Thi tuyển sinh lớp 10: Coi chừng bị trừ điểm vì cách trình bày

03/01/2020 07:14 GMT+7

Cấu trúc đề thi tuyển sinh lớp 10 không thay đổi nhưng các chuyên viên phụ trách của Sở GD-ĐT TP.HCM cho biết thí sinh cần lưu ý hơn để không mất điểm oan vì cách trình bày, đặc biệt với môn toán.

Sau khi kết thúc học kỳ 1, học sinh lớp 9 bắt đầu chuẩn bị kiến thức để tham gia kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 diễn ra vào tháng 6.2020. Theo lãnh đạo Sở GD-ĐT TP.HCM, cấu trúc và định hướng đề thi tuyển sinh không thay đổi so với năm 2019.

Lưu ý những lỗi thí sinh hay mắc phải

Ông Dương Bửu Lộc, chuyên viên phụ trách môn toán của Phòng Giáo dục trung học, Sở GD-ĐT TP.HCM, cho biết trong kỳ thi tuyển sinh lớp 10 năm 2020, về cơ bản cấu trúc đề thi môn toán vẫn giữ nguyên như mọi năm. Đề thi bao gồm phần điểm kiến thức chung chiếm khoảng 5,5 điểm; phần kiến thức còn lại sẽ theo hướng phân loại thí sinh, đồng thời độ khó đề thi tương tự như kỳ tuyển sinh năm 2019.
Đặc biệt, trong khi hướng dẫn chuyên môn với giáo viên phụ trách môn toán của các quận, huyện, chuyên viên của sở lưu ý giáo viên phải hướng dẫn học sinh cách thức trình bày các bài toán thực tế theo quy định thống nhất chung trong việc vẽ hình, giải phương trình, hệ phương trình... Nếu không sẽ khiến thí sinh bị mất điểm oan dù kết quả ra đúng.
Do đó, chuyên viên phụ trách môn học của sở lưu ý, trong kỳ thi sẽ diễn ra vào tháng 6.2020, khi làm bài thi môn toán, thí sinh cần phải chú ý những điểm sau: Trong bài thi, nếu số Pi được đề bài cho sẵn thì thí sinh dùng giá trị đã cho sẵn để giải bài, nếu đề bài không nói gì thì số Pi sẽ mặc định là số nhớ của máy tính.
Khi giải các dạng toán thực tế, thí sinh cần phải đưa về phương trình dạng chuẩn mới được phép sử dụng máy tính để tìm ra nghiệm. Các phần bài làm không đưa về phương trình dạng chuẩn mà cho ra luôn nghiệm sẽ không được chấp nhận.
Với dạng toán giải phương trình, hệ phương trình phải có lý luận để đưa ra phương trình như: gọi x là đơn vị, điều kiện thì mới có điểm; khi vẽ hình, trừ hình tròn được sử dụng bút chì để vẽ, các hình học còn lại thí sinh phải vẽ bằng bút mực. Việc vẽ bằng bút chì trong những trường hợp đó sẽ bị coi là vi phạm quy chế thi. Đối với vẽ đồ thị hàm số thì phải chỉ rõ trục tung, trục hoành...
Còn về ôn tập, giáo viên Nguyễn Thanh Tịnh, Trường THCS Nguyễn Du (Q.1), hướng dẫn học sinh nên học kỹ từng bài, mỗi bài học đều có vị trí và tầm quan trọng của nó trong cả chương trình môn học. Sau khi hết mỗi chương, cần hệ thống hóa kiến thức bằng sơ đồ tư duy, làm hết bài tập cuối chương để biết vận dụng ngay các kiến thức vừa học. Bên cạnh đó, ôn tất cả các dạng toán, không học tủ và sau mỗi bài giải cần rút ra lỗi, lưu ý để tránh sai sót lần sau. Rèn kỹ năng phản xạ nhanh khi làm bài, kỹ năng sử dụng máy tính bỏ túi...

Chú trọng giải quyết tình huống, liên hệ thực tế

Tương tự như môn toán, cấu trúc đề thi môn ngữ văn không thay đổi, với thời gian làm bài là 120 phút, thí sinh thực hiện 3 phần nội dung có thang điểm cụ thể như sau: Phần đọc hiểu (3 điểm), nghị luận xã hội (3 điểm) và nghị luận văn học (4 điểm). Bên cạnh đó, thạc sĩ Trần Tiến Thành, chuyên viên môn ngữ văn của Sở, cho hay trong các kỳ tuyển sinh trước, có thí sinh đọc đề không kỹ dẫn đến trả lời không đúng trọng tâm hoặc trả lời dài dòng, thừa ý. Bên cạnh đó, không nắm vững các kỹ năng làm bài, các thao tác lập luận, trình bày, viết chữ cẩu thả, khó đọc. Hoặc do quá say sưa viết về một ý dẫn đến quên kết bài hoặc kết bài quá sơ sài, bài làm không hoàn chỉnh.
Còn bà Nguyễn Thị Hiền, giáo viên Trường THCS Nguyễn Du (Q.1), cho rằng tư liệu của phần đọc hiểu vẫn là những văn bản ngoài sách giáo khoa, để cho học sinh biết vận dụng, thực hành các kiến thức vào giải quyết các bài tập, các tình huống.
Về bài nghị luận xã hội, nhiều giáo viên cho rằng chắc chắn hình thức ra đề sẽ phong phú, khó có thể đoán đề để dạy tủ học vẹt được. Ví dụ ra đề dưới hình thức có thể là một bức tranh hay một câu chuyện hoặc một câu danh ngôn, một hiện tượng trên báo chí, những vấn đề nóng trong xã hội mà báo chí đề cập để các em không còn thờ ơ vô cảm với những gì đang diễn ra xung quanh, biết cách bày tỏ thái độ, cái nhìn, chính kiến của mình. Đối với bài nghị luận xã hội, nên chú ý dạng bài tương đối lạ và mới, có thể là dạng bài lấy một tác phẩm văn học, một nội dung trong tác phẩm văn học nhưng yêu cầu học sinh nghị luận về vấn đề đó...
Ở bài nghị luận văn học, theo cô Nguyễn Thị Hiền, những năm gần đây đề không sa đà vào việc quá chú trọng lượng kiến thức tác phẩm mà thiên về yêu cầu thí sinh cảm nhận. Tức là chú ý đến việc học sinh bày tỏ quan điểm, suy nghĩ riêng về nội dung học sinh được học. Ngoài ra, một vài năm gần đây yêu cầu của văn nghị luận cũng đòi hỏi học sinh liên hệ với thực tế. Chẳng hạn từ khổ thơ Đoàn thuyền đánh cá của nhà thơ Huy Cận liên hệ thực tế để thấy tình yêu quê hương đất nước. Điều này cho thấy việc học tác phẩm văn học không máy móc nữa mà phải biết vận dụng kiến thức về tác phẩm đó và liên hệ với cuộc sống hiện tại để thấy được ý nghĩa của tác phẩm vừa học.
Vì vậy để bài làm đạt kết quả tốt nhất, học sinh không chỉ nắm kỹ năng, phương pháp làm bài mà nên sắp xếp các tác phẩm theo chủ đề, ví dụ như chủ đề về tình cảm gia đình, quê hương đất nước... Ngoài ra, cũng nên tìm hiểu với chủ đề ấy thì trong cuộc sống đời thường có những tấm gương, con người tiêu biểu...
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.