Thi THPT quốc gia: 'Điểm nóng' sai phạm năm ngoái sẽ chấm thi ra sao?

29/06/2019 08:08 GMT+7

Sai phạm tại kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 chủ yếu tập trung ở khâu chấm thi nên năm nay chính những tỉnh như Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình... đã lên kế hoạch chi tiết về chấm thi, trong đó vấn đề công bằng, minh bạch được đặt lên hàng đầu.

 

Tuân thủ nghiêm ngặt các quy định mới của bộ

Với giải pháp kỹ thuật như vậy, nếu thực hiện tốt sẽ hạn chế được tiêu cực. Tuy nhiên, thực hiện nó là con người, do vậy mỗi cán bộ giáo viên phải làm hết chức năng nhiệm vụ của mình
Ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng
Tại Sơn La, ông Nguyễn Văn Chiến, Phó giám đốc Sở GD-ĐT, cho biết đã thành lập ban chấm thi tự luận với tổng số 73 thành viên, trong đó có 51 người chấm, 5 người trong tổ chấm kiểm tra... Chủ tịch hội đồng thi của tỉnh cũng kiêm nhiệm là trưởng ban chấm thi.
Ngay từ chiều 28.6, lãnh đạo ban chấm thi đã họp để kiểm tra điều kiện làm việc và thống nhất kế hoạch chấm. “Dự kiến việc chấm thi sẽ tiến hành từ ngày 1 - 10.7, tuân thủ nghiêm ngặt các quy định mới của Bộ GD-ĐT về chấm thi năm nay”, ông Chiến khẳng định.

Việc chấm thi trắc nghiệm của Sơn La năm nay được giao cho Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2 chủ trì. Dự kiến, sáng 1.7, ban chấm thi trắc nghiệm sẽ nhận bài thi và tổ chức chấm theo quy chế. Do toàn bộ hệ thống máy móc phục vụ công tác chấm thi năm 2018 của Sơn La đã bị niêm phong để phục vụ công tác điều tra nên năm nay tỉnh này phải mua mới toàn bộ máy tính, máy quét, máy in phục vụ thi và chấm thi. Tuy nhiên, theo quy định phải có máy dự phòng. Trong khi đó, đến thời điểm này Ban Chỉ đạo thi tỉnh Sơn La chỉ có thể trang bị được 1 máy quét bài trắc nghiệm nên Sở GD-ĐT tỉnh này đã lên phương án mượn máy của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2.
Ông Trịnh Đình Vinh, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2, Trưởng ban chấm thi trắc nghiệm của Sơn La, cho biết cán bộ của trường đã quen với việc chấm thi trắc nghiệm nhưng không chủ quan. Giám đốc trung tâm khảo thí của trường đã được yêu cầu tập huấn, chạy thử máy móc, làm các quy trình chấm trắc nghiệm thành thạo trước khi bắt tay vào chấm thật.

Bố trí lực lượng công an bảo vệ 2 vòng 24/24

Đổi chéo cán bộ sở này thanh tra chấm thi sở khác

Trao đổi thêm về vấn đề bảo mật, an toàn trong chấm thi, ông Nguyễn Huy Bằng, Chánh thanh tra Bộ GD-ĐT, cho biết hiện các đoàn thanh tra chấm thi THPT quốc gia 2019 đã "xuất quân", sẵn sàng làm nhiệm vụ. Năm nay, đoàn thanh tra tổ chức có quy mô, kỹ lưỡng hơn. Bộ GD-ĐT thành lập các đoàn thanh tra đến tất cả 63 hội đồng thi với số lượng nhiều hơn năm ngoái. Bên cạnh 2 cán bộ từ trường ĐH, thành phần các đoàn thanh tra sẽ có thêm 1 cán bộ thanh tra của Sở nhưng sẽ đổi chéo cán bộ sở này đến thanh tra chấm thi địa phương khác.
Tại Hà Giang, ông Nguyễn Thế Bình, Phó giám đốc phụ trách Sở GD-ĐT, cho biết toàn tỉnh có hơn 5.000 bài thi ngữ văn nên huy động hơn 50 cán bộ chấm thi. Trong đó, giáo viên cấp THPT tại địa phương là 50 người, 1 người là giảng viên trường ĐH. Việc chấm thi trắc nghiệm của tỉnh này năm nay được giao cho Học viện Kỹ thuật quân sự chủ trì. Ông Bình cho biết, Sở GD-ĐT Hà Giang đã khảo sát, lựa chọn địa điểm tổ chức chấm thi trắc nghiệm bảo đảm các điều kiện cơ sở vật chất, đáp ứng công tác tổ chức chấm thi theo Quy chế thi THPT quốc gia năm 2019; tham mưu cho UBND tỉnh cấp kinh phí bảo đảm cho công tác chấm thi trắc nghiệm theo quy định; chuẩn bị đầy đủ các ấn phẩm phục vụ công tác chấm thi. Bố trí đủ lực lượng công an trực bảo vệ vòng trong (trực bảo vệ 24/24 giờ cạnh phòng lưu giữ, bảo quản bài thi) và vòng ngoài (khu vực, địa điểm làm việc của ban chấm thi trắc nghiệm)...

