Cuộc thi khoa học kĩ thuật cấp quốc gia học sinh trung học năm học 2017-2018 khu vực phía Bắc
do Bộ GD- ĐT phối hợp với UBND tỉnh Nghệ An tổ chức, đã quy tụ 249 dự án thuộc 22 lĩnh vực, với sự tham gia của 475 học sinh đến từ 34 tỉnh, thành phố. Đây là năm có số dự án dự thi cao nhất từ trước tới nay.
Đánh giá về cuộc thi năm nay, PGS-TS Nghiêm Ngọc Minh - đại diện hội đồng giám khảo, cho rằng các lĩnh vực mà học sinh nghiên cứu năm nay khá phong phú. Một số đề tài đã tiếp cận được những vấn đề lớn, có tính khái quát hoặc cần những kỹ thuật cao, được thực hiện trong các phòng thí nghiệm hiện đại. Hàm lượng khoa học trong các dự án được nâng lên. Đa số các đề tài đều có sự đầu tư đáng kể về hình thức và nội dung, kỹ năng trình bày và trả lời báo cáo của các em học sinh tương đối rõ ràng và tự tin.
Phát biểu tại lễ bế mạc, bà Nguyễn Thị Nghĩa, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT bày tỏ mong muốn các thí sinh tham dự sẽ tiếp tục theo đuổi đam mê khoa học, tiếp tục học tập, rèn luyện để có thể trở thành các nhà khoa học, đóng góp cho tổ quốc. Các nhà trường, các thầy cô giáo tiếp tục tạo điều kiện hỗ trợ học sinh tham gia nghiên cứu khoa học gắn liền với đổi mới căn bản và toàn diện trong giáo dục.
Bà Nghĩa đồng thời đề nghị các trường đại học, học viên các viện nghiên cứu, các doanh nghiệp tiếp tục hỗ trợ học sinh tham gia sân chơi đầy bổ ích này, làm cầu nối đưa các sản phẩm nghiên cứu khoa học của học sinh được ứng dụng vào thực tiễn.
Từ thành công cuộc thi năm nay, Thứ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo chính thức phát động Cuộc thi Khoa học Kỹ thuật quốc gia dành cho học sinh trung học năm học 2018 - 2019 tại Thủ đô Hà Nội.
Tại lễ bế mạc, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tặng bằng khen cho các tập thể: Sở Giáo dục - Đào tạo Nghệ An, Trường đại học Vinh, và các cá nhân có thành tích xuất sắc.
Ban tổ chức cũng đã trao 124 giải cho các dự án xuất sắc nhất, trong đó có 13 giải nhất, 26 giải nhì, 38 giải ba, 47 giải tư. Đoàn Hà Nội xếp nhất toàn đoàn với 25 giải, trong đó có 3 giải nhất.
Sau cuộc thi tại khu vực phía Bắc, từ 17-20.3, Cuộc thi khoa học kĩ thuật cấp quốc gia học sinh trung học năm học 2017-2018 khu vực phía Nam sẽ được tổ chức tại thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng. Các giải nhất từ 2 cuộc thi sẽ bước vào phần thi thuyết trình tiếng Anh để chọn ra 8 dự án tham gia giải Intel ISEF tại Mỹ vào tháng 5 tới.
13 dự án đạt giải nhất
Lĩnh vực Phần mềm hệ thống
1. Nghiên cứu kỹ thuật phát hiện mã độc dựa trên thuật toán sinh tên miền sử dụng phương pháp học máy; đơn vị: Trường THPT, Đại học Khoa học tự nhiên.
Lĩnh vực Robot và máy thông minh
1. Robot thí nghiệm hoá học; đơn vị: Trường THPT Hoa Lư A, Sở GDĐT Ninh Bình
2. Cánh tay robot hỗ trợ người khuyết tật sử dụng cảm biến EMG; đơn vị: Trường THPT Phù Cừ, Sở GDĐT Hưng Yên
Lĩnh vực Hoá sinh, Hoá học
1. Nghiên cứu phát triển liệu pháp thực khuẩn thể nhằm thay thế kháng sinh trong điều trị vi khuẩn tụ cầu vàng; đơn vị: Trường THPT Trần Phú, Sở GDĐT Hải Phòng
2. Nghiên cứu, thiết kế cảm biến pH huỳnh quang dựa trên phức chất của Eu (III); đơn vị: Trường THPT, Đại học Sư phạm Hà Nội
Lĩnh vực Y sinh và khoa học sức khỏe
1. Nghiên cứu nồng độ các chất trung gian dẫn truyền thần kinh hệ Dopaminergic, Serotonergic trong nước tiểu và mối liên quan với biến đổi hành vi người nghiện game; đơn vị: Trường THPT chuyên Nguyễn Huệ, Sở GD-ĐT Hà Nội
2. Nghiên cứu khả năng bảo vệ gan và kháng thể ung thư của dịch chiết chùm ngây; đơn vị: Trường THPT Chu Văn An, Sở GD-ĐT Hà Nội
Lĩnh vực Kĩ thuật môi trường
1. Nghiên cứu chế tạo chế phẩm sinh học bio-cleaner-na và thử nghiệm xử lý môi trường nhà vệ sinh trong trường học; đơn vị: Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng, Sở GD-ĐT Nghệ An
2. Nghiên cứu chế tạo vật liệu xử lý khí thải chống ô nhiễm môi trường; đơn vị: Trường THPT Nguyễn Tất Thành, Đại học Sư phạm Hà Nội
Lĩnh vực Khoa học xã hội và hành vi
1. Học sinh Thủ đô với việc bảo tồn và phát huy giá trị lịch sử - văn hoá khu phố cổ; đơn vị: Trường THPT Chuyên Nguyễn Huệ, Sở GD-ĐT Hà Nội
2. SAC - Người bạn đồng hành của trẻ tự kỷ; đơn vị: Trường THPT Trần Phú, Sở GD-ĐT Hải Phòng
Lĩnh vực Kỹ thuật cơ khí
1. Chế tạo xe lăn leo cầu thang điều khiển bằng cử chỉ của đầu, giọng nói và điện thoại thông minh; đơn vị: THPT Chuyên Bắc Ninh, Sở GD-ĐT tỉnh Bắc Ninh.
2. Hệ thống chưng cất nước mặn thành nước ngọt với kỹ thuật chân không bằng bơm thủy lực bởi năng lượng sóng biển; đơn vị: THPT Chuyên Phan Bội Châu, Sở GD-ĐT tỉnh Nghệ An.
|
Bình luận (0)