Thí sinh thấp thỏm nỗi lo bị phong toả, cách ly trước giờ thi tốt nghiệp THPT

06/07/2021 18:39 GMT+7

Kỳ thi tốt nghiệp THPT sẽ diễn ra vào ngày mai, trong khi nhiều thí sinh sống ở những điểm “nóng” dịch Covid-19 vẫn thấp thỏm nỗi lo trở thành F và bị phong toả trước giờ vào thi.

“Nội bất xuất ngoại bất nhập” trước ngày thi

“Em không ra khỏi nhà từ cuối tháng 5, trừ hôm đi xét nghiệm Covid-19 để phục vụ cho kỳ thi tốt nghiệp THPT. Riêng tất cả thành viên trong gia đình em cũng tự cách ly tại nhà hơn 1 tuần nay để đảm bảo em được tham gia kỳ thi tốt nghiệp THPT. Nhưng em sống trong khu chung cư, dân đông nên ngày nào cũng thấp thỏm lo âu”, Đặng Thái Nguyên Anh , học sinh lớp 12 Trường THPT Nguyễn Trung Trực (Q.Gò Vấp), lo lắng nói.
Những ngày gần đây, cuộc sống của Nguyên Anh chỉ quay quanh khu phòng riêng của mình, cậu chỉ ra khỏi phòng khi ăn uống, thậm chí với cả người trong gia đình nam sinh cũng giữ khoảng cách nhất định. Nguyên Anh chỉ mong đủ điều kiện tham gia kỳ thi sau 12 năm ăn học của mình.
Căn phòng riêng nhỏ, nam sinh cho biết khá bất tiện và ở suốt trong nhà nên nhiều lúc cũng căng thẳng, mệt mỏi cùng áp lực bài vở, thi cử. Do vậy, mong muốn lớn nhất của Nguyên Anh chính là có thể hoàn thành kỳ thi suôn sẻ.
“Chỉ cần không trở thành F, không bị phong toả hay cách ly thì 2 ngày nữa em đã có thể hoàn thành kỳ thi rồi. Kỳ thi này rất quan trọng với em, không chỉ để xét tốt nghiệp mà em còn hy vọng đạt kết quả tốt để xét nguyện vọng vào đại học. Cả gia đình cũng lo lắng cho em nên ba mẹ và em gái đã không ra khỏi nhà khi TP.HCM có quyết định cho học sinh tham gia kỳ thi trong đợt 1”, Nguyên Anh chia sẻ.
Năm nay, nam sinh sẽ đăng ký nguyện vọng 1 vào ngành Khoa học máy tính của Trường ĐH Bách khoa TP.HCM. Năm trước điểm chuẩn vào ngành này rất cao nên Nguyên Anh có chút lo lắng và hồi hộp. Dù vậy, em cho biết bản thân đã chuẩn bị sẵn sàng để bước vào kỳ thi này.
Còn chị Thái Thị Hoa, mẹ của Nguyên Anh, cho biết cả hai vợ chồng đều là viên chức, vẫn phải đi làm nhưng gần một tuần nay vợ chồng chị xin phép được làm ở nhà cho đến khi con thi xong để tránh nguy cơ “mang bệnh về nhà”.
Chị Hoa cũng chủ động dự trữ thực phẩm và các nhu yếu phẩm cần thiết, đủ dùng trong 2-3 tuần nên gia đình chị quyết định “nội bất xuất ngoại bất nhập” cho đến ngày con đi thi.

Thí sinh hồi hộp, lo lắng khi vừa chịu áp lực thi cử vừa lo đề phòng dịch bênh

Nguyễn Loan

Lo lắng nhưng đã sẵn sàng

Trang bị kính chống giọt bắn, khẩu trang tốt nhất cho con đi làm thủ tục dự thi

Ngồi dò lại kiến thức, Nguyễn Hoàng Anh, học sinh lớp 12 Trường THPT Nguyễn Thái Bình (Q.Tân Bình), ghi chú lại những chỗ mình còn lấn cấn để hỏi lại giáo viên. Em muốn tự tin nhất có thể để ngày mai bước vào kỳ thi THPT. Chiều nay, Hoàng Anh vừa đi làm thủ tục dự thi, hồi hộp chờ tới ngày mai.
“Nghỉ học từ tháng 5, từ đó đến nay em chưa được gặp lại thầy cô, bạn bè. Mọi vấn đề khó khăn trong quá trình học ôn đều phải tự bản thân ghi chú lại rồi gọi điện trao đổi lại với giáo viên. Trao đổi qua điện thoại, nhiều khi cô trò không hiểu nhau nên phải hỏi đi hỏi lại nhiều lần, nhưng đến hôm nay em thấy mọi việc đã khá ổn thỏa. Em tự tin vì đã nắm vững kiến thức cơ bản. Bây giờ dù còn nhiều thứ để lo lắng nhưng em đã sẵn sàng”, Hoàng Anh nói.
Dĩ nhiên, đi thi trong tình hình dịch bệnh hiện tại, cả Hoàng Anh và mọi người trong gia đình đều rất lo lắng nhưng nam sinh cho biết sẽ chủ động giữ an toàn cho mình.
“Em sẽ trang bị đầy đủ, từ khẩu trang, khử khuẩn, giữ khoảng cách… Khi đến trường em sẽ lên thẳng phòng thi, không tiếp xúc nói chuyện với bạn bè. Xịt khử khuẩn cả trước và sau khi thi xong. Còn với ba mẹ, ngày mai em cũng sẽ nhắc ba mẹ về ngay sau khi chở em tới cổng trường, lúc đón cũng đứng xa cổng để không phải chen chúc nhau. Lo thì lo, nhưng nếu mình chủ động giữ an toàn em nghĩ sẽ phòng được dịch bệnh”, Hoàng Anh chia sẻ thêm.
Ngày mai, học sinh cả nước sẽ bắt đầu làm bài thi môn ngữ văn, đây là môn đầu tiên của kỳ thi. Riêng TP.HCM có gần 90.000 thí sinh tham gia kỳ thi tốt nghiệp THPT.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.