Nhấn mạnh thêm đến việc lần đầu tiên hình thức kiểm tra viết có thể thực hiện trên máy tính, ông Sái Công Hồng, Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học (Bộ GD-ĐT), cho rằng điều này nhằm tận dụng thế mạnh của công nghệ thông tin trong giảng dạy nói chung và hoạt động kiểm tra, đánh giá nói riêng. Khi ứng dụng công nghệ thông tin trong kiểm tra đánh giá hợp lý sẽ đẩy mạnh hoạt động đánh giá vì sự tiến bộ của HS và đặc biệt phát triển rất tốt năng lực tự học của người học.
“Tuy nhiên, hoạt động này chỉ nên thực hiện ở những trường đủ điều kiện về cơ sở vật chất. Do vậy, khi áp dụng thông tư này, các trường cần linh hoạt, không cứng nhắc khi sử dụng phương thức tổ chức bài kiểm tra giữa kỳ và cuối kỳ trên máy tính”, ông Hồng lưu ý.
Việc chuẩn hóa đề kiểm tra cũng là vấn đề đặt ra để tạo sự công bằng trong đánh giá HS giữa các trường, giữa các địa phương, vùng miền. Điều này đặc biệt quan trọng khi Bộ GD-ĐT đang chủ trương sẽ tiếp tục giao kỳ thi tốt nghiệp THPT về cho địa phương. Thông tư 26 cũng có điểm mới đáng chú ý khác là đề kiểm tra được xây dựng dựa trên ma trận, đặc tả của đề, đáp ứng theo mức độ cần đạt của môn học, hoạt động giáo dục quy định trong chương trình giáo dục phổ thông do Bộ trưởng Bộ GD-ĐT ban hành.
Theo ông Sái Công Hồng, việc xây dựng đề kiểm tra cho các bài kiểm tra giữa kỳ, cuối kỳ dựa trên ma trận và đặc tả theo chuẩn kiến thức kỹ năng quy định sẽ đánh giá sát hơn việc học tập đáp ứng chuẩn đầu ra của HS và tạo công bằng cho HS giữa các lớp, các trường, các vùng miền.
“Trong thời gian tới, Bộ GD-ĐT sẽ triển khai tập huấn, hướng dẫn thống nhất việc xây dựng và sử dụng ma trận và đặc tả bài kiểm tra giữa kỳ và cuối kỳ cho các môn học, đảm bảo chuẩn đánh giá các bài kiểm tra giữa kỳ và cuối kỳ theo mức độ cần đạt của các môn học thống nhất trong toàn quốc”, ông Hồng thông tin.
Bình luận (0)