TP.HCM lây nhiễm Covid-19 tăng cao: Thi hay không thi tốt nghiệp THPT đợt 1?

29/06/2021 08:27 GMT+7

Đến chiều tối hôm qua Sở GD-ĐT TP.HCM vẫn chưa có quyết định chính thức sẽ cho học sinh lớp 12 thi tốt nghiệp THPT theo lịch của Bộ GD-ĐT vào ngày 7 - 8.7 khi tiến hành khảo sát ý kiến phụ huynh về vấn đề này.

Theo Sở GD-ĐT khảo sát này làm cơ sở để xem xét toàn diện khi TP quyết định tổ chức thi tốt nghiệp THPT nhằm đảm bảo sự an tâm và an toàn trong lúc dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.

Thi cả hai đợt vì học sinh đã khá mệt mỏi?

Ông Phạm Phương Bình, Hiệu phó Trường THPT Nguyễn Hữu Huân, TP.Thủ Đức, cho hay tổ chức thi THPT đợt 1 hiện nay trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp gây ra nhiều tâm lý lo lắng cho phụ huynh, học sinh (HS). Tuy nhiên, phải đánh giá chính xác công tác chuẩn bị của Sở GD-ĐT và các ban ngành hiện nay rất chu đáo, nghiêm túc và có sự phối hợp chặt chẽ giữa các ban ngành của TP. Trong đó, đã triển khai tiêm vắc xin, khử khuẩn, xây dựng phương án đảm bảo an toàn ở các điểm thi.

64% bạn đọc Báo Thanh Niên đề nghị bỏ thi tốt nghiệp

Theo khảo sát của Báo Thanh Niên, đến sau 19 giờ hôm qua có 7.570 lượt tham gia. Trong đó có 64% chọn bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT, 24% thi đợt 2 và 12% chọn thi đợt 1.
 
Bên cạnh đó TP sẽ tiến hành xét nghiệm toàn bộ HS dự thi. “Việc tổ chức thi đợt 1 còn giải tỏa tâm lý cho HS, việc nghỉ học sau tết do ảnh hưởng dịch bệnh đã làm các em khá căng thẳng và lo lắng trong thời gian dài. Có thể thấy hiện nay các em khá mệt mỏi và chờ đợi để được thi. Việc học trực tuyến trong một thời gian dài cũng tạo nên sự mệt mỏi và căng thẳng. Trong khi thời điểm tổ chức thi lần 2 hay xác định khi nào hết dịch để an toàn tổ chức kỳ thi vẫn chưa có câu trả lời, các em sẽ phải chờ đợi và vẫn phải tiếp tục dành nhiều thời gian ôn tập để thi đợt 2”, ông Bình nhận định.

Sáng 29.6: TP.HCM thêm 58 ca Covid-19, tiếp tục giãn cách xã hội theo Chỉ thị 10

Chỉ thi đợt 2 để an toàn

Một giáo viên của Trường THPT Bùi Thị Xuân (Q.1, TP.HCM) chọn thi đợt 2 với lý do, hiện nay số ca trong cộng đồng chưa xác định nguồn lây nhiều. Nhân lực y tế TP đang quá tải vì vừa chữa bệnh, vừa lo tiêm vắc xin, vừa lo lấy mẫu và điều trị. Xét nghiệm trước 5 ngày cũng không đảm bảo được.

Kế hoạch của các địa phương

Tại các địa phương đến thời điểm này không bị dịch Covid-19 gây bất ổn, như Đồng Nai, Ninh Thuận, Bà Rịa-Vũng Tàu… sẽ tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT vào 2 ngày 7 và 8.7 như lịch của Bộ GD-ĐT.
Chiều 28.6, ông Nguyễn Ngọc Thái, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Ngãi, cho biết, do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nên tại TX.Đức Phổ, Sở sẽ cho 1.265 thí sinh tại TX.Đức Phổ không dự thi tốt nghiệp THPT đợt 1.
Mỹ Quyên - Phạm Anh
“Những thí sinh không cần dựa vào kết quả kỳ thi để xét tuyển ĐH thì mong thi cho xong. Nhưng nếu thi đợt 1 thì nguy cơ bùng dịch lớn, ai dám đứng ra nhận trách nhiệm?”, giáo viên này đặt vấn đề.
Phân tích cho lập luận này, phụ huynh Nguyễn Tuy Anh (Q.8, TP.HCM) đặt vấn đề: “Khó thể đảm bảo đã xét nghiệm là an toàn. Một kỳ thi vốn dĩ đã tốn biết bao nhiêu tiền của, nhân lực TP giữa lúc TP đang gồng mình chống dịch mà thậm chí cái quan trọng nhất là sự an tâm, tâm lý thoải mái của HS khi đi thi và phụ huynh cũng không hề có. Tốt nhất dời sang thi đợt 2 các con vừa có thêm thời gian được ôn tập. Khi thi với tâm lý dịch được kiểm soát cũng sẽ cảm thấy thoải mái, tự tin hơn rất nhiều, phụ huynh cũng an tâm hơn, gánh nặng về nhân lực tiền của cũng như là rủi ro cũng giảm đi rất nhiều”.
Ông Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du (Q.10, TP.HCM), khẳng định: “Nên tổ chức thi đợt 2 vì có nhiều vấn đề không biết giải quyết thế nào cho hàng ngàn thí sinh học ở các trường tư thục lên TP thi”.

