'Thay lời tri ân' gây xúc động vì hy sinh thầm lặng của các thầy cô giáo

18/11/2019 07:07 GMT+7

“Rất nhiều nhà giáo , ngày qua ngày,... vượt qua mọi khó khăn, vươn lên trên số phận, vượt lên trên chính mình, tất cả vì học sinh thân yêu”, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam xúc động phát biểu tại chương trình "Thay lời tri ân".

Tối 17.11, chương trình “Thay lời tri ân” năm 2019 do Bộ Giáo dục - Đào tạo,  Công đoàn Giáo dục Việt Nam phối hợp với VTV tổ chức, nhân dịp kỷ niệm Ngày nhà giáo Việt Nam 20.11.
183 thầy cô giáo tiểu biểu đại diện cho hàng triệu nhà giáo trên khắp mọi miền đất nước đang mỗi ngày tận tâm, tận lực, thầm lặng hy sinh vì sự nghiệp giáo dục đã có mặt trong chương trình này.
Phát biểu mở đầu, ông Phùng Xuân Nhạ, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT,  gửi lời tri ân tới các thầy cô giáo đã và đang công tác trong ngành giáo dục và bày tỏ mong muốn dù trong hoàn cảnh nào, các cô giáo, thầy giáo cũng luôn giữ trọn tâm huyết, đam mê với nghề, là tấm gương về trí tuệ, đạo đức cho các thế hệ học trò noi theo, xứng đáng với sự tôn vinh mà xã hội dành cho nghề giáo.

“Mỗi ngày con đều mong có mẹ”

Với chủ đề “Thầm lặng”, chương trình đã kể những câu chuyện xúc động về tấm gương những nhà giáo trên khắp mọi miền Tổ quốc đang lặng lẽ hy sinh, cống hiến cho sự nghiệp.
Đó là cô giáo Khoàng Hà Pơ, điểm trường Huổi Lính A, trường Mầm Non xã Nậm Chà, huyện Nậm Nhùn, tỉnh Lai Châu. Huổi Lính là nơi sinh sống của 18 nóc nhà người Mông, nằm cheo leo trên đỉnh núi cao hàng ngàn mét. Đường đi lối lại khó khăn, nên thực phẩm đặt mua theo chế độ ăn bán trú cho các cháu vùng cao, 1 tuần cũng chỉ chuyển đến được vài ba lần, mà thường là đồ ăn được đóng hộp, chế biến sẵn mới có thể lưu trữ được lâu. Chính vì thế, cô Pơ thường vào rừng bẻ măng, hái nấm và các loại rau củ quả để làm món ăn tươi cho các học trò.
Gia đình cô Pơ ở xã Mù Cả, huỵện Mường Tè, cách trường hơn 200 km. Sinh con ra được tròn 6 tháng, cô phải nén lòng nhờ bố mẹ và chồng chăm con gái còn chưa biết bò, để quay về với lớp với các học trò nhỏ ở điểm trường. Hiện nay, con gái đã gần 2 tuổi, nhưng cô mới chỉ về thăm được vài lần vào kỳ nghỉ hè và dịp lễ tết.
Cô tâm sự không thể nhớ hết đã bao lần "nước mắt chan cơm" vì cảm giác cô quạnh giữa núi rừng và thèm có tiếng nói, tiếng cười của người thân.

Những người có mặt trong chương trình xúc động vì những câu chuyện về sự hy sinh thầm lặng của các giáo viên ở vùng sâu

