Thiếu giáo viên mà không được tuyển

28/08/2018 08:53 GMT+7

Năm học mới, lại rộ lên chuyện hàng trăm giáo viên ở nơi này nơi kia đứng trước nguy cơ mất việc , hàng nghìn cử nhân sư phạm ra trường không có việc làm... nhưng trên thực tế nhiều địa phương đang 'cầu cứu' Chính phủ vì thiếu giáo viên mà không được tuyển.

Nhiều nơi "cầu cứu" chính phủ
Không cắt giảm cơ học chỉ tiêu biên chế trong ngành giáo dục
Theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ, Bộ đã có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư yêu cầu việc tinh giản biên chế phải gắn với việc bảo đảm các quy định về định mức số lượng GV đối với mỗi cấp học, chế độ làm việc... Trong những năm tới, ưu tiên biên chế được giao để tuyển dụng GV mầm non, GV dạy các môn học mới ở phổ thông theo chương trình giáo dục phổ thông mới. Không cắt giảm cơ học chỉ tiêu biên chế giao hằng năm để thực hiện biên chế mà cần làm tốt việc đánh giá phẩm chất, năng lực cán bộ quản lý, GV theo chuẩn nghề nghiệp và đánh giá kết quả làm việc của đội ngũ để sàng lọc, phân loại làm căn cứ tinh giản biên chế.
Trước năm học mới 2018 - 2019, nhiều nơi phải kiến nghị Chính phủ về việc thiếu giáo viên (GV) mà không được tuyển thêm dù là biên chế hay hợp đồng.
Tại hội nghị triển khai nhiệm vụ năm học mới, với sự tham dự của Phó thủ tướng Vũ Đức Đam diễn ra hồi đầu tháng 8 này, nhiều địa phương “than trời” về việc thiếu GV mà không được tuyển.
Ông Hà Kế San, Phó chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ, chỉ ra mâu thuẫn khi nhu cầu học tập của người dân ngày càng cao, trách nhiệm của nhà nước là phải đáp ứng tốt nhu cầu ấy. Tuy nhiên, Nghị quyết 19 của T.Ư yêu cầu giảm biên chế 10% từ nay đến năm 2021. Với Phú Thọ, nếu giảm như vậy thì sẽ phải giảm hơn 2.400 GV. Trong khi đó hiện nay riêng GV mầm non thiếu trầm trọng.
Ông San đề nghị: “Chính phủ, Bộ GD-ĐT tính toán như thế nào để giảm biên chế nhưng không thể đẩy các thầy các cô “ra ngoài đường”, GV vẫn phải có việc làm và người có nhu cầu học vẫn có người dạy”.
Đề nghị này cũng nhận được hưởng ứng của Phó chủ tịch UBND TP.Hà Nội và Giám đốc Sở GD-ĐT Kiên Giang. Bà Nguyễn Thị Minh Giang, Giám đốc Sở GD-ĐT Kiên Giang, gọi đây là “khó khăn đặc biệt” của tỉnh này khi mà năm nào cũng thiếu hàng trăm GV trong khi đó nhu cầu phổ cập, nhu cầu học tập của người dân là rất lớn. Bà Giang chỉ ra rằng hiện nay Nghị quyết của T.Ư là không được hợp đồng lao động nếu địa phương đó đã sử dụng hết biên chế. Tuy nhiên, nếu không hợp đồng lao động thì lấy đâu GV mà dạy cho học sinh (HS)? “Chúng tôi đã hỏi HĐND tỉnh là hợp đồng GV hay đóng cửa trường học, nhưng không ai trả lời được câu hỏi đó. Với chức năng, nhiệm vụ của ngành, chúng tôi vẫn hợp đồng để có GV dạy học, nhưng như vậy thì có vi phạm pháp luật hay không?”, bà Giang nói.
Học sinh tăng nhưng biên chế giáo viên không tăng
Thống kê của Sở GD-ĐT Thanh Hóa cho biết hiện khối mầm non thiếu 2.549 GV; tiểu học thiếu 349 GV; khối trường THPT thiếu 126 GV... Trước thực trạng trên, Sở GD-ĐT Thanh Hóa kiến nghị Chính phủ giao đủ biên chế cho các cơ sở giáo dục, nhất là khi số lượng HS tăng, số lớp tăng hằng năm. Nếu không bổ sung đủ biên chế GV, sẽ không đảm bảo chất lượng giáo dục; không đảm bảo các điều kiện an toàn trong trường học, đặc biệt đối với trẻ mầm non.

Tương tự, tại Bắc Ninh, chuẩn bị cho năm học 2018 - 2019, toàn tỉnh có hơn 300.000 HS các cấp từ mầm non đến THPT, như vậy số biên chế cần có theo định mức của Bộ GD-ĐT là 20.497 người, trong khi toàn ngành mới có 18.311 biên chế, thiếu 2.186 biên chế (riêng GV thiếu 2.093 biên chế). Mức biên chế này toàn ngành được giao từ năm học 2015 - 2016 và giữ nguyên từ đó đến nay, trong khi số HS các cấp tăng nhanh đòi hỏi phải tăng cường cơ sở vật chất và đội ngũ GV mới đáp ứng tốt yêu cầu dạy và học.
