Chiều nay, 15.8, 5.600 thí sinh tại Hà Nội và Thanh Hóa sẽ bắt đầu làm bài kiểm tra tư duy để lấy điểm làm căn cứ xét tuyển vào Trường đại học Bách khoa Hà Nội, theo phương án xét tuyển kết hợp bài kiểm tra tư duy (một trong 3 phương án tuyển sinh Trường đại học Bách khoa Hà Nội áp dụng năm nay).
Toán tự luận chiếm 1/4 tổng điểm bài thi
Đây là lần đầu tiên Trường đại học Bách khoa Hà Nội tổ chức phương án xét tuyển này và trở thành trường đại học duy nhất ở khu vực phía Bắc tổ chức cho thí sinh kiểm tra tư duy để làm căn cứ xét tuyển trong kỳ tuyển sinh năm nay. Hoạt động này là tiền đề quan trọng để Trường đại học Bách khoa Hà Nội thực hiện tự chủ tuyển sinh từ năm 2021.
Vì thế, nội dung bài kiểm tra tư duy gồm những gì là điều không chỉ thí sinh năm nay mà còn được nhiều học sinh năm nay lên lớp 12 quan tâm.
Theo PGS Huỳnh Quyết Thắng, Phó hiệu trưởng Trường đại học Bách khoa Hà Nội, bài kiểm tra tư duy năm nay được tổ chức như một bài thi bổ sung, lấy kết quả xét tuyển kết hợp với các điểm thi tốt nghiệp THPT 2020.
Năm nay, Trường đại học Bách khoa Hà Nội tuyển sinh 57 mã ngành thì 55 mã ngành sử dụng tổ hợp A19 hoặc A20 (riêng ngành kỹ thuật dệt may dùng cả 2 tổ hợp A19, A20) để xét tuyển, đây là 2 tổ hợp có điểm bài kiểm tra tư duy. Thậm chí, cả 55 mã ngành đều xem bài kiểm tra tư duy là môn chính, điểm xét tuyển nhân hệ số 2.
Bài kiểm tra tư duy có thời lượng 120 phút, chia làm 2 phần. Phần toán có thời lượng 90 phút, bao gồm phần trắc nghiệm và phần tự luận, chiếm 75% tổng số điểm của bài thi. Phần đọc hiểu có thời lượng 30 phút, hình thức trắc nghiệm, chiếm 25% tổng số điểm của bài thi.
Phần toán nhằm đánh giá khả năng tư duy và vận dụng những kiến thức cơ bản của toán học vào việc giải quyết những bài toán trong thực tế, đồng thời đánh giá khả năng học toán cao cấp và các môn khoa học - kỹ thuật ở bậc đại học của thí sinh.
Cấu trúc phần toán của bài kiểm tra tư duy bao gồm:
- Phần trắc nghiệm có 25 câu, chiếm 50% tổng số điểm của bài thi.
- Phần tự luận có tối đa 3 chủ đề, chiếm 25% tổng số điểm của bài thi.
Kiểm tra những kỹ năng gì trong toán?
Nội dung kiến thức toán nằm trong chương trình THPT, được yêu cầu ở mức độ thông hiểu, vận dụng và vận dụng sáng tạo: hàm số và phương trình lượng giác; tổ hợp - xác suất; dãy số - cấp số; giới hạn và tính liên tục của hàm số; ứng dụng của đạo hàm cho bài toán khảo sát hàm số; mũ và logarit; nguyên hàm - tích phân và ứng dụng; số phức; hình học không gian; khối đa diện, khối tròn xoay; phương pháp tọa độ trong mặt phẳng và không gian.
Yêu cầu kỹ năng của phần toán gồm các kỹ năng cần thiết gắn liền với môn toán ở THPT và làm cơ sở cho việc học tập ở bậc đại học như:
Kỹ năng mô hình hoá toán học: sử dụng các mô hình toán học (gồm công thức, phương trình, bảng biểu, đồ thị,...) để mô tả các tình huống đặt ra từ các bài toán thực tế; giải quyết các vấn đề toán học trong mô hình được thiết lập.
Kỹ năng giải quyết vấn đề: nhận biết, phát hiện được vấn đề cần giải quyết bằng toán học; sử dụng được các kiến thức, kỹ năng toán học tương thích (bao gồm các công cụ và thuật toán) để giải quyết vấn đề đặt ra.
Kỹ năng tư duy và lập luận toán học: so sánh; phân tích; tổng hợp; đặc biệt hoá; khái quát hoá; tương tự; quy nạp; diễn dịch.
Kỹ năng giao tiếp toán học: trình bày, diễn đạt được các nội dung, ý tưởng và giải pháp toán học. Sử dụng hiệu quả ngôn ngữ toán học (chữ số, chữ cái, ký hiệu, biểu đồ, đồ thị, các liên kết logic,...) kết hợp với ngôn ngữ thông thường khi trình bày, giải thích và đánh giá.
Ví dụ về một câu hỏi tự luận trong phần thi toán:
|
Ví dụ này cho thấy, các thí sinh cần có đầy đủ các kỹ năng như: kỹ năng mô hình hóa để đưa vấn đề thực tế về biển quảng cáo thành vấn đề của toán học là tính diện tích hình phẳng, sử dụng các kiến thức toán học về đường elip và ứng dụng của tích phân để giải quyết vấn đề.
Trong quá trình tính toán thí sinh có thể sử dụng kỹ năng phân tích về tính đối xứng để rút gọn hơn quá trình tính toán. Sử dụng các kỹ năng tư duy và lập luận toán học để thực hiện các bước tính toán các yếu tố và tính được số tiền cần sơn biển quảng cáo. Thông qua việc trình bày lời giải bài toán sẽ đánh giá kỹ năng giao tiếp toán học của thí sinh.
Phần đọc hiểu thông tin khoa học
Theo PGS Huỳnh Quyết Thắng, Hội đồng tuyển sinh Trường đại học Bách khoa Hà Nội, cho rằng đọc hiểu là một trong những năng lực cốt lõi, cần thiết cho việc tự học và học tập suốt đời. Do đó, phần thi này tập trung đánh giá kỹ năng đọc cùng với năng lực phân tích, lý giải văn bản, khái quát, tổng hợp, biện luận về logic và suy luận từ văn bản.
Nội dung đọc hiểu trong đề thi đa dạng, phong phú, chủ yếu liên quan tới những chủ đề về khoa học tự nhiên, kỹ thuật và công nghệ; có thể học sinh đã được đọc hoặc cũng có thể là hoàn toàn mới, chưa bao giờ đọc đến. Chính vì vậy, học sinh không phải ôn tập theo kiểu ghi nhớ, hay học thuộc lòng, không cần luyện các “mẹo” làm bài và nhất là không “học tủ”.
Độ khó của các câu hỏi thi được phân định theo 4 mức độ: nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng sáng tạo…
Phần thi đọc hiểu được thiết kế ở dạng trắc nghiệm, thời lượng 30 phút, chiếm 25% tổng số điểm của bài thi.
Cấu trúc chung: gồm 3 - 4 bài đọc, thuộc các lĩnh vực kể trên. Mỗi bài đọc sẽ có khoảng 800 - 1.000 từ, có dạng những bài viết tổng quan hoặc phần kiến thức tương tự giáo trình đại học năm thứ nhất.
Sau mỗi bài đọc sẽ có 7 - 10 câu hỏi để học sinh trả lời. Dạng câu hỏi là trắc nghiệm, với 4 phương án lựa chọn (A, B, C, D). Những câu hỏi này kiểm tra việc hiểu và sử dụng các thông tin trong văn bản.
Bình luận (0)