Thi THPT quốc gia 2019: Không thể gian lận kết quả

20/04/2019 08:25 GMT+7

Ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD-ĐT), cho biết Bộ đã rút kinh nghiệm sau những tiêu cực và hạn chế, bất cập xảy ra trong kỳ thi THPT quốc gia 2018 tại một số địa phương để tăng cường giải pháp kỹ thuật phòng, chống gian lận trong tất cả các khâu của kỳ thi, nhất là ở khâu chấm thi.

Ông Mai Văn Trinh nói: Phát huy những ưu điểm trong việc tổ chức kỳ thi những năm qua và nghiêm túc rút kinh nghiệm sau những tiêu cực và hạn chế, bất cập xảy ra, Bộ GD-ĐT đã cầu thị tiếp thu các ý kiến đóng góp, nghiêm túc rà soát, đánh giá quy trình thực hiện các khâu tổ chức thi, nhất là khâu coi thi, chấm thi để hoàn thiện quy chế thi.
Bộ không chỉ nâng cao chất lượng tập huấn nghiệp vụ thi cho những người tham gia tổ chức thi mà còn tăng cường một số giải pháp kỹ thuật để phòng, chống gian lận trong tất cả các khâu của kỳ thi, nhất là ở khâu chấm thi. Trong đó, việc chấm bài thi trắc nghiệm sẽ giao cho các trường ĐH chủ trì với phần mềm chấm thi trắc nghiệm đã được sửa đổi, nâng cấp theo hướng tăng cường khâu bảo mật nhằm phòng ngừa, phát hiện các gian lận.

Tất cả dữ liệu đều được mã hóa

Cụ thể những biện pháp tăng cường phòng chống gian lận ở khâu chấm thi sẽ là thế nào, thưa ông?
Trước hết, tất cả dữ liệu liên quan đến bài thi của thí sinh từ ảnh quét bài thi cho đến kết quả cuối cùng đều được mã hóa bằng các thuật toán mã hóa tiên tiến có độ tin cậy và bảo mật cao. Người dùng không thể nhìn được toàn bộ ảnh quét và không thể đọc được thông tin kết quả bài thi (kể cả kết quả trung gian hoặc kết quả cuối cùng).

Người tham gia công tác chấm thi trắc nghiệm không thể trực tiếp can thiệp để làm thay đổi dữ liệu dẫn đến làm thay đổi kết quả thi

Mai Văn Trinh Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD-ĐT)

Trong quá trình sửa lỗi kỹ thuật trên phiếu trả lời trắc nghiệm (lỗi do thí sinh điền sai mã đề, điền sai số báo danh, lỗi nhận dạng đáp án... do phần mềm tự động phát hiện), người vận hành phần mềm chấm thi trắc nghiệm không thể biết được mối liên hệ giữa thông tin cá nhân với phần bài làm của thí sinh. Có nghĩa là, khi sửa lỗi nội dung liên quan đến thông tin cá nhân thì không thể nhìn thấy phần nội dung trả lời và khi sửa lỗi phần nội dung trả lời thì không thể nhìn thấy phần thông tin cá nhân.
Đặc biệt, mọi thao tác trên phần mềm đều được lưu vết; chỉ người có trách nhiệm mới có thể mở để đọc mà không thể sửa được các thông tin này. Phần mềm có các chức năng để hỗ trợ người dùng (cán bộ chấm thi) trong việc dò tìm, phát hiện, sửa lỗi trong quá trình chấm thi để hạn chế đến mức thấp nhất các thao tác thủ công của con người.
Các dữ liệu trung gian cũng như kết quả chấm thi trắc nghiệm đều được mã hóa và chỉ có thể được giải mã bằng “khóa” được cung cấp cho người có trách nhiệm. Kết quả chấm trắc nghiệm được mã hóa và chỉ được tự động giải mã khi nhập vào hệ thống quản lý thi THPT quốc gia để hoàn thiện dữ liệu chấm thi của kỳ thi.

Không thể can thiệp và sửa chữa

Như vậy, với phần mềm mới, người chấm thi khó mà can thiệp làm thay đổi kết quả thi?
Đúng thế! Quá trình chấm bài thi trắc nghiệm được thực hiện bằng máy tính với phần mềm chấm thi trắc nghiệm chuyên dụng do Bộ GD-ĐT cung cấp, người tham gia công tác chấm thi trắc nghiệm không thể trực tiếp can thiệp để làm thay đổi dữ liệu dẫn đến làm thay đổi kết quả thi.
Việc sửa lỗi kỹ thuật chỉ thực hiện được ở những vị trí lỗi khi nhận diện ảnh quét bài thi do phần mềm phát hiện. Trong suốt quá trình chấm thi trắc nghiệm, ảnh quét gốc bài thi của thí sinh không thể can thiệp và sửa chữa. Thêm nữa, dữ liệu ảnh quét bài thi gốc (đã mã hóa) cũng được gửi về Bộ GD-ĐT để quản lý và đối sánh với kết quả chấm nhằm phát hiện những sai lệch một cách có chủ ý (nếu có).
Nhưng có lần ông nói rằng kỹ thuật dù hoàn hảo đến mấy thì yếu tố con người vẫn là yếu tố quyết định...
Vì xác định như thế mà năm nay, cùng với các giải pháp kỹ thuật nói trên, công tác tập huấn kỹ thuật đã được tổ chức nghiêm túc, có chất lượng. Bộ yêu cầu các trường ĐH được giao nhiệm vụ chấm thi trắc nghiệm cần lựa chọn những cán bộ nghiêm túc, tinh thần trách nhiệm cao, am hiểu về phần mềm và quy trình chấm thi; tiến hành tập huấn đầy đủ để chuẩn bị sẵn sàng đội ngũ cán bộ chấm thi trắc nghiệm. Các sở GD-ĐT cần chuẩn bị đầy đủ các điều kiện về cơ sở vật chất, thiết bị... theo quy định của quy chế; phối hợp tốt với các trường ĐH để tổ chức kỳ thi nghiêm túc. Bộ cũng sẽ tăng cường thanh, kiểm tra trực tiếp tất cả các nhiệm vụ của Ban chấm thi trắc nghiệm.
Bộ cũng đã quán triệt với các địa phương rằng, ban chỉ đạo thi THPT quốc gia cấp tỉnh, TP phải chịu trách nhiệm trực tiếp, cao nhất với toàn bộ công tác tổ chức thi. Địa phương phải chủ động chỉ đạo, tổ chức triển khai thật tốt các điều kiện để đảm bảo tổ chức an toàn, nghiêm túc kỳ thi THPT quốc gia 2019 của địa phương mình.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.