Trước tình trạng thiếu GV cục bộ, UBND tỉnh này đã kiến nghị Bộ GD-ĐT và Bộ Nội vụ báo cáo Thủ tướng Chính phủ bổ sung cho tỉnh 2.093 chỉ tiêu biên chế GV. Ngày 9.7, Bộ GD-ĐT có công văn phúc đáp, đề nghị UBND tỉnh cần bố trí ưu tiên biên chế trong chỉ tiêu được giao hằng năm cho ngành GD-ĐT và không cắt giảm cơ học tỷ lệ tinh giản biên chế vào chỉ tiêu biên chế giao hằng năm để có biên chế tuyển dụng cho các trường còn thiếu...
Văn phòng Chính phủ phát văn bản truyền đạt ý kiến của Phó thủ tướng Vũ Đức Đam giao Bộ Nội vụ nghiên cứu đề xuất của UBND tỉnh Bắc Ninh, ý kiến của Bộ GD-ĐT về vấn đề biên chế của ngành nói chung và tỉnh Bắc Ninh, từ đó tổng hợp số liệu, kiến nghị của các địa phương, đề xuất giải pháp tháo gỡ và báo cáo Thủ tướng trong tháng 8.2018…
Vì sao hàng trăm GV bị “dọa” chấm dứt hợp đồng?
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) đã từng đặt vấn đề với người đứng đầu ngành GD-ĐT về việc thời gian qua dư luận rất bất bình trước việc nhiều địa phương sa thải hàng trăm GV hợp đồng. Việc này theo bà Thúy có hai khả năng: Một là có thể số GV đã tuyển đều không đạt chất lượng; hai là việc ký, chấm dứt hợp đồng không được thực hiện đúng quy định, làm cho GV không yên tâm phục vụ. Cả hai khả năng đều ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục phổ thông và mầm non...
“Tôi hiểu việc này chủ yếu thuộc trách nhiệm của địa phương, nhưng để tình trạng này lặp đi, lặp lại kéo dài ở nhiều địa phương… Với cương vị người đứng đầu cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục ở T.Ư, Bộ trưởng có giải pháp gì để chấm dứt hiện tượng nhiều tiêu cực trên?”, bà Thúy đặt vấn đề.
Ngày 22.6.2018, trả lời đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Kim Thúy bằng văn bản, Bộ GD-ĐT cho rằng: Hiện nay, trong quá trình triển khai thực hiện việc tinh giản biên chế và đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập, các địa phương đã tiến hành rà soát, sắp xếp lại đội ngũ GV các cấp học.
Theo đó, một số địa phương đã chấm dứt hợp đồng lao động đối với nhiều GV, gây bức xúc trong đội ngũ GV và xã hội. Nguyên nhân của vấn đề này không phải do các GV hợp đồng bị sa thải không đạt chất lượng mà do công tác xây dựng quy hoạch, dự báo nhu cầu về đội ngũ GV của các địa phương chưa kịp thời, không hiệu quả dẫn đến bị động trong bố trí số lượng GV, đặc biệt đối với bậc học mầm non, tiểu học và THCS. Một số địa phương đã thực hiện việc tuyển dụng GV không đúng các quy định hiện hành (hợp đồng ngoài chỉ tiêu biên chế được giao). Trong khi đó, các cơ quan có thẩm quyền quản lý trực tiếp và liên quan như ngành nội vụ, ngành giáo dục và UBND tỉnh chưa kiểm tra, giám sát thường xuyên đối với công tác tuyển dụng, sử dụng đội ngũ GV của các đơn vị cấp dưới dẫn đến sai phạm diễn ra trong một thời gian dài, gây hậu quả nghiêm trọng.
Bộ GD-ĐT cũng cho biết đang thực hiện một số giải pháp nhằm góp phần khắc phục tình trạng trên, cụ thể: Chỉ đạo các địa phương rà soát hiện trạng GV theo từng môn học, cấp học gắn với quy hoạch, cơ cấu lại hệ thống các cơ sở giáo dục để sắp xếp, bố trí, sử dụng hiệu quả và nâng cao chất lượng đội ngũ GV. Kiến nghị Thủ tướng Chỉnh phủ xem xét, chỉ đạo các cơ quan chức năng phối hợp với Bộ GD-ĐT tăng cường việc thanh tra, kiểm tra, giám sát các địa phương thực hiện các quy định pháp luật về vị trí việc làm và định mức số lượng người làm việc trong tuyển dụng, sử dụng GV mầm non, phổ thông, đặc biệt là những “điểm nóng” về chấm dứt hợp đồng lao động GV trong thời gian qua như báo chí đã nêu; xử lý nghiêm các địa phương tuyển dụng, sử dụng GV không đúng quy định hiện hành của pháp luật.
