TP.HCM không khai giảng, bắt đầu học trực tuyến ra sao?

19/08/2021 09:00 GMT+7

Sở GD-ĐT TP.HCM đề xuất không tổ chức tựu trường, khai giảng năm học mới, các trường sẽ dạy trực tuyến. Bên cạnh ý kiến đồng tình vẫn còn nhiều nỗi lo lắng, đặc biệt với học sinh tiểu học và đầu cấp. .

Hôm nay (19.8), UBND TP.HCM sẽ có những quyết định chính thức về phương án và kế hoạch thời gian năm học mới đối với tất cả các bậc học. Theo đề xuất của Sở GD-ĐT, các trường THCS, THPT sẽ tổ chức hướng dẫn học sinh (HS) kỹ năng, phương pháp học trực tuyến từ ngày 1 - 5.9. Ngày 6.9 sẽ bắt đầu giảng dạy theo chương trình năm học mới.
Các trường tiểu học sẽ tổ chức hướng dẫn HS kỹ năng, phương pháp học trên internet từ ngày 8 - 19.9. Bắt đầu từ ngày 20.9 thực hiện giảng dạy theo chương trình năm học.
Các trường mầm non sẽ khai giảng chậm hơn, khi tình hình dịch Covid-19 được kiểm soát, HS có thể đến trường.

Covid-19 sáng 19.8: Cả nước 302.101 ca nhiễm, 115.059 ca khỏi | Thêm số điện thoại khẩn cấp cho người khó khăn

Không thể chờ đến khi dịch được kiểm soát

Với những đề xuất về thời gian và phương án tổ chức giảng dạy của Sở GD-ĐT, ông Phạm Phương Bình, Hiệu phó Trường THPT Nguyễn Hữu Huân (TP.Thủ Đức), cho rằng kế hoạch như vậy là hợp lý vì không thể chờ đến khi dịch bệnh kiểm soát để học tập trung. Thêm vào đó, việc bắt đầu năm học bằng hình thức học trực tuyến với HS THCS và THPT không gặp vấn đề hay khó khăn như bậc học thấp hơn.
Ông Bình cho hay HS lớp 11, lớp 12 đã có biên chế lớp, tài khoản học trực tuyến nên việc tập trung HS trên môi trường internet để hướng dẫn HS kỹ năng, phương pháp học khá thuận tiện. Dự kiến nhà trường sẽ tổ chức giảng dạy theo chương trình cơ bản, tập trung các môn kiến thức. Còn các môn như thể dục, giáo dục quốc phòng đòi hỏi tập luyện thì giáo viên sẽ cho HS học lý thuyết, thực hiện theo động tác mẫu có trong giáo án điện tử.
Tương tự, ông Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du (Q.10), cho biết trong bối cảnh dịch như hiện nay, không thể biết trước khi nào có thể đến trường học tập trung nên việc tổ chức năm học mới theo hình thức trực tuyến là cần thiết và hợp xu thế, cho dù còn gặp khó khăn ở những lớp học tiểu học.
Tuy nhiên, theo ông Phú, Sở cần có hướng dẫn điều tiết phân phối chương trình, phân phối nội dung các môn học cho phù hợp. Nên chăng giảm bớt số tiết cần thực tập, thực hành trong điều kiện thực tế như thể dục, công nghệ, tin học…
Đặc biệt, ông Phú nhấn mạnh TP cần có chính sách đẩy mạnh việc tiêm vắc xin cho HS từ 12 đến dưới 18 tuổi để đảm bảo an toàn sức khỏe một cách tốt nhất trước khi trở lại trường.

Gần 10.000 giáo viên, nhân viên ngành giáo dục TP.HCM bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19

Băn khoăn với học sinh đầu cấp và tiểu học

Tuy nhiên ngay ở bậc THPT, một hiệu trưởng ở khu vực có nhiều người dân nhập cư, đưa ra băn khoăn đối với HS đầu cấp. Theo kế hoạch, ngày 27.8, HS hoàn tất việc nhập học lớp 10. Sau ngày đó, các trường mới sắp xếp biên chế lớp, phân công giáo viên, thông tin các chương trình nhà trường đến HS, phụ huynh... Trong khi đó, có nhiều gia đình HS đã di chuyển về quê, gặp nhiều khó khăn để tiếp cận thông tin. Vì vậy, vị hiệu trưởng này cho rằng đối với HS đầu cấp THPT nên dời thời gian sau 1 tuần so với thời gian đề xuất.
Tương tự, lãnh đạo nhiều trường tiểu học cho biết hiện vẫn chưa hoàn thành được việc tuyển sinh và nhiều phụ huynh HS vẫn chưa sẵn sàng cho năm học mới do ảnh hưởng của dịch bệnh.
Theo các giáo viên, lo nhất với lớp 1 vì là lứa HS đặc biệt vừa chuyển tiếp từ bậc mầm non lên, các em chưa được làm quen với môi trường, nội quy ở bậc học mới đã phải bắt đầu bằng hình thức học trực tuyến.
Có hơn 10 năm dạy lớp 1, cô V.T.T (giáo viên một trường tiểu học ở Q.12) thở dài cho biết ngoài việc làm quen với nền nếp thì thời gian đầu các em phải tập làm quen với kỹ năng, từ cách cầm bút, cách viết sao cho đúng, ngồi sao cho thẳng lưng, viết nét to như thế nào, nét nhỏ ra sao, đánh vần sao cho đúng… Những kỹ năng này, nếu dạy qua trực tuyến thì lớp 50 bạn may ra chỉ được 10 bạn hiểu.
Tương tự, ông Võ Phương Bình, Hiệu trưởng Trường tiểu học Ngô Quyền (Q.Bình Tân), cũng cho rằng nếu học trực tuyến thì khó khăn nhất vẫn là lứa HS lớp 1. “Lớp 1 khó lắm, vì bây giờ mình vẫn chưa thể hoàn thành được khâu xác nhận hồ sơ tuyển sinh, chưa kết nối được với phụ huynh, HS, giáo viên cũng chưa có danh sách. Chưa kể, ở khu vực Q.Bình Tân hầu hết là con em công nhân, nên nhiều gia đình không có điều kiện, thiết bị kết nối mạng để học”, ông Bình nói.
Do vậy, theo ông Bình, với HS tiểu học, đặc biệt lớp 1 nếu bắt đầu năm học mới bằng hình thức trực tuyến thì thời gian đầu chỉ nên cho các em tiếp cận những video clip ngắn, giới thiệu nội dung bài học. Sau đó dựa vào tình hình thực tế của từng trường, từng lớp cụ thể rồi triển khai tiếp.

