"Thằng lớp trưởng phải không?"
Tốt nghiệp THPT đã được 12 năm, Lê Viết Khiêm, cựu HS Trường THPT Đông Hà (Quảng Trị) không ngờ một ngày có cơ hội được trò chuyện lại với cô giáo chủ nhiệm.
Những trường hợp thầy trò tìm thấy nhau sau bao năm xa cách, nhờ Facebook, có rất nhiều. Khi mà những năm trước, mạng xã hội chưa phát triển, điện thoại di động không phổ biến, chỉ có sổ lưu bút là quen thuộc, thì những mối quan hệ thầy trò dần xa cách bởi mỗi người một phương, thầy cô vẫn đứng lớp hằng ngày, còn từng thế hệ học trò đi muôn phương để học tập, sinh sống. Và giờ đây, trong thời đại 4.0, công nghệ thông tin nói chung và mạng xã hội phát triển, nhất là Zalo, Facebook, Twitter... ngày càng được nhiều người sử dụng, thì họ, những giáo viên và học trò cũ, đã có cơ hội tìm thấy nhau.
Tốt nghiệp THCS 26 năm trước, rồi sau đó theo gia đình rơi quê ở H.Đông Hòa (Phú Yên) đến sinh sống ở H.Krông Pa (Gia Lai), Nguyễn Văn Hiếu, đang là Giám đốc công ty TNHH Nguyễn Trường Nguyễn (Q.Tân Bình, TP.HCM) không ngờ có một ngày lại thấy được người thầy hiệu trưởng năm xưa, cũng từ Facebook.
tin liên quan
Thầy trò thời 4.0: Thầy cập nhật mỗi ngày để không lạc hậu với tròHiếu kể thêm không những chỉ tìm lại được người thầy thân thương ấy, mà khi nhớ lại tên từng người thầy giáo, cô giáo cũ, rồi tìm kiếm trên Facebook, Hiếu đã có thể kết nối được nhiều người từng dìu dắt mình nên người. "Mình tìm kiếm tên, hay vào Facebook bạn bè để 'lục' coi có tên nào quen quen, có khi xem ảnh trong từng trang cá nhân để xem có ai quen thuộc không để kết bạn. Nhờ vậy, mình tìm được nhiều thầy cô giáo", anh Hiếu cho biết.
Cơ hội để kết nối cựu học sinh
Thầy Trần Hà Quang (Trường THPT Đắk Mil, Đắk Nông) chia sẻ rất bất ngờ khi một ngày, chính bản thân ông cũng quên đi sinh nhật của mình, nhưng lại được học trò cũ, đã không gặp nhau 16 năm, nhắn lời chúc mừng qua Facebook.
"Đúng là cuộc sống ngày càng hiện đại, đem lại những cuộc gặp gỡ tình cờ đầy bất ngờ", ông Quang nói.
Cũng nhờ thấy học trò trên "phây", mà ông Quang được gợi lại biết bao điều xưa cũ, những kỷ niệm về những ngày đứng lớp hàng chục năm trước, cả những hình ảnh từ thời "xa lắc xa lơ"... chụp chung với những học trò tinh nghịch.
Nhiều giáo viên khoe trang cá nhân của mình có đến cả ngàn người bạn, ngoài đồng nghiệp, người thân, thì phần lớn là những học trò cũ. Và họ tìm lại được nhau cũng từ Facebook.
Hiện nay, ở hầu hết các trường, nhất là bậc THPT, đều có những Fan Page. Đây cũng là nơi để những người bạn đồng niên "thấy" nhau sau bao năm xa cách, bao thế hệ học trò có cơ hội "thắp" lại tình cảm với những người đưa đò sau những tháng năm bị cuốn theo cuộc sống, nỗi lo cơm áo gạo tiền để mưu sinh.
Và cũng nhờ tìm thấy nhau, kết nối cùng nhau như vậy, mà giới cựu học sinh đã giúp đỡ nhiều cho trường, cho các thế hệ học sinh sau này. Không ít quỹ học bổng dành cho học sinh nghèo đã được hình thành chỉ từ những cuộc gặp tình cờ như thế. Đấy là chưa kể những hoạt động kỷ niệm ngày thành lập trường, viết bài cho tập san nhân những ngày lễ lớn... cũng được giới cựu học sinh nhiệt tình tham gia.
Với nhiều giáo viên, Facebook nói riêng và mạng xã hội nói chung, đã giúp rất nhiều trong việc tìm lại những cựu học sinh. Như trên trang Facebook của ông Phạm Thạch Sinh, Hiệu trưởng Trường THPT Bình Sơn (Quảng Ngãi), có rất nhiều người vào để "chào thầy", "thầy có nhớ em không", "em là học sinh cũ của trường mình nè"...
Cũng ở trường này, nhiều học trò cũ, đã và đang có được những thành công trong cuộc sống, đã nhờ Facebook... se duyên, để rồi tìm về lại trường, giúp đỡ các học sinh khóa dưới. Như chuyên viên tâm lý Đỗ Văn Sự, Phó Viện trưởng Viện Đào tạo nhân lực và hợp tác quốc tế INTIC, đã có cơ hội quay về trường cũ, thăm những thầy cô giáo cũ, cũng như để hướng dẫn, chia sẻ về tâm lý, hướng nghiệp cho học sinh đàn em.
Thầy trò thời 4.0
Sự phát triển của công nghệ đã làm thay đổi hành vi, thói quen và thậm chí cả quan hệ, tình cảm của con người. Trong dòng chảy đó, tình cảm thầy - trò, mối quan hệ rất được tôn trọng ở Việt Nam, có những đổi thay gì so với trước?
Trò có còn “kính nhi viễn chi” thầy, trong khi ngày nay thầy cô cũng “selfie” và đưa hình lên mạng xã hội tưng bừng như trò; cuộc sống, sinh hoạt của giáo viên đều được học trò “giám sát” thông qua mạng xã hội hay các công cụ hỗ trợ của công nghệ? Thầy cô còn độc quyền trao kiến thức cho trò khi hiện nay người học có biết bao phương tiện để nâng tầm hiểu biết? Việc dạy và học cũng đổi thay, không còn phụ thuộc vào bảng đen, phấn trắng vào việc cầm tay chỉ việc của thầy nữa, liệu có làm nhạt phai chút nào lòng tôn sư trọng đạo? Tình cảm thiêng liêng, sẻ chia, gắn bó của thầy trò có bị tác động nào trong khi nhiều nơi đã sẵn sàng đưa robot làm thay vị trí của giáo viên?...
Báo Thanh Niên đến với ngày Nhà giáo Việt Nam 20.11 năm nay, bằng những chia sẻ, ý kiến, quan điểm, ghi nhận… về mối quan hệ thầy - trò trong bối cảnh xã hội bị tác động rất lớn bởi công nghệ và hơn bao giờ hết khái niệm “công nghiệp 4.0” đã trở nên quen thuộc.
Với chủ đề Thầy trò thời 4.0, chúng tôi mong muốn nhận được ý kiến tham gia của bạn đọc. Bài viết xin quý thầy cô, bạn đọc gửi về địa chỉ [email protected]. Bài sẽ đăng trên website của Báo Thanh Niên.
Các bài viết đăng tải sẽ được chi trả nhuận bút theo quy định của báo.
|
Bình luận (0)