cho rằng với HS lớp 12 cũng sẽ tổ chức thi thử 1 - 2 lần ngoài kiểm tra học kỳ, để tránh trường hợp hình thức thi quá mới mà sử dụng kết quả đó trong kiểm tra học kỳ sẽ làm ảnh hưởng tới kết quả học lực lớp 12 của HS (kết quả này có trọng số 50% trong xét tốt nghiệp THPT - PV).
Phải cẩn trọng khi ra đề trắc nghiệm
Ông Nguyễn Đức Hiền, Giám đốc Sở GD-ĐT Bắc Giang, cho rằng để tránh các trường quá sa đà vào hình thức thi, đã chỉ đạo kể cả các môn thi trắc nghiệm, các trường cũng cần dạy tốt kiến thức cơ bản trước khi hướng dẫn HS ôn luyện theo hình thức trắc nghiệm. Các tổ chuyên môn của trường xây dựng ngân hàng đề theo ma trận đề minh họa của Bộ nhưng trong các bài kiểm tra định kỳ, phải kết hợp một cách hợp lý giữa đề trắc nghiệm và tự luận.

tin liên quan

Các trường ĐH sẽ xét tuyển tập trung
Theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga, để việc xét tuyển vào các trường ĐH năm 2017 không lặp lại những sai sót của năm nay, Bộ sẽ đề xuất giải pháp xét tuyển tập trung.
 

Cùng quan điểm trên, bà Nguyễn Thị Phương Anh, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai (Hà Nội) cho biết ngoài kỳ kiểm tra học kỳ 1 mà Sở GD-ĐT quy định để tập dượt cho thi THPT, trong các kỳ kiểm tra thường xuyên cũng yêu cầu giáo viên tùy tình hình và áp dụng từ từ hình thức thi trắc nghiệm. “Ví dụ, môn toán cũng chưa áp dụng trắc nghiệm hoàn toàn mà thi tự luận nhưng xé lẻ các câu hỏi ra để tiệm cận dần, không chuyển “ngoắt” sang trắc nghiệm ngay khiến HS hoang mang”, bà Phương Anh giải thích.
Không chỉ với cấp THPT, thông tin phương án thi của năm 2017 còn giữ ổn định và có thể còn áp dụng lâu dài khiến các trường THCS cũng đã bắt đầu cho HS tăng dần hình thức thi trắc nghiệm. Một HS lớp 8 Trường THCS Trưng Vương (Hà Nội) cho biết một số môn năm nay đã kiểm tra bằng hình thức trắc nghiệm tới 70 - 80% và được cô giáo giải thích là đổi mới theo phương án thi của Bộ GD-ĐT.

tin liên quan

Làm đề thi để học sinh không đánh ‘lụi’
Trước thực tế nhiều học sinh đang học mẹo để đối phó với đề thi trắc nghiệm, các giáo viên đưa ra những quy tắc soạn câu hỏi để hạn chế 'chiêu trò' của học sinh.

Sở GD-ĐT Điện Biên cũng đã yêu cầu các trường quan tâm tới các bộ môn lần đầu tiên thi trắc nghiệm, phải tính toán kỹ lưỡng để thay đổi cách dạy theo hướng thi trắc nghiệm, tập huấn, nghiên cứu cách xây dựng, thiết kế đề trắc nghiệm để tránh hoang mang cho HS về hình thức thi mới.
Trao đổi bên lề một cuộc họp với phóng viên Thanh Niên, ông Phan Thanh Bình, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh niên - Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, cũng cho rằng đề thi trắc nghiệm phải ra hết sức kỹ lưỡng. Ví dụ như lịch sử là không được đưa đáp án sai mà chỉ có đáp án gần đúng, đáp án đúng.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.