Tại Hòa Bình, ông Bùi Trọng Đắc, Giám đốc Sở GD-ĐT, cho hay công tác an ninh khu vực chấm thi đã được công an tỉnh xây dựng phương án bảo vệ tuyệt đối an toàn. Với gần 9.000 bài thi tự luận, Sở GD-ĐT đã xây dựng cơ cấu nhân sự chấm thi đảm bảo đúng quy chế và đủ số lượng giám khảo để chấm bài. Có 1 lãnh đạo Trường ĐH Hà Nội làm phó trưởng ban chấm thi tự luận. Với bài trắc nghiệm, việc chấm thi do Trường ĐH Hà Nội chủ trì, toàn tỉnh có hơn 26.000 bài thi trắc nghiệm. Sở GD-ĐT đã có văn bản đề nghị Trường ĐH Hà Nội chủ động xây dựng phương án nhân sự đảm bảo thực hiện các khâu chấm trắc nghiệm theo đúng quy chế của Bộ, bảo quản bài thi tuyệt đối an toàn trước khi bàn giao cho đơn vị chủ trì chấm thi trắc nghiệm...
Dù hệ thống máy chấm thi của Hà Giang, Hòa Bình năm 2018 cũng niêm phong phục vụ công tác điều tra nhưng khác với Sơn La, 2 tỉnh này đã kịp trang bị mới 2 máy quét bài thi, hệ thống máy tính mới, cấu hình cao và các thiết bị phụ trợ khác phục vụ cho công tác chấm thi đảm bảo theo quy chế thi; lắp đặt hệ thống camera giám sát, ghi hình tại khu vực lưu giữ bài thi, chấm thi.
Kỳ thi năm 2018, Lạng Sơn cũng là một trong những địa phương Bộ GD-ĐT phải về tiến hành chấm thẩm định toàn bộ bài thi của một hội đồng thi có nghi ngờ vi phạm. Năm nay, theo ông Trần Quốc Tuấn, Giám đốc Sở GD-ĐT Lạng Sơn, toàn tỉnh có hơn 8.000 bài thi tự luận, huy động hơn 80 giáo viên chấm thi. Theo kế hoạch, hôm nay (29.6) Sở GD-ĐT Lạng Sơn tiến hành họp triển khai công tác làm phách, ngoài lực lượng công an địa phương thì có lực lượng công an của Bộ tăng cường khu vực làm phách. Cùng ngày, Sở sẽ bàn giao bài thi trắc nghiệm, cơ sở vật chất phục vụ chấm bài thi trắc nghiệm cho Trường ĐH Sư phạm Hà Nội. Đối với môn tự luận, ông Tuấn cho biết, sau khi làm phách xong, chiều 1.7 sẽ họp ban chỉ đạo, cán bộ chấm thi, ngày 2.7 sẽ chấm thi môn tự luận. Dự kiến cố gắng đến ngày 6 - 7.7 kết thúc chấm thi môn tự luận và sẽ có kết quả chấm thi trắc nghiệm.