Bản tin Covid-19 ngày 28.6: TP.HCM "nước sôi lửa bỏng" với 218 ca bệnh

Nhiều ý kiến mong muốn bỏ kỳ thi tốt nghiệp

Mặc dù Sở GD-ĐT không đặt ra lựa chọn “bỏ kỳ thi tốt nghiệp” nhưng phần lớn các phụ huynh và giáo viên, thậm chí HS đều mong muốn trong tình huống này cách tốt nhất là bỏ kỳ thi, giao Sở GD-ĐT xét tốt nghiệp.

Quyết định chính thức vào 30.6

Trong buổi họp báo về công tác phòng chống dịch Covid-19 do UBND TP.HCM tổ chức diễn ra vào chiều tối hôm qua (28.6), ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó giám đốc phụ trách Sở GD-ĐT, cho biết Sở đã trình phương án thi tốt nghiệp THPT, dự kiến TP sẽ tổ chức cả 2 đợt theo quy định của Bộ. Ông Hiếu nhấn mạnh đây là phương án đề xuất và trong những ngày tới, UBND TP sẽ họp và chỉ đạo cụ thể đối với kỳ thi. Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Thanh Niên, dự kiến ngày 30.6, UBND TP sẽ họp và có quyết định chính thức.
Ông Nguyễn Văn Hiếu cho hay kỳ thi tốt nghiệp THPT ngoài thi để xét tốt nghiệp còn là cơ sở để xét tuyển vào các trường ĐH. Với hầu hết các thí sinh, xét tuyển vào ĐH là mục tiêu quan trọng, do đó mong muốn được thi lần đầu.
Theo ông Hiếu, kỳ thi đợt 1 sẽ dành cho các thí sinh không thuộc diện F. Vì vậy, Sở GD-ĐT đã đề nghị với Sở Y tế thực hiện xét nghiệm toàn bộ thí sinh để tạo sự yên tâm cho các em và phụ huynh. Ông Hiếu nói thêm đa số HS muốn thi theo đợt 1 theo lịch của Bộ. Tuy nhiên, việc quyết định phụ thuộc vào tình hình sức khỏe và khu vực phong tỏa có lớn hay không.
Theo ông Hiếu, hiện Sở GD-ĐT thống kê có khoảng 4.700 HS ngoại tỉnh theo học lớp 12 tại các trường ngoài công lập. Sở có đề xuất với TP, với Bộ cho phép những HS này đăng ký tham dự thi đợt 2 nếu có nhu cầu.
Ông Hiếu cũng nói mục đích của việc khảo sát ý kiến không phải là hỏi thí sinh mong thi hay không thi, phụ huynh muốn con thi hay không mà Sở mong muốn phụ huynh nắm thêm thông tin về những nỗ lực của TP để mang đến môi trường an toàn cho thí sinh. Để các em không lo lắng mà vào phòng thi là phải tự tin, tập trung làm bài thi tốt.
Đến 19 giờ ngày 28.6, hết hạn khảo sát, các trường THPT sẽ báo cáo thống kê và Sở sẽ báo cáo với lãnh đạo TP. Ông Hiếu cho rằng Sở sẽ thống kê số liệu để tham mưu với TP trong quyết định sắp tới cho kỳ thi.
Một phụ huynh gửi ý kiến đến Báo Thanh Niên đề nghị: “Là một phụ huynh có con đang là HS lớp 12 của TP.HCM, tôi đề nghị Bộ nên bỏ hẳn kỳ thi. Ít nhất là đối với năm nay, trong tình hình dịch bệnh đang trầm trọng và chưa có dấu hiệu giảm”.
Phụ huynh này phân tích: “Lý do đề nghị bỏ hẳn kỳ thi vì điểm thi của kỳ thi này được dùng để xét tốt nghiệp trong khi trên thực tế, năm nào tỷ lệ đậu của các trường đa phần là trên 95%. Bắt 100 em đi thi giữa dịch bệnh nguy hiểm chỉ để loại tối đa 5 em... Có đáng không?”.
Về việc xét tuyển vào ĐH, phụ huynh này đề xuất: “Các trường ĐH, CĐ nên tự đặt ra tiêu chí cho riêng mình dựa trên kết quả học bạ 12 năm của HS. Một số trường đặc thù (y dược, kiến trúc…) có thể tổ chức kỳ thi tuyển sinh riêng của mình.
Hiệu trưởng một trường THPT tại TP.Thủ Đức cũng cho rằng Bộ nên cho phép TP.HCM xét công nhận tốt nghiệp cho tất cả HS có học lực từ trung bình trở lên. Vì hằng năm tỷ lệ HS đậu tốt nghiệp đều khoảng 97%. Thêm nữa hiện giờ HS đã tham gia xét tuyển học bạ và kỳ thi đánh giá năng lực hết rồi, thi tốt nghiệp chỉ còn là thủ tục.
Bức xúc, nhắc lại đề xuất của TP.HCM từ năm 2020, ông Huỳnh Thanh Phú thẳng thắn nói: “Nếu Bộ chuẩn y đề xuất về việc cho phép địa phương xét tốt nghiệp ngay từ năm 2020, khi dịch Covid-19 mới xuất hiện thì giờ này không rơi vào tình huống bị động, cả nước phải chạy theo một kỳ thi mà tâm lý phụ huynh và HS không an”.
Để có thể tránh tình trạng này lặp lại ở những năm học tới, tôi thiết nghĩ Bộ cần xem xét và đánh giá đề xuất của Sở GD-ĐT về việc giao quyền cho TP trong việc tổ chức xét tốt nghiệp THPT. B.T
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.