Thủ tướng yêu cầu Bộ GD-ĐT tổ chức đối thoại về sách của GS Hồ Ngọc Đại

21/11/2019 21:20 GMT+7

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng Bộ GD-ĐT rà soát lại việc thẩm định SGK nói chung, đánh giá lại chương trình thực nghiệm của GS Hồ Ngọc Đại và tổ chức đối thoại, tiếp thu trên tinh thần cầu thị, xây dựng, đúng pháp luật .

Liên quan đến ý kiến của PGS.TS Nguyễn Kế Hào về kết quả thẩm định các bản mẫu SGK môn tiếng Việt lớp 1, toán lớp 1 do GS.TSKH Hồ Ngọc Đại chủ biên, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ như sau: “Giao Bộ trưởng Bộ GD-ĐT nghiên cứu kỹ ý kiến của GS.TSKH Hồ Ngọc Đại, PGS.TS Nguyễn Kế Hào và ý kiến của các chuyên gia, dư luận về “chương trình thực nghiệm”; chỉ đạo rà soát lại việc thẩm định SGK nói chung, đánh giá lại “chương trình thực nghiệm” và tổ chức đối thoại, tiếp thu trên tinh thần cầu thị, xây dựng, đúng pháp luật”.
Trước đó, PGS Nguyễn Kế Hào, Trung tâm Công nghệ giáo dục đã ký văn bản kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT sau khi bản thảo sách của GS Hồ Ngọc Đại bị loại ngay từ vòng thẩm định đầu tiên.
PGS Nguyễn Kế Hào cho rằng: “Bộ sách này không cần thay bằng bộ sách mới, như sách cải cách hay sách của chương trình tiểu học năm 2000, mà là bộ sách mới được cuộc sống lựa chọn sử dụng. Sách tiếng Việt và toán công nghệ giáo dục đã được đánh giá thẩm định nhiều lần (năm 1990, năm 2017 và năm 2018) mà chưa phải cải cách lần nào, chỉ chỉnh sửa, bổ sung, hoàn thiện để phát triển. Do đó, không nên chỉ đánh giá SGK công nghệ giáo dục theo thông tư và những chỉ báo mà hội đồng thẩm định đang áp dụng”. PGS Hào khẳng định về bản chất, chương trình công nghệ giáo dục phù hợp với đường lối, quan điểm đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, cả về lý thuyết và thực tiễn.
Theo PGS Nguyễn Kế Hào, với hơn 40 năm được “cuộc sống lựa chọn”, và ít nhất 2 lần trong lịch sử cải cách giáo dục (năm 1986 và năm 2006), sách tiếng Việt 1 của GS Hồ Ngọc Đại là giải pháp để khắc phục tình trạng lưu ban, “ngồi nhầm lớp” ở rất nhiều địa phương trên cả nước. “Do vậy, nhìn từ góc độ quốc gia thì đây phải được coi là một thành tựu, không nên bỏ”, GS Hào nêu quan điểm.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.