Giao quyền tuyển dụng giáo viên cho hiệu trưởng
Ứng viên do Sở GD-ĐT TP.HCM tuyển dụng nhận giấy phân công nhiệm sở vào ngày 8.8 vừa qua Ảnh: Minh Hoàng
Theo công bố của Sở GD-ĐT TP.HCM, năm học 2018 - 2019, Sở sẽ bắt đầu thực hiện chủ trương tự chủ biên chế và tổ chức trong các trường THPT. Trước tiên, Sở phân cấp trách nhiệm tuyển dụng giáo viên, nhân viên đối với 2 trường THPT chuyên là Lê Hồng Phong và Trần Đại Nghĩa và lộ trình đến sau năm 2020, 100% các trường THPT sẽ tự chủ về nhân sự cho đơn vị của mình.
Với thông tin này, ông Nguyễn Huỳnh Long, Trưởng phòng Tổ chức cán bộ Sở GD-ĐT TP.HCM, cho hay trước khi thực hiện, Sở đã lấy ý kiến và nhận được sự đồng tình của hiệu trưởng các trường THPT. Đây là chủ trương hợp lý vì các trường là đơn vị trực tiếp sử dụng người lao động, họ sẽ biết cần GV có năng lực như thế nào là phù hợp.
Ông Phạm Phương Bình, Hiệu phó Trường THPT Nguyễn Hữu Huân (Q.Thủ Đức), phấn khởi nói: “Mỗi trường có chiến lược, kế hoạch phát triển và đặc thù khác nhau. Khi được tự chủ trong tuyển dụng nhân sự, lãnh đạo nhà trường có kế hoạch dài hơi cũng như chủ động trong việc sắp xếp, tổ chức hoạt động trong nhà trường. Đồng thời, hội đồng tuyển dụng của mỗi trường sẽ có những bước thẩm định ban đầu về năng lực khi tiếp xúc trực tiếp với ứng viên là ưu thế so với việc phân công công tác như hiện nay”.
Ông Phạm Phương Bình nhấn mạnh, sự tự chủ này còn tạo điều kiện cho các trường trong vấn đề đào tạo nguồn. Chẳng hạn, trường có thể chủ động phát hiện ra những học sinh có tố chất, có năng lực và nếu cần động viên, khuyến khích các em học sư phạm sau đó tốt nghiệp về công tác tại trường.
Thế nhưng dù chủ trương có ưu việt đến đâu thì theo ông Long, chắc chắn trong quá trình thực hiện sẽ nảy sinh vấn đề, trong đó chắc hẳn lo ngại quyền lực tập trung vào người đứng đầu sẽ dễ nảy sinh tiêu cực.
Ông Nguyễn Văn Ngai, nguyên Phó giám đốc Sở GD-ĐT, cũng từng chỉ ra hạn chế của quy định này: “Nếu hiệu trưởng thiếu tâm, thiếu tầm dễ xảy ra những tiêu cực. Khi quyền hạn trong tay, họ dễ tuyển theo suy nghĩ cá nhân chứ không đặt mục tiêu chung, không đảm bảo nghiêm túc những tiêu chí đã đưa ra. Từ đó xảy ra sự phân biệt đối xử với cá nhân có ý kiến trái chiều và ngược lại kéo theo sự thiếu dân chủ”.
Ông Cao Huy Thảo, nguyên Hiệu trưởng Trường THPT quốc tế Việt Úc (SIC), đã từng băn khoăn, hiện nay có một số GV không có niềm tin vào hiệu trưởng nên khi có thêm “quyền sinh quyền sát” trong tay thì thế nào?
Trả lời về quy trình và lộ trình thực hiện chủ trương, ông Huỳnh Long nói, năm học này, Sở phân cấp cho trường chuyên, năm học tới là 7 trường bao gồm các trường THPT thực hiện mô hình tiên tiến, trường THPT có lớp chuyên như Lê Quý Đôn, Nguyễn Thượng Hiền, Gia Định, Mạc Đĩnh Chi, Nguyễn Hữu Huân, Nguyễn Du, Nguyễn Hiền. Năm tiếp theo là trường nội thành, những trường có đủ điều kiện…
Ông Long khẳng định phân cấp nhưng Sở không giao khoán mà sẽ tăng cường giám sát để xử lý và hỗ trợ kịp thời. Đồng thời để đảm bảo tính chính xác, công khai và minh bạch, Sở sẽ thẩm định hồ sơ của tất cả các ứng viên trúng tuyển trước khi trường ký hợp đồng chính thức. Sở sẽ tập huấn và làm công tác tư tưởng với hiệu trưởng quyết liệt, để hiệu trưởng hiểu rằng phải đặt quyền lợi của nhà trường lên trên hết. Nếu vì mối quan hệ mà tuyển nhân sự không phù hợp thì hiệu trưởng sẽ là người chịu hậu quả trước tiên.
Bích Thanh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.