Thẩm định chứ không xếp hạng sách giáo khoa

13/07/2019 08:53 GMT+7

Xung quanh việc chuẩn bị thẩm định sách giáo khoa lớp 1, ông Thái Văn Tài, quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học, Bộ GD-ĐT, khẳng định nhiệm vụ của các hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa không phải là tuyển lựa và xếp hạng sách giáo khoa mà đánh giá theo các tiêu chí quy định để có kết luận đạt, đạt cần sửa chữa hay không đạt.

 

Hoàn tất thẩm định sách giáo khoa lớp 1 trong năm 2019

Thưa ông, việc thẩm định sách giáo khoa (SGK) lớp 1 sẽ được tiến hành từ thời gian nào và đến khi nào các nhà xuất bản sẽ biết sách của mình đạt hay không đạt về mặt nội dung để lên kế hoạch tiếp theo về in ấn, xuất bản...?
       Ông Thái Văn Tài
Hiện nay, một số nhà xuất bản và nhóm làm sách đã hoàn thành bản thảo SGK lớp 1 theo chương trình giáo dục phổ thông mới, sẵn sàng trình các hội đồng quốc gia thẩm định SGK do Bộ GD-ĐT thành lập. Mọi việc đang được chuẩn bị khẩn trương và cẩn trọng để công tác thẩm định được tiến hành thành công, đúng với lộ trình triển khai SGK lớp 1 từ tháng 9.2020 (năm học 2020 - 2021) được quy định tại Nghị quyết 51/2017/QH14 của Quốc hội.
Theo kế hoạch, việc thẩm định sẽ được hoàn tất trong năm 2019, để các nhà xuất bản và nhóm làm sách kịp triển khai thực nghiệm ở một số địa bàn trên cả nước, nhằm bảo đảm SGK lớp 1 mới phù hợp với thực tế dạy học của nhà trường ở những vùng miền khác nhau và đáp ứng yêu cầu đổi mới nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục. Để thực hiện được kế hoạch trên, Bộ GD-ĐT đang tiến hành các bước thành lập các hội đồng quốc gia thẩm định SGK và các hội đồng này sẽ bắt đầu làm việc trong tháng 7.2019.
Khâu thẩm định SGK có ý nghĩa thế nào trong các hoạt động đổi mới chương trình giáo dục phổ thông?
SGK là một tài liệu giáo dục cụ thể hóa chương trình mới, cần đáp ứng những yêu cầu về chuyên môn và rất nghiêm ngặt về chất lượng. Việc thẩm định SGK sắp tới nhằm bảo đảm tất cả SGK được đưa vào nhà trường đều đạt chuẩn về chất lượng. Vì vậy, đây là một khâu quan trọng của quá trình triển khai thực hiện chương trình mới.
Việc triển khai thực hiện chương trình mới lần này có một số điểm mới cơ bản so với những đổi mới trước đây. Ví dụ, chương trình được xây dựng theo mô hình phát triển năng lực của người học, có tính chất mở, tạo điều kiện để các tác giả SGK, các địa phương và cơ sở giáo dục phát huy sự sáng tạo trong triển khai thực hiện. Nhà nước thực hiện chủ trương một chương trình và một số SGK khác nhau, tạo “sân chơi” có tính cạnh tranh cho các nhà xuất bản và nhóm làm sách, qua đó mang lại cơ hội để các địa phương được lựa chọn những SGK phù hợp nhất với nhu cầu và điều kiện dạy học tại địa phương mình. Những đổi mới đó chắc hẳn sẽ tạo nên sự đa dạng trong cách tiếp cận và giải pháp sư phạm để thực hiện mục tiêu giáo dục được thể hiện trong chương trình mới. Bộ GD-ĐT xác định, thống nhất về chương trình và đa dạng về SGK mang lại nhiều cơ hội cho đổi mới giáo dục, nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức cho việc triển khai thực hiện, trong đó có công tác thẩm định.

Sự tuyển lựa khắt khe hơn sẽ thuộc về người sử dụng

Điều khiến dư luận lo ngại nhất khi thực hiện nhiều SGK là sự thiếu bình đẳng và cạnh tranh không lành mạnh giữa các nhà xuất bản và nhóm biên soạn. Việc thẩm định sẽ được tiến hành ra sao để thực sự công tâm và khách quan, thưa ông?

Các hội đồng thẩm định sẽ phải làm việc với tinh thần khoa học, công tâm, đồng thời cũng cởi mở với cái mới và sự đa dạng của các ý tưởng. Có như vậy thì các SGK được thẩm định và phê duyệt mới đáp ứng được kỳ vọng đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục phổ thông trong bối cảnh triển khai chương trình có những điểm khác biệt như đã nêu trên. Với quá trình chuẩn bị nghiêm túc, Bộ
GD-ĐT sẽ chọn được những nhà khoa học, nhà chuyên môn và nhà giáo có uy tín, phù hợp với những yêu cầu đó đối với các hội đồng thẩm định.
Nhiệm vụ của các hội đồng quốc gia thẩm định SGK không phải là tuyển lựa và xếp hạng cao thấp các SGK được gửi đến thẩm định mà đánh giá các SGK này theo các tiêu chí quy định để có kết luận cuối cùng là: “đạt”, “đạt cần sửa chữa” hay “không đạt”. Như vậy, sự khác biệt giữa các SGK được thẩm định thể hiện ở chỗ có đạt được tiêu chuẩn nghiêm ngặt đối với SGK hay không.
Những bộ SGK sau khi được thẩm định và đánh giá “đạt” sẽ được lưu hành trên thị trường ra sao? Khi ấy, liệu hội đồng thẩm định có tác động gì trong việc lựa chọn SGK hay không?
Như tôi đã nói ở trên, hội đồng thẩm định không xếp hạng các SGK. Như vậy, có một sự tuyển lựa có thể khắt khe hơn rất nhiều quy trình thẩm định của các hội đồng quốc gia thẩm định SGK, đó là sự tuyển lựa của thực tiễn dạy học ở các cơ sở giáo dục, điều kiện thực tiễn tại các địa phương. Chính sự tuyển lựa này sẽ bảo đảm cho uy tín và vị thế lâu dài của những SGK được biên soạn với chất lượng cao nhất.
Sự thành công, hiệu quả của một bộ SGK sẽ được thể hiện chính ở bước tuyển lựa và đánh giá này.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.