Theo đó, UBND TP.HCM thành lập 20 hội đồng lựa chọn sách giáo khoa cho bậc tiểu học và THCS. Mỗi hội đồng có khoảng 19 thành viên do Phó giám đốc Sở GD-ĐT giữ chức vụ Chủ tịch hội đồng, Phó chủ tịch và ủy viên hội đồng là Phó phòng phụ trách chuyên môn của Sở và Phó phòng GD một số quận, huyện. Còn lại 16 ủy viên là giáo viên các trường học trên địa bàn.
Trong quyết định thành lập, UBND TP.HCM quy định rõ nhiệm vụ và quyền hạn của Chủ tịch hội đồng chịu trách nhiệm trước UBND TP.HCM về hoạt động của hội đồng, xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch của hội đồng, phân công nhiệm vụ của phó chủ tịch hội đồng thư ký hội đồng và các ủy viên hội đồng. Xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị với UBND TP.HCM xử lý các tình huống phát sinh trong quá trình lựa chọn sách giáo khoa.
Cũng theo quy trình lựa chọn sách giáo khoa của TP.HCM thì sau khi được thành lập, Hội đồng lựa chọn sách giáo khoa tổ chức họp, thảo luận, đánh giá trên cơ sở danh mục các trường đã lựa chọn, bỏ phiếu kín chọn một hoặc một số sách giáo khoa cho mỗi môn học. Trong đó sách được chọn phải đảm bảo đạt trên 1/2 số phiếu đồng ý lựa chọn. Trường hợp môn học không có sách giáo khoa nào đạt trên 1/2 số phiếu đồng ý lựa chọn, hội đồng thảo luận và bỏ phiếu lựa chọn lại cho đến khi có ít nhất 1 sách giáo khoa cho mỗi môn học đạt trên 1/2 số phiếu đồng ý lựa chọn.
Hội đồng làm việc theo nguyên tắc tập trung dân chủ, khách quan, minh bạch. Cuộc họp phải đảm bảo đủ các thành viên theo quy định, kết quả của mỗi cuộc họp được lập biên bản trong đó bao gồm đầy đủ ý kiến của các thành viên, có chữ ký và công khai tại hội đồng.
Dự kiến cuối tháng 3, UBND TP.HCM sẽ công bố danh mục sách giáo khoa sử dụng cho năm học 2021 - 2022.
Bình luận (0)