Hướng dẫn từ phụ huynh

Bà Dương Thiện Trần Diễm, Hiệu phó Trường tiểu học Lê Quý Đôn (Q.Bình Tân), cũng cho biết trường vẫn chưa hoàn tất được việc tuyển sinh. Theo bà Diễm, nếu bắt đầu năm học mới bằng hình thức trực tuyến thì phải dựa trên tình hình thực tế của từng khu vực.
“Năm trước khi triển khai trực tuyến có gần 40% HS không thể tham gia do gia đình không có thiết bị kết nối mạng, thậm chí có những em không thể liên lạc được. Dù vậy, số em còn lại, nếu được cha mẹ hỗ trợ thì vẫn có thể theo kịp chương trình rất tốt”, bà Diễm cho hay.
Trong khi đó, theo bà Nguyễn Thị Đoan Trang, Hiệu trưởng Trường tiểu học Đống Đa (Q.Bình Thạnh), hãy xem dịch bệnh là một vấn đề khó khăn và bây giờ buộc phải tìm cách khắc phục và việc học nếu tiếp tục hoãn thì không biết tới khi nào HS mới tới trường được.
“Học trực tuyến thì dĩ nhiên sẽ khó khăn hơn nhiều so với học trực tiếp tại trường, nhưng chúng tôi sẽ bằng mọi hình thức hỗ trợ HS bắt kịp được với tình hình thực tế. Mà đầu tiên, trường sẽ xây dựng video clip hướng dẫn cha mẹ HS về việc cần chuẩn bị những gì cho con, giúp con làm quen với việc học thế nào. Trước tiên, chúng tôi phải tiếp xúc được với cha mẹ HS đã, rồi mới tính tới chuyện dạy thế nào”, bà Trang nói.
Theo bà Trang, khi bắt đầu triển khai năm học mới, mỗi quận, huyện sẽ có hướng dẫn cụ thể hơn, các trường cũng sẽ có bộ phận chuyên môn để xây dựng kế hoạch phù hợp. Đây là hình thức giúp các trường vận hành năm học mới đi vào hoạt động.
Trong khi đó, về phía phụ huynh, nhiều người cho biết vẫn đang ngổn ngang vì khu mình ở đang phong tỏa, vẫn chưa thể hoàn thành việc nhập học cho con, sách giáo khoa và đồ dùng học tập chưa thể mua được.
3 phương án tổ chức dạy và học
Sở GD-ĐT cũng đề xuất 3 phương án tổ chức dạy và học căn cứ vào tình hình diễn biến dịch cho từng giai đoạn.
Phương án 1: Căn cứ tình hình dịch Covid-19 được kiểm soát đến ngày 15.9, các trường tổ chức dạy học trên internet trong thời gian khoảng 4 - 6 tuần đầu năm học. Riêng lớp 1 sẽ xây dựng các đoạn phim bài giảng và đưa lên internet để giúp phụ huynh tương tác, hướng dẫn trẻ học, làm quen dần với việc học trên mạng.
Phương án 2: Trong trường hợp tình hình dịch Covid-19 được thành phố khống chế và kiểm soát vào cuối tháng 9, các trường tổ chức dạy học trên internet trong thời gian khoảng 6 - 10 tuần. Sau khi hết giãn cách theo Chỉ thị 16, có thể vẫn tiếp tục giãn cách xã hội ở các mức thấp hơn, sẽ ưu tiên lớp 1, lớp 2, các lớp đầu và cuối cấp học trực tiếp (chia nhỏ lớp), các khối khác tiếp tục học trực tuyến đến khi ổn định trở lại.
Phương án 3: Áp dụng nếu tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, đến cuối năm 2021, thành phố mới khống chế và kiểm soát tốt thì các trường tổ chức dạy học trên internet trong thời gian học kỳ 1 của năm học.
Trong các phương án, Sở GD-ĐT nhấn mạnh phụ đạo, ôn tập, củng cố cho HS lớp 1 và các lớp cuối cấp (nhất là lớp 12). Có thể kéo dài thời gian năm học 2021 - 2022, riêng với các khối lớp này đến cuối tháng 6.2022 (lớp 12 kéo dài đến thời điểm thi tốt nghiệp THPT).
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.