Đáp án chấm trắc nghiệm cũng được mã hóa

Ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD-ĐT), cho rằng những thay đổi về mặt kỹ thuật trong chấm thi năm nay sẽ giúp hạn chế gian lận. Cụ thể, một trong những điểm mới đó là phần mềm chấm thi trắc nghiệm đã được sửa đổi, nâng cấp, hoàn thiện để khắc phục lỗ hổng có thể dẫn tới tiêu cực. Trong đó, các bài thi trắc nghiệm của thí sinh sẽ được đánh phách điện tử.
Người chấm nếu nhìn thấy bài thi thì không nhìn thấy phách, còn nhìn thấy phách thì không thấy bài của thí sinh. Ở chấm thi trắc nghiệm, ngoài các thay đổi về kỹ thuật trên, ông Mai Văn Trinh cho hay, ngay cả đáp án chấm trắc nghiệm cũng được mã hóa và chỉ được giải mã bằng công cụ giải mã. Đặc biệt, nếu người chấm thi có khâu nào sai trước đó, đều không thể tự quay lại chỉnh sửa mà phải được Bộ GD-ĐT cấp một mã để vào sửa. “Với giải pháp kỹ thuật như vậy, nếu thực hiện tốt sẽ hạn chế được tiêu cực. Tuy nhiên, thực hiện nó là con người, do vậy mỗi cán bộ giáo viên phải làm hết chức năng nhiệm vụ của mình, đồng thời địa phương cần lựa chọn những người có đủ năng lực và phẩm chất thực hiện”, ông Trinh nhấn mạnh.
Ngoài ra, cũng theo ông Trinh, việc chấm thi hiện phụ thuộc rất lớn vào các trường ĐH. Công tác tập huấn và triển khai hệ thống máy móc chấm thi đã được Bộ GD-ĐT thực hiện từ tháng 4 và hiện chưa có địa phương nào yêu cầu hỗ trợ gì lớn.

Bắt đầu thực hiện công tác chấm thi ngay khi kết thúc thi

Theo lãnh đạo các sở GD-ĐT, ngay trong chiều 27.6, sau khi kết thúc kỳ thi THPT quốc gia, công tác chấm thi tự luận và trắc nghiệm bắt đầu được tiến hành.
Sở GD-ĐT Hà Nội bắt đầu họp công tác chấm thi từ 28.6, đây là địa phương có số lượng bài thi lớn nhất cả nước với hơn 74.000 thí sinh. Hà Nội đã huy động gần 500 giáo viên thực hiện nhiệm vụ chấm thi tự luận. Dự kiến, hội đồng chấm thi của Hà Nội làm việc từ nay đến ngày 13.7. Theo phân công của Bộ GD-ĐT, ĐH Quốc gia Hà Nội là đơn vị chủ trì việc chấm thi trắc nghiệm cho thí sinh Hà Nội.
Theo ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, ngay sau buổi sáng thi môn cuối cùng của kỳ thi, ban chấm thi của TP.HCM bắt đầu hoạt động. Ngày 28.6, việc chấm thi trắc nghiệm bắt đầu được tiến hành. Ngày 30.6 sẽ bắt đầu chấm thi tự luận. Sở phụ trách việc chấm bài môn ngữ văn và thời gian chấm thi có thể kéo dài trong vòng 5 ngày. Dự kiến ngày 12.7 Sở sẽ công bố kết quả thi THPT quốc gia.
Bà Trương Thị Kim Huệ, Phó giám đốc Sở GD-ĐT Đồng Nai, cũng thông báo lịch chấm tương tự. Tại Long An, ban làm phách bài thi tự luận gồm 12 người làm việc từ ngày 28.6, ban chấm thi tự luận cũng bắt đầu làm việc từ ngày này.
Về việc chấm thi môn tự luận, bà Nguyễn Thị Hoàng, Trưởng phòng Quản lý chất lượng, Sở GD-ĐT tỉnh Bình Định, cho hay: “Toàn tỉnh dự kiến có khoảng 17.624 bài thi môn văn. Sở đã huy động 155 giáo viên tham gia chấm thi. Trước khi chấm, vào chiều 1.7 sẽ có buổi họp toàn bộ giáo viên để phổ biến chi tiết đáp án của Bộ GD-ĐT, phổ biến quy chế và quy trình chấm thi. Sáng 2.7 sẽ bắt đầu chấm”.
Các trường ĐH được giao nhiệm vụ chủ trì chấm thi trắc nghiệm dự kiến việc chấm thi sẽ hoàn tất sau 7 - 10 ngày.
Thanh Niên
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.