Ảnh GDTD

Hay những cô giáo lặn lội đến những bản làng Tây nguyên để mang con chữ đến với học sinh, và đôi khi phải bất chấp nguy hiểm, thậm chí hy sinh cả mạng sống. Câu chuyện của hai cô giáo Nguyễn Thị Yến (39 tuổi) và Nguyễn Thị Hằng Nga (29 tuổi), Trường tiểu học Kông Lơng Khơng (huyện K’bang, Gia Lai) là như vậy. 
Những tháng cuối năm 2014, hai cô giáo trẻ băng rừng đến với học sinh và bị lũ ống ào về cuốn trôi. Cả hai cô đều là những giáo viên giỏi, yêu thương học trò và tận tâm, tận lực với nghề. Cô giáo Nga ra đi trước ngày cưới của mình không xa, còn cô Yến ra đi để lại hai đứa con thơ dại.
Có mặt tại chương trình, chồng cô Yến, thầy giáo Phạm Anh Sơn, Trường THCS Dân tộc nội trú huyện Kbang, tỉnh Gia Lai, chia sẻ gần 7 năm kể từ ngày vợ mất, 3 bố con sống với nhau. Ngành giáo dục địa phương đã tạo điều kiện cho thầy về dạy học ở gần nhà, để tiện chăm sóc con cái.
“Vừa là bố, vừa là mẹ, tôi chỉ biết giáo dục các con cố gắng trong học tập; dạy dỗ các con những điều hay, lẽ phải, kỹ năng sống, để mai này là người có ích và có thể tự lập được cuộc sống của mình”, thầy Sơn tâm sự.
Phạm Nguyễn Yến Nhi, con gái lớn của cô giáo Yến, khiến nhiều người có mặt ở chương trình phải rơi nước mắt khi nghẹn ngào: “Mỗi ngày con đều mong có mẹ bên cạnh... Con mơ ước sau này cũng trở thành một giáo viên giống như con đường mà bố mẹ đã chọn”.
Còn rất nhiều những thầy cô giáo từ thành thị tới nông thôn, từ đồng bằng đến núi cao, đang đóng góp cho sự nghiệp giáo dục, giản dị mà cao quý.

Vượt lên chính mình, vì học sinh thân yêu

Phát biểu tại chương trình, Phó thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam gửi tới các thế hệ thầy gáo, cô giáo “lời tri ân với tất cả tấm lòng chân thành và kính trọng”.
Ông bày tỏ: “Tôi cũng rất xúc động! Mỗi một câu chuyện khác nhau nhưng đều mang tới một hình ảnh, đó là rất nhiều thầy giáo, cô giáo, ngày qua ngày, tháng qua tháng, năm qua năm, vượt qua mọi khó khăn, vươn lên trên số phận, vượt lên trên chính mình, tất cả vì học sinh thân yêu”.
Theo Phó thủ tướng, ngoài các thầy cô giáo tham gia chương trình, còn hàng ngàn, chục ngàn, trăm ngàn thầy cô đang thầm lặng cống hiến hết mình cho sự nghiệp trồng người. Đó là yếu tố quyết định cho giáo dục nước nhà, dù còn nhiều điều phải phấn đấu làm tốt hơn, nhưng những năm qua cũng đã đạt kết quả, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao.
Giáo dục phổ thông Việt Nam, theo xếp hạng của tổ chức quốc tế năm vừa rồi, đã vượt lên, đứng thứ 38 trên thế giới; giáo dục đại học, dù tiến bộ nhanh nhưng mới đạt thứ 67 trên thế giới”, ông Đam dẫn chứng.

Kết thúc chương trình, tất cả mọi người cùng đứng lên hát vang ca khúc Người giáo viên nhân dân

Ảnh GDTD

Theo Phó thủ tướng, đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục là một nhiệm vụ vô cùng quan trọng, phải thực hiện liên tục trong một thời gian khá dài, với một lộ trình rất khoa học, có bước đi khẩn trương nhưng phải rất chắc chắn, và với giải pháp phù hợp với xu thế thế giới, đồng thời phù hợp với điều kiện Việt Nam.
Trong quá trình đó, đặc biệt cần chú trọng hơn giáo dục miền núi để đồng bào dân tộc, những người sống ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn bớt chênh lệch với vùng thuận lợi.
Với chương trình “Thay lời tri ân”, ông Vũ Đức Đam chia sẻ: "Chúng ta đều rất cảm phục trước những tấm gương các thầy cô giáo. Tấm lòng của thầy cô thực sự là tấm gương, để mỗi người dù ở bất kỳ địa vị nào, trong đó có chính các thầy cô, cùng soi để vượt qua khó khăn, vượt lên chính mình, tiếp tục phát huy thành tích thật tốt; khắc phục được bất cập, kể cả tiêu